Chiều 10/7, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 về chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CĐS chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về CĐS; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, tổ công tác triển khai Đề án 06 của UBND tỉnh.
Các đồng chí: Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; Vũ Trọng Quế, TUV, Giám đốc Sở TT và TT đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nam Định. |
6 tháng đầu năm 2024, hoạt động CĐS được triển khai đồng bộ trên toàn quốc đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); các bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%). Kinh tế số ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng trưởng doanh số trên sàn giao dịch bán lẻ trực tuyến tăng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tăng 8% so với cùng kỳ. Công tác quản trị số lần đầu tiên sau hơn 20 năm đã thực hiện đánh giá chất lượng tự động, online việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến và hệ thống giải quyết thủ tục hành chính. Lần đầu tiên Việt Nam đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ do Việt Nam tự sản xuất (Made in Vietnam). Giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng 67% so với cùng kỳ năm 2023.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định. |
Đề án 06 đã được triển khai theo hướng đi vào những nội dung cụ thể theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu có những kết quả nổi bật. 6 tháng đầu năm 2024 đã hoàn thành 244 nhiệm vụ, thực hiện thường xuyên 122 nhiệm vụ, đang triển khai 238 nhiệm vụ. Nổi bật là nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và nhân dân về CĐS và Đề án 06 đã thay đổi rõ rệt. 43/76 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân được miễn giảm phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công; được cung cấp đầy đủ các giấy tờ đảm bảo hoạt động công việc hàng ngày trên môi trường mạng. Các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được đẩy mạnh như truy thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử; đẩy mạnh giải pháp sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, thanh toán không dùng tiền mặt các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, y tế. Đã tạo lập và ngày càng hoàn thiện kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ CĐS quốc gia.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, trong đó nổi bật là Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện dịch vụ công, kết nối, chia sẻ dữ liệu và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Trên cơ sở nhiệm vụ những tháng cuối năm đã đề ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của CĐS, xây dựng cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, chia sẻ, kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp tổ chức, thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ CĐS, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu, khẩn trương ban hành kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo CĐS các bộ, ngành, địa phương… Có sự phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện dứt việc, không dàn trải, cần huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị cũng như sự tham gia tích cực của toàn dân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu thụ hưởng kết quả từ CĐS quốc gia. Ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về CĐS đã đề ra trong Kế hoạch CĐS năm 2024. Hoàn thành việc phê duyệt và triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn thông tin. 12 bộ, ngành, 20 địa phương chưa xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo CĐS năm 2024, chưa có kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động CĐS khẩn trương hoàn thành trước ngày 20/7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện và ban hành phương pháp, tiêu chí đo lường chỉ tiêu thống kê về tỷ trọng giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP và trong các ngành, lĩnh vực tại Việt Nam; đẩy mạnh số hóa các hoạt động của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch, lộ trình sử dụng biên lai phí, lệ phí điện tử đối với tất cả các ngành, lĩnh vực. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành để hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động năm 2024-2025 về CĐS trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến, dựa trên dữ liệu. Đẩy mạnh kinh tế số, phát triển thương mại điện tử trong bán buôn, bán lẻ, quản lý thuế và thúc đẩy thanh toán điện tử. Bộ Y tế xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ CĐS y tế đến năm 2030. Bộ Nội vụ hoàn thành hướng dẫn Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, nhất là việc lưu trữ điện tử, hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đẩy mạnh thi đua khen thưởng các tập thể, cá nhân trong thực hiện CĐS và triển khai Đề án 06. Các địa phương chú trọng rà soát các thủ tục hành chính và điều kiện đảm bảo cung cấp trực tuyến toàn trình với 30 thủ tục hành chính còn lại; tiếp tục triển khai quản trị dữ liệu xây dựng hạ tầng cơ sở dữ liệu bền vững làm nền tảng cho CĐS; phát triển tài nguyên dữ liệu số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và CĐS./.
Tin Nguyễn Hương
Ảnh Viết Dư
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin