Sáng 21-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) năm 2023; thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Cùng chủ trì hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang-TTXVN |
Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Dự hội nghị tại đầu cầu 63 địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị đánh giá, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, khẩn trương chỉ đạo sát sao công tác giải ngân vốn ĐTC. Công tác giải ngân vốn ĐTC đã được triển khai đồng bộ, đạt gần 93,5% kế hoạch. Trong đó, biểu dương 8 bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 100% trở lên kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao; giải ngân các chính sách hỗ trợ đến tháng 1-2023 ước đạt 80,8 nghìn tỷ đồng. Về 3 chương trình MTQG, đã ban hành 69/72 văn bản quy định cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện các Chương trình. Đến hết tháng 12-2022 đã giải ngân khoảng 92,9% kế hoạch vốn đối ứng từ ngân sách địa phương. Nhiệm vụ giải ngân vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị hơn 711.684 tỷ đồng là rất nặng nề, cần phải nỗ lực hơn so với thời gian qua.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được trong giải ngân vốn ĐTC năm 2022; thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình MTQG; đóng góp quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo các cân đối lớn.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiều dự án kéo dài nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm được tháo gỡ, thúc đẩy. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình MTQG cũng được các cấp, các ngành tập trung triển khai và đạt hiệu quả bước đầu, song vẫn còn hạn chế cần khắc phục.
Bên cạnh đó, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, công tác giải ngân và phân bổ vốn ĐTC vẫn chậm so với yêu cầu; phê bình các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và chưa phân bổ hết kế hoạch vốn ĐTC.
Về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho rằng vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc, triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm, mới đạt 0,2%, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 sau khi sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư hơn 2,8 nghìn tỷ đồng chưa đề xuất phương án xử lý. Hiện, tỷ lệ giải ngân vốn thuộc chương trình MTQG tính đến 30-1-2023, mới đạt 57% kế hoạch.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nhắc lại, giải ngân ĐTC vừa là nguồn lực, vừa là động lực cho sự phát triển, nhằm tạo công ăn, việc làm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khắc phục những hạn chế nội tại và tác động bên ngoài. Do đó phải tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình MTQG.
Theo đó, các cấp, ngành phải quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, xác định giải ngân vốn ĐTC là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành năm 2023. Các bộ, ngành, địa phương phải đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát các thủ tục pháp lý; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc. Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án, nhất là các dự án khởi công mới; làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Về triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo; yêu cầu Bộ Tài chính bám sát Đề án để có phương án huy động nguồn lực thực hiện Chương trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 104/QĐ-TTg; có giải pháp phù hợp để đáp ứng kịp thời nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đối với 3 Chương trình MTQG, Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo; các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành 3 văn bản hướng dẫn thực hiện còn lại; sửa các văn bản pháp luật không phù hợp; đổi mới cách nghĩ, cách làm, xây dựng chính sách, dự án có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và phù hợp đặc thù riêng của địa phương./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin