Đồng bào Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

18:18, 24/12/2023

Thực hiện Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” và phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, người Công giáo trong tỉnh luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và tỉnh phát động, đặc biệt là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu”, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Giáo dân giáo xứ Tang Điền, xã Hải Chính (Hải Hậu) trang hoàng chuẩn bị cho Đại lễ Noel năm 2023.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Giáo dân giáo xứ Tang Điền, xã Hải Chính (Hải Hậu) trang hoàng chuẩn bị cho Đại lễ Noel năm 2023.

Phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh khởi xướng được giáo dân hưởng ứng và tích cực tham gia; từ việc dồn điền, đổi thửa, tham gia ý kiến đóng góp đến dành quỹ đất nông nghiệp gần nơi trung tâm, huy động nguồn lực tiền vốn, ngày công lao động để xây dựng các cơ sở văn hóa phúc lợi. Người Công giáo cùng với nhân dân trong tỉnh hiến trên 180ha đất nông nghiệp và đất thổ cư, tự nguyện dịch chuyển tường, cổng, giậu để mở rộng đường giao thông trong thôn, xóm. Bên cạnh đó, người Công giáo đã đóng góp nhiều tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường giao thông, đường điện chiếu sáng trong thôn, xóm, xây nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… Tiêu biểu như: Linh mục Đỗ Văn Thực, Chánh xứ Hưng Nghĩa (Hải Hậu) ủng hộ 200 triệu đồng; ông Đinh Văn Đáng, giáo xứ Phú Thọ (Giao Thủy) ủng hộ 500 triệu đồng; giáo họ Thất Sự (Giao Thủy) ủng hộ 695 triệu đồng; Giáo họ Lạc Nam (Giao Thủy) ủng hộ 330 triệu đồng; Linh mục Đoàn Quang Thỏa giáo xứ Đông Bình (Nghĩa Hưng) ủng hộ 300 triệu đồng; ông Vũ Khiếu Đích, giáo họ Phú Lão (Vụ Bản) ủng hộ 124 triệu đồng. Nhiều người con quê hương đang công tác trong và ngoài nước ủng hộ các địa phương trên 200 tỷ đồng…

Tại các địa phương trong tỉnh, đồng bào Công giáo đã tích cực tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu bằng nhiều hoạt động thiết thực. Huyện Xuân Trường có trên 19 vạn dân, trong đó đồng bào theo đạo Công giáo chiếm khoảng 30%. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” do MTTQ các cấp phát động, đồng bào Công giáo trong huyện luôn hăng hái thi đua lao động sản xuất, làm giàu chính đáng. Các địa phương đã vận động các hộ dân nói chung, gia đình giáo dân nói riêng tích cực phát huy truyền thống thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để đạt năng suất cao. Việc phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cũng được các xứ, họ đạo và nhiều gia đình giáo dân chú trọng. Nhiều cơ sở sản xuất quy mô từ gia đình đã phát triển mạnh thành những phân xưởng, công ty làm ăn ngày càng phát triển. Tại Cụm công nghiệp xã Xuân Tiến, phần đông chủ công ty, chủ xưởng là các giáo dân tài hoa xứ Kiên Lao, điển hình là doanh nghiệp tư nhân Tân Việt, Công ty TNHH Tân Thiên Phú… Công ty Cổ phần Giầy da - xây dựng Hồng Việt của ông, bà Hồng Việt xứ Thánh Mẫu, xã Thọ Nghiệp phát triển nhiều ngành nghề thu hút hàng trăm lao động với mức lương ổn định. Xưởng may - thêu ren của bà Nguyễn Thị Thu Hương, xã Xuân Phương; xưởng thêu ren mỹ nghệ của ông Đinh Văn Công, xứ Phú Nhai; dệt chiếu cói Xuân Dục; sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của ông Long, họ Bắc Tỉnh, xã Xuân Bắc; xưởng mỹ nghệ tòa tượng của ông Trần Văn Hưng, ông Vũ Huân, xưởng chế biến đồ gỗ mỹ nghệ tòa tượng của ông trùm Trần Văn Hiện, ông Trần Văn Hiệu, xã Xuân Phương... đã thu hút hàng trăm lao động hầu hết là các giáo dân, với thu nhập từ 6-18 triệu đồng/người/tháng. Nhiều gia đình giáo dân có xe khách, xe vận tải chạy tuyến Bắc - Nam, Hà Nội, Hải Phòng; đóng, sửa chữa tàu thuỷ có thu nhập lớn như ông Sơn, ông Tuý, ông Hùng xứ Phú Nhai… Thu nhập và đời sống của nhiều gia đình giáo dân đã tăng lên rõ rệt.

Huyện Vụ Bản có 8 giáo xứ với 12 giáo họ ở 11/18 xã, thị trấn, 2.425 hộ gia đình Công giáo. 5 năm qua, đồng bào Công giáo trong huyện đã tham gia đóng góp, ủng hộ 65,3 tỷ đồng; hiến và góp 22.300m2 đất làm thủy lợi và đường giao thông; ủng hộ 3.500 ngày công lao động làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn xóm, lắp đặt hệ thống điện thắp sáng; đóng góp trên 1.000 ngày công tham gia trồng và chăm sóc tuyến đường cây, đường hoa. Đặc biệt, linh mục các giáo xứ luôn đồng hành với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các địa phương tuyên truyền, động viên giáo dân đóng góp tiền, công sức, hiến đất để làm các công trình phúc lợi xã hội. Điển hình như tại giáo xứ Phú Thứ, xã Tam Thanh, khi chính quyền địa phương triển khai dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường liên xã chạy qua địa bàn các xã Tam Thanh (Vụ Bản) - Yên Lương (Ý Yên), người dân đã tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến, góp đất mở rộng đường. Ở các giáo xứ Đại Lại, Tiên Hào, các linh mục cũng đã ủng hộ vật liệu làm đường bê tông nội đồng, đường giao thông thôn xóm, hỗ trợ ngày công lao động trị giá gần 1 tỷ đồng. Giáo xứ Đào Duyên đồng hành với địa phương đóng góp gần 500 triệu đồng để chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông nội thôn, nội đồng. Giáo họ Phú Lão vận động 9 hộ dân hiến trên 130m2 đất thổ cư, tháo dỡ tường bao, các công trình khác để làm tuyến đường Cầu Họ - Hạnh Lâm; góp diện tích đất 2 lúa để mở rộng đường giao thông. Giáo họ Cầu Dần, xã Trung Thành đóng góp làm đường giao thông, thiết chế văn hóa thôn xóm 30 triệu đồng, hiến 45m2 đất làm đường. Giáo họ Bối Xuyên vận động bà con đóng góp làm đường bê tông thôn xóm trị giá 800 triệu đồng; vận động con em xa quê hỗ trợ làm sân bóng đá trên 300 triệu đồng, xây dựng nhà văn hóa trên 600 triệu đồng. Giáo xứ Đồng Đội vận động làm nhà văn hóa, đường điện thắp sáng, rãnh thoát nước thải tổng trị giá 750 triệu đồng…

Tại huyện Trực Ninh, xác định nâng cao thu nhập là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, bà con giáo dân luôn chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Nhiều gia đình thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất xây dựng các cánh đồng liên kết, cánh đồng lớn, sản xuất các sản phẩm OCOP, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Công ty TNHH Cường Tân do ông Đoàn Văn Sáu làm giám đốc ở giáo xứ Lác Môn đã tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng lớn để sản xuất giống lúa lai, mỗi năm cung cấp cho thị trường cả nước hàng trăm tấn giống lúa các loại, tạo việc làm và thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình giáo dân ở các xã: Trực Hùng, Trực Thái, Trực Cường… Nhiều hộ gia đình giáo dân đầu tư chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao như giáo dân các giáo xứ: An Lãng xã Trực Chính; Trung Lao xã Trung Đông; Lác Môn, Tân Lý xã Trực Hùng; Quỹ Ngoại xã Trực Mỹ; Tây Đường thị trấn Ninh Cường; Tùng Nhì xã Trực Thắng… Trên địa bàn huyện đã xuất hiện các mô hình trang trại, gia trại do giáo dân làm chủ có thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng trở lên. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các hộ gia đình giáo dân phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả và từng bước mở rộng như Công ty Cổ phần Sản xuất vật liệu xây dựng Minh Tiến do ông Lại Quang Minh ở giáo xứ Quỹ Ngoại, xã Trực Mỹ làm Giám đốc; Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Triển 9 do ông Nguyễn Thành Trung người con của giáo xứ Ninh Cường làm Giám đốc. 

Thời gian tới, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, Ban Đoàn kết Công giáo các cấp trong tỉnh tiếp tục tập hợp, động viên người Công giáo cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội, tiếp tục đổi mới, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh./.   

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com