Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Y tế

19:26, 18/04/2023

Chiều 18-4, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với Sở Y tế về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cùng dự buổi làm việc với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh có đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Văn phòng UBND tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của Sở Y tế: Toàn ngành Y tế tỉnh hiện có 27 đơn vị trực thuộc, 226 trạm y tế cấp xã, với 3.689 viên chức y tế (còn thiếu 2.048 biên chế theo vị trí việc làm được giao), trong đó có 795 bác sĩ (2 tiến sĩ, 19 bác sĩ Chuyên khoa II, 189 bác sĩ Chuyên khoa I, 58 thạc sĩ, 532 bác sĩ); 1.361 điều dưỡng (521 điều dưỡng đại học và sau đại học). 

Năm 2022 và quý I-2023, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và hậu COVID-19, song được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Y tế, cán bộ, nhân viên ngành Y tế tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp, đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, viêm não Nhật Bản B... thường xuyên được giám sát, triển khai các biện pháp phòng chống và cơ bản được kiểm soát, không để dịch chồng dịch. Công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm, chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe sinh sản... tiếp tục triển khai hiệu quả. Công tác khám, chữa bệnh (KCB) đảm bảo đúng quy chế chuyên môn; từng bước mở rộng, triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới. Ngành Y tế đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hồ sơ sức khỏe điện tử, kê đơn thuốc điện tử và sử dụng hệ thống phần mềm KCB. 

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc.

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành Y tế còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc không có đủ vắc-xin Sởi, Sởi-Rubella, vắc-xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) để cấp cho tỉnh nên nhiều trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm chủng đủ mũi. Chi phí KCB BHYT chưa được quyết toán từ năm 2018-2022 là 214.850 tỷ đồng, do vậy một số đơn vị khó khăn về kinh phí để trả lương, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên, thanh toán cho nhà cung cấp thuốc, vật tư y tế. Mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh không lây nhiễm, tai nạn ngày càng gia tăng; một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại; các bệnh mới, lạ xuất hiện với diễn biến khó lường. Khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách trong mua sắm thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả mua sắm đấu thầu, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Giá dịch vụ KCB còn bất cập, chưa kết cấu đủ các yếu tố thành phần. Cơ sở vật chất, hạ tầng của một số đơn vị y tế tuyến tỉnh chật hẹp, xuống cấp. Nguồn nhân lực y tế thiếu về số lượng, cơ cấu chủng loại, nhất là bác sĩ, bác sĩ chuyên khoa và kỹ thuật viên chuyên ngành tay nghề cao.

Qua nghe báo cáo của Sở Y tế, phát biểu tham luận của các đơn vị y tế và ý kiến tham gia của các sở, ngành chức năng đối với ngành Y tế, kết luận buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị ghi nhận, biểu dương cán bộ, viên chức ngành Y tế trong những năm qua thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là công tác phòng chống dịch COVID-19. Chỉ thẳng những hạn chế, tồn tại của ngành cũng như những khó khăn, vướng mắc: có cán bộ vi phạm trong phòng chống dịch; chất lượng khám chữa bệnh còn thấp, chưa có điểm nhấn; cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chật hẹp, xuống cấp; công tác quy hoạch cán bộ, xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y tế còn hạn chế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, ngành Y tế thời gian tới cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thẩm quyền; động viên cán bộ, viên chức phát huy năng lực, sáng tạo, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng cường công tác y tế dự phòng, nhất là trong tình hình hiện nay số ca mắc COVID-19 có chiều hướng gia tăng, Sở Y tế cần có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị phòng chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân thực hiện các biện pháp phòng dịch và tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ. Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính tổ chức và hướng dẫn các đơn vị y tế được phân cấp đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đảm bảo đúng quy định, kịp thời. Cần tăng cường chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh giữa các bệnh viện tuyến Trung ương về tỉnh; Chọn một số dịch vụ kỹ thuật trọng điểm; tăng cường cải cách hành chính… Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ: quy hoạch; tuyển dụng cán bộ để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ quản lý, bác sĩ, nhân viên y tế. Đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng bệnh viện thông minh; tăng cường xã hội hóa kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực y tế để tăng năng lực khám chữa bệnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế cố gắng hơn nữa hoàn thành sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

Tin: Minh Tân
Ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com