Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo, khắc phục hậu quả cơn bão số 3

13:09, 08/09/2024

Sáng 8/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi). 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 26 địa phương từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc. Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo 26 tỉnh, thành phố.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Nam Định.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.

Dự hội nghị tại các điểm cầu tỉnh Nam Định có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh; Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; các đồng chí TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trần Lê Đoài, Hà Lan Anh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh. 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 là cơn bão rất đặc biệt. Bão hình thành phía Đông của Philippines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh, thành phố Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố); bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía Bắc đã bị tổn thương rất nặng nề do các đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất dồn dập trong tháng 7 và 8/2024.

Để ứng phó, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, liên tiếp ban hành 3 Công điện khẩn để chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương khẩn trương, tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với bão. Các lực lượng, địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc 3 Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trước khi bão đổ bộ.

Về thiệt hại bước đầu cập nhật sơ bộ gồm: 5 người chết; 186 người bị thương; 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở tỉnh Quảng Ninh; các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng. Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy, đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy, đổ. Về nông nghiệp, 121.500ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; 5.027ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh). Tại tỉnh Hoà Bình xảy ra vụ sạt lở đất vào 1 hộ gia đình làm 4 người chết, 1 người bị thương.

Quang ảnh hội nghị tại điểm cầu Nam Định. DT2
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. 

Về thiệt hại ban đầu của tỉnh Nam Định: tỉnh không bị thiệt hại về người; khoảng 5.000ha lúa, 230ha cây hoa màu, 130ha cây ngô hè thu, 20ha nuôi cá da trơn, 220ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. 2 công trình nhà văn hoá bị tốc mái; hàng nghìn cây bóng mát bị đổ; 15 cột điện hạ thế bị đổ và hệ thống đường điện liên quan; nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị bay tốc. Một số công trình đê điều, phòng, chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt. 

Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 3 đã tích cực xử lý giờ đầu nhanh các sự cố có thể khắc phục; ngay sau khi bão tan, các địa phương đồng loạt tập trung khắc phục hậu quả với tinh thần khẩn trương, thời gian ngắn nhất có thể. 

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo từ ngày 8 đến 9/9/2024, hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực đồng bằng, trung du và vùng núi phía Bắc, với lượng mưa trung bình 24 giờ có thể lên tới 100-150mm, có nơi có thể trên 200mm; nguy cơ cao xảy ra lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương. 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển lời chia sẻ, động viên của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Trung ương và của bản thân đến các gia đình không may có người thân bị thiệt mạng, tai nạn thương vong do bão gây ra. Đồng thời cảm ơn toàn thể nhân dân, doanh nghiệp đã tích cực chấp hành sự lãnh đạo, hướng dẫn của các cấp ủy đảng, chính quyền; đã tự nguyện, tự giác tham gia và tích cực hỗ trợ nhau phòng chống, ứng phó với bão.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ, ban, ngành, các địa phương, cơ quan đơn vị liên quan, nhất là các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo các tỉnh đã vào cuộc chỉ đạo và triển khai quyết liệt, trách nhiệm, đạt hiệu quả cao tại tất cả các phần việc liên quan, nhất là công tác chỉ đạo, ứng trực, dự báo, thông tin truyền thông và phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả ngay từ giờ đầu và sau khi bão tan. Nhờ đó, đã giảm mức độ thiệt hại do bão số 3 gây ra ở mức thấp nhất.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cầu các bộ, ngành, các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan phải tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Phải tập trung cao độ cho công tác rà soát cứu người và khắc phục ngay các vấn đề cấp thiết, nhất là chăm sóc người dân, giải quyết hậu quả cho những người dân xấu số. Không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, không để học sinh thiếu chỗ học, không để người bệnh thiếu chỗ chữa bệnh; dứt khoát không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong lúc này, người dân đang phải chịu thiệt hại, do đó phải khẩn trương rà soát ngay, hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại, các gia đình có người thiệt mạng. Tập trung phòng, chống các ảnh hưởng do hoàn lưu bão tiếp tục gây ra, ứng phó sạt lở, sụt lún. Tiếp tục triển khai ngay các công việc khắc phục hậu quả bão, kịp thời xử lý các vấn đề liên quan tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh; ưu tiên khắc phục sự cố của các dịch vụ điện, viễn thông, thu dọn cây xanh gãy, đổ, vệ sinh, xử lý môi trường để bộ máy chính quyền các địa phương sớm bảo đảm hoạt động điều hành hiệu quả, người dân sớm trở lại sinh hoạt, làm việc.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại một cách chính xác, khách quan, không để xảy ra vi phạm đáng tiếc trong thống kê thiệt hại; đề xuất hỗ trợ theo mức hợp lý. Các bộ, ngành liên quan khẩn trương duyệt chi mức sơ bộ và chi sớm kinh phí hỗ trợ để trước 18 giờ ngày 8/9 các địa phương có thêm nguồn thực hiện các nhiệm vụ khắc phục ảnh hưởng do bão. Các bộ, ngành căn cứ chức năng của mình tiếp tục hướng dẫn các phương án xử lý khắc phục thiệt hại theo quy định pháp luật; lực lượng Công an, Quân đội tiếp tục ứng trực, sẵn sàng ứng cứu với các sự cố có thể phát sinh. Công tác dự báo, truyền thông phải duy trì cho đến khi cơn bão kết thúc, đặc biệt phải chú trọng hướng dẫn người dân kỹ năng, cách phòng chống, khắc phục bão. Tích cực kêu gọi người dân, cơ quan, doanh nghiệp không bị hại góp công, góp sức ủng hộ người dân, cơ quan, đơn vị bị thiệt hại theo tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”./.

Tin, ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com