Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11): Sôi nổi Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

08:44, 18/11/2024

Những ngày này, các khu dân cư trong tỉnh đang tưng bừng, sôi nổi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 với nội dung phong phú và nhiều hoạt động thiết thực, sinh động. Hơn 20 năm qua, việc tổ chức Ngày hội luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện, trở thành đợt sinh hoạt xã hội rộng rãi ở cộng đồng dân cư, hình thành nên một nét đẹp văn hóa mới, từ đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Lãnh đạo huyện Nghĩa Hưng tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn của khu dân cư Tây Sơn, xã Nghĩa Sơn.
Lãnh đạo huyện Nghĩa Hưng tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn của khu dân cư Tây Sơn, xã Nghĩa Sơn.

Đi khắp các khu dân cư trên địa bàn tỉnh trong những ngày giữa tháng 11, đâu đâu cũng thấy không khí vui tươi, nhộn nhịp của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024). Từ đường làng, ngõ xóm đến các khu phố đều được trang hoàng nổi bật với sắc màu rực rỡ của cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu và những tuyến đường hoa. Tất cả đã tạo nên không khí phấn khởi, rộn ràng lan tỏa đến từng người dân, hộ gia đình.

Về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn Thị An, xã Hợp Hưng (Vụ Bản), chúng tôi được chứng kiến niềm vui, sự phấn khởi của cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây khi được giao lưu, gặp gỡ trong không khí ấm áp thắm đượm tình làng, nghĩa xóm, cùng nhau nhìn lại thành quả đạt được sau một năm. Đồng chí Trần Xuân Thủy, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn cho biết: Nhiều năm qua, Ngày hội đã tạo nên điểm nhấn rõ nét trong hoạt động của cộng đồng, góp phần gắn kết, động viên nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Được xã chọn xây dựng thôn nông thông mới (NTM) kiểu mẫu trong năm 2024, chi bộ thôn đã họp ra nghị quyết lãnh đạo, phát huy cả hệ thống chính trị vào cuộc; đảng viên, nhân dân đồng thuận thực hiện. Kết quả, thôn đã huy động được các nguồn lực đóng góp công sức, kinh phí, để lắp hệ thống wifi, camera giám sát, xây dựng các khu vui chơi, mua dụng cụ thể thao ngoài trời, bổ sung các thiết chế văn hóa, tham gia chăm sóc đường hoa cây xanh, tổng dọn vệ sinh môi trường với tổng kinh phí 25 triệu đồng và gần 50 ngày công. Đồng thời, thôn đang được quan tâm làm gần 700m đường bê tông quanh làng; các xóm đang xây dựng rãnh nước thải, đổ bê tông đường với kinh phí dự toán gần 1 tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo thôn ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên. Thôn có 213 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 97,1%, hộ nghèo chỉ còn 2 hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội. 100% số hộ thực hiện phân loại xử lý rác thải tại nguồn.

Ở Khu dân cư Hòa Vượng, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định), nhiều năm qua, Ngày hội luôn được duy trì tổ chức trang trọng cả phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi, huy động được sự tham gia đông đảo của cả cộng đồng. Bà Trần Thị Dung ở tổ dân phố số 3 cho biết: Ngày hội không chỉ là ngày vui mà còn là dịp kết nối cộng đồng, để bà con nhân dân sum họp, gắn kết yêu thương, tạo nên sức mạnh tổng hợp, chung sức đồng lòng xây dựng khu dân cư nói riêng, thành phố nói chung ngày càng văn minh, giàu đẹp… Năm 2024, cán bộ, nhân dân tổ dân phố số 3 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Để tổ chức Ngày hội đảm bảo đầy đủ nội dung, yêu cầu, phù hợp với tình hình thực tế ở từng khu dân cư, hàng năm, MTTQ các xã, phường, thị trấn đã bám sát vào hướng dẫn của huyện, tỉnh, chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức Ngày hội ở đơn vị mình; đồng thời hướng dẫn Ban công tác Mặt trận phối hợp với chính quyền và các thành viên chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Điểm nổi bật trong công tác phối hợp tổ chức Ngày hội đó là việc chính quyền và các tổ chức thành viên đã tích cực phối hợp với Mặt trận, đặc biệt là Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư đã tổ chức bình xét và đề nghị công nhận các danh hiệu khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa; phối hợp tổ chức phát động các cuộc vận động, các phong trào thi đua; bình xét đề nghị các cấp, ngành khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Ngày hội tới các tầng lớp nhân dân; huy động các nguồn lực đảm bảo cho việc tổ chức Ngày hội; tu bổ, sửa chữa, xây mới các khu sinh hoạt tập trung của cộng đồng dân cư. Đến nay, 96% khu dân cư trên địa bàn tỉnh được quan tâm xây dựng nhà văn hóa khang trang, hiện đại đáp ứng yêu cầu tổ chức Ngày hội và nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho nhân dân.

Hằng năm, 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó 86% khu dân cư tổ chức Ngày hội có cả phần lễ và phần hội, trên 60% khu dân cư tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết” đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng dân cư. Trong Ngày hội, các khu dân cư trong tỉnh đã tổ chức trao thưởng cho hàng chục nghìn tập thể, gia đình, cá nhân tiêu biểu. Thông qua Ngày hội đã nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay trong phát huy vai trò tự quản của nhân dân ở cộng đồng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; khích lệ nhân dân chung tay xây dựng nếp sống văn minh; động viên nhân dân tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với các phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Từ nguồn huy động đóng góp của nhân dân trong xây dựng NTM đã sử dụng để xây dựng đường giao thông, đường nội đồng, xây nhà văn hóa xã, nhà văn hóa khu dân cư, công trình môi trường, trường học; mua sắm, trang bị cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế, trường học, nhà văn hóa, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của nhân dân về khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, học tập và phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí ở cộng đồng dân cư…

Từ việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã phát huy sức đoàn kết, khơi dậy ý chí, quyết tâm cống hiến của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng tham gia xây dựng quê hương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của các địa phương, của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.052/2.160 khu dân cư được công nhận danh hiệu thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa (chiếm tỷ lệ 95%); 1.706 khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư 5 không” (chiếm tỷ lệ 79%). Có 2.131 khu dân cư xây dựng hương ước, quy ước, trong đó có 2.097 hương ước, quy ước được phê duyệt. Có 581.482 gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (chiếm tỷ lệ 94%); có 1.658 khu dân cư đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”; 1.968 khu dân cư thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”. Đời sống nhân dân trong tỉnh không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần.

Bài và ảnh: Lam Hồng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com