Mặc dù còn gặp khó khăn, nhưng những năm vừa qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.
Năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 931,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm trước, xuất khẩu hơn 31 tỷ USD, đóng góp rất quan trọng vào tổng số thu ngân sách đạt 19.100 tỷ đồng. Đây là những kết quả đạt cao nhất từ trước đến nay. Cộng đồng doanh nghiệp duy trì giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động và đóng góp thiết thực vào “Tuần lễ cao điểm Tết vì người nghèo năm 2023” với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau. Trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng công nhân ngừng việc tập thể, đình công.
Năm 2022, Thái Nguyên có 850 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên hơn 8.850 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 130 nghìn tỷ đồng. Cũng trong năm 2022, có 20 dự án FDI được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn, nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực lên 171 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 10,3 tỷ USD. Đây là nguồn lực rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phát triển trong năm 2023 và những năm tới.
Hà Nam: Động lực từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hà Nam đã tạo hiệu quả tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, truyền thống của địa phương, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi xã, huyện và phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn.
Đến nay tỉnh đã có 65 sản phẩm của 30 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 49 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 16 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm chất lượng điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao cấp tỉnh trở lên sau khi được công nhận đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá đến nhiều người tiêu dùng.
Có 7 trong số 65 sản phẩm OCOP đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể chứng nhận Hà Nam. Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, sản lượng, giá bán tăng lên khoảng 10% so với trước khi được công nhận.
Quảng Ngãi: Mục tiêu năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại
Theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là tỉnh phát triển khá của cả nước. Đến năm 2045, công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Dịch vụ, du lịch phát triển đa dạng. Nông, lâm, ngư nghiệp phát triển bền vững. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển mạnh. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện. Chất lượng môi trường sống của nhân dân được nâng lên. Mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 7,25-8,25%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt trong khoảng 7.700-7.900 USD. Tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu GRDP đến năm 2030 đạt 72-73%. Năng suất lao động tăng trưởng bình quân 6,5-7,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 410 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt ngang với bình quân của cả nước, trên 50% theo định hướng toàn vùng đến năm 2030./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin