Đánh giá mô hình trình diễn sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN

11:35, 13/06/2024

Sáng 13/6, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Trực Ninh, Công ty Cổ phần Nano Industry Đăng Quang tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình trình diễn sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN. 

Đại diện lãnh đạo Sở NN và PTNT, doanh nghiệp và người dân địa phương tham gia mô hình.
Đại diện lãnh đạo Sở NN và PTNT, doanh nghiệp và người dân địa phương tham gia mô hình.

Mô hình trình diễn sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN được thực hiện tại cánh đồng Đông Tây Thôn, HTX Trực Liêm, xã Liêm Hải (Trực Ninh); thời gian thực hiện từ tháng 1 đến tháng 6/2024. Mô hình có quy mô 12ha, trong đó mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN là 10,5ha cấy bằng giống lúa VNR20, diện tích 4,5ha, nếp Cô Tiên 2,8ha và nếp Ngọc Lam 3,2ha. Diện tích đối chứng là 1,5ha cấy giống VNR20 diện tích 0,5ha, nếp Cô Tiên 0,6ha và nếp Ngọc Lam 0,4ha. Mô hình trình diễn trên 3 giống lúa, áp dụng phương thức máy cấy lúa bằng mạ khay và có ruộng đối chứng để so sánh.

PAN là loại phân bón lá hữu cơ thế hệ mới được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ như: đạm cá, tro trấu… Đặc biệt trong phân bón lá hữu cơ PAN có bổ sung các nguyên tố trung lượng canxi và silic được chiết xuất bằng công nghệ nano, có chứa hàm lượng các chất hữu cơ cao (12%), nguyên tố vi lượng (Bo: 3.000 ppm) và bổ sung các chất đa lượng NPK là thành phần thiết yếu giúp cây trồng tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu sâu bệnh, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Việc thực hiện quy trình bón phân bón lá hữu cơ PAN giúp giảm 30% lượng phân bón vô cơ các loại so với quy trình truyền thống của nông dân. Trong thời gian thực hiện mô hình, lúa được phun 4 lần phân bón lá hữu cơ PAN bằng thiết bị bay với lượng 144 ml/sào, tương đương 4 lít/ha (mỗi lần phun 36 ml/sào, tương đương 1 lít/ha). Công ty Cổ phần Nano Industry Đăng Quang hỗ trợ 100% lượng phân cho 4 lần phun, tương đương 4 lít/ha và hỗ trợ 50% chi phí phun bằng thiết bị bay không người lái.

Kết quả cho thấy, các giống lúa trong mô hình đều có tỷ lệ nảy mầm cao (đạt trên 90%), sức sống mầm tốt, độ đồng đều khá. Các đối tượng dịch hại trên lúa đều thấp hơn hoặc tương đương so với ruộng đối chứng; đặc biệt do bộ rễ của các giống lúa có sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN phát triển khoẻ mạnh, thân đứng, cứng cây, bộ lá cứng, ít dảnh vô hiệu, khả năng chống đổ khá nên mức độ nhiễm sâu bệnh nhẹ hơn so với ruộng đối chứng. Mô hình sử dụng thiết bị bay phun phân bón lá hữu cơ PAN giúp phân phun đều, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, cứng cây, bộ lá xanh, khỏe dày cứng, tăng khả năng quang hợp, kích thích bộ rễ phát triển, tăng tốc độ đẻ nhánh, tăng số nhánh hữu hiệu, tăng khả năng tích lũy chất khô, góp phần tăng năng suất lúa.

Cụ thể, năng suất lúa ở mô hình cao hơn ruộng đối chứng từ 23-33kg/sào, tương đương 638-915kg/ha. Việc sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN giúp giảm 30% lượng phân bón vô cơ các loại so với quy trình của nông dân. Hiệu quả kinh tế lãi so với ruộng đối chứng từ 246-346 nghìn đồng/sào, tương đương 6,8-9,6 triệu đồng/ha.

Tin, ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com