Đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu

18:21, 15/03/2023

Sáng 15-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 nhằm “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh du lịch và các ngành liên quan; các chuyên gia nghiên cứu kinh tế.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến ngành Du lịch thế giới cũng như Việt Nam. Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019. Sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, từ ngày 15-3-2022, Chính phủ đã quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch. Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa. Năm 2022, lượng khách nội địa đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn 150% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch và đạt 66% so với mức kỷ lục năm 2019. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt (giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019), đạt 70% so kế hoạch…

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp làm du lịch lớn trên cả nước, các cơ quan liên quan đã tham luận phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn và thúc đẩy du lịch.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tích cực, đạt được kết quả đáng ghi nhận trong phát triển du lịch, nhất là trong bối cảnh xuất phát điểm thấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước; đồng thời thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành Du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, tính cạnh tranh chưa cao.

Theo Thủ tướng, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP, nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%”. Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định; an ninh trật tự, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững; thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả biển, núi, rừng và sông; có một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, 3 di sản thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41 nghìn di tích, danh lam, thắng cảnh; sản vật phong phú, mặt bằng giá cả thấp hơn so với khu vực; đặc biệt có 54 dân tộc với những nét văn hóa đặc sắc… là những yếu tố nền tảng quan trọng để chúng ta phát triển, trong đó có phát triển du lịch.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm phải phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội; phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn; chuyển từ “cung cấp cái mình có” sang “cung cấp điều khách hàng cần”; từ du lịch “một mùa”, sang du lịch quanh năm; phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chung tay phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch văn minh, hội nhập, hiệu quả, bền vững; với phương châm “người dân, doanh nghiệp là chủ thể; khách du lịch là trung tâm; sản phẩm, hạ tầng du lịch là nền tảng; dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực”.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng tin tưởng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự quản lý của Nhà nước; sự quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân; ngành Du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch sẽ - Điểm đến an toàn, thân thiện”, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com