Ngày 20-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, 5 năm qua, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chặt bỏ khoảng 5.600ha hồ tiêu. Theo đó, năm 2018, diện tích hồ tiêu của Đồng Nai là gần 17 nghìn ha, nhưng đến nay giảm còn khoảng 11.400ha.
Bên cạnh đó, do giá hồ tiêu xuống thấp nên nông dân Đồng Nai giảm đầu tư, không chú trọng chăm sóc vườn tiêu, điều này khiến năng suất hồ tiêu hiện nay giảm khoảng 30% so với trước. Dự báo tới đây, việc chặt bỏ hồ tiêu tiếp tục diễn ra ở Đồng Nai, hầu hết người dân sẽ chuyển đổi hồ tiêu sang trồng sầu riêng, do loại trái cây này đang có giá cao và đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Trước năm 2018, giá hồ tiêu tăng cao nên nông dân ở Đồng Nai ồ ạt chặt bỏ nhiều loại cây để trồng tiêu, do phát triển nóng nên diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh vượt quy hoạch hàng nghìn ha. Những năm qua, giá hồ tiêu liên tục duy trì ở mức thấp, trong khi đó loại cây này đòi hỏi nhiều công chăm sóc, dễ bị sâu bệnh nên nông dân không còn mặn mà với hồ tiêu.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho thấy, năm 2018, toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 15 nghìn ha mít, bưởi, sầu riêng (diện tích mỗi loại khoảng 5.000ha) nhưng đến nay, tỉnh có hơn 9.000ha mít, trên 10.300ha bưởi và gần 11.500ha sầu riêng.
Tuyên Quang: Thêm những cánh rừng đạt chứng chỉ FSC
Sau 7 năm triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có trên 43.878 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng rừng, doanh nghiệp thu mua mà còn giúp bảo vệ môi trường.
Thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC, năm 2016, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng hồ sơ và đề nghị cấp chứng chỉ rừng bền vững cho hơn 2.480ha rừng. Đến 2021, công ty tiếp tục xây dựng hồ sơ và đề nghị cấp chứng chỉ rừng bền vững cho hơn 800ha. Hiện nay, công ty đã có hơn 3.244ha rừng được cấp chứng chỉ.
Xác định quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp nên từ năm 2015, tỉnh Tuyên Quang bắt đầu thí điểm xây dựng chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng thế giới FSC. Việc thu hút các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ các nhóm hộ đang được ngành Nông nghiệp và các địa phương tích cực thực hiện, để ngoài việc đồng hành về mặt kỹ thuật, nhóm hộ sẽ nhận được sự hỗ trợ về kinh tế để thực hiện việc mời chuyên gia đánh giá./.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin