Sáng 20/7, tại Hà Nội, Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng tổ chức Hội nghị lần thứ nhất dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
Cùng dự có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Quyết định 826/QĐ-TTg ngày 11/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo Quyết định 826/QĐ-TTg, Hội đồng điều phối vùng đồng bằng Sông Hồng nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Hồng.
Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định và đại diện các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng tham dự Hội nghị. |
Cũng theo Quyết định 826/QĐ-TTg, Chủ tịch Hội đồng là Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch thường trực là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng.
Hội đồng có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, giúp Thủ tướng chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng, bảo đảm thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều phối các hoạt động lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện các Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng, bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức hợp tác công-tư (PPP), nhất là trong phát triển hạ tầng chiến lược, quan trọng của vùng.
Điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, vùng đồng bằng sông Hồng là 1 trong 2 vùng động lực phát triển hàng đầu và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Mặc dù đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhưng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức và còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém như: các địa phương phát triển không đồng đều, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững; một số địa phương phụ thuộc quá nhiều vào một vài dự án đầu tư nước ngoài FDI quy mô lớn; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành; hệ thống đô thị phát triển chưa hợp lý, thiếu bền vững còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai, tài nguyên còn nhiều hạn chế; ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, nhất là nước thải, chất thải nguy hại, vấn đề ách tắc giao thông; tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến cuối Trung ương tại Hà Nội chưa được khắc phục; liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, đặc biệt là các vấn đề về lao động, thị trường tiêu thụ, hệ thống kết nối giao thông, …
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày kế hoạch triển khai hoạt động Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng 6 tháng cuối năm 2023. |
Chính vì vậy, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ: cần “xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng”, nhằm đổi mới cách thức hoạt động, điều phối và phương thức liên kết giữa các địa phương trong vùng để phát huy hiệu quả cao nhất những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng.
Quyết định 826/QĐ-TTg đã đề ra 11 nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng điều phối vùng, trong đó nhấn mạnh việc điều phối phải bảo đảm nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch, phù hợp với quy định của pháp luật.
Hội đồng điều phối vùng làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận, trao đổi ý kiến để thống nhất vì lợi ích chung của vùng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; Chủ tịch Hội đồng có ý kiến kết luận cuối cùng.
Những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương, thì căn cứ đề nghị của Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, Hội đồng điều phối vùng được xác định không phải là một cấp hành chính, nhưng là mô hình tổ chức hiệu quả để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của vùng, góp phần giải quyết các vấn đề bất cập mà một địa phương trong vùng không thể giải quyết được, đồng thời có thể giải quyết những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là cơ hội để chúng ta cùng nhau thảo luận, bàn bạc và xây dựng Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững, với trọng tâm là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ tuần hoàn trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vùng đồng bằng sông Hồng được định hướng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết; trong đó, Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Hội nghị đã nghe tham luận của các bộ, ngành, địa phương, tập trung vào các giải pháp chính: phân bổ không gian đô thị và giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển xanh và bền vững; phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, từng bước tham gia sâu chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng; phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước, các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm triển khai đường lối Đại hội XIII của Đảng về 6 vùng kinh tế - xã hội, trong đó có vùng Đồng bằng sông Hồng.
Thủ tướng nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế; là vùng đất rất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển.
Vùng có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ; vùng biển có diện tích lớn; là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có nguồn nhân lực dồi dào. Trong đó Thủ đô Hà Nội, hạt nhân phát triển vùng; trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ; có bề dày phát triển hàng nghìn năm gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vị trí của vùng.
Theo Thủ tướng, Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ có các Nghị quyết, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có việc nghiên cứu, xây dựng thể chế điều phối vùng đủ mạnh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả điều phối, liên kết vùng, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề về môi trường liên tỉnh, phát triển các cụm liên kết ngành về môi trường… Do đó, Hội đồng điều phối vùng được thành lập để khắc phục những hạn chế, tồn tại, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội và Chính phủ.
“Hoạt động của Hội đồng điều phối vùng không làm thay việc của cấp ủy, chính quyền các địa phương mà điều phối, liên kết, đôn đốc, kiểm tra, tạo xu thế, phong trào để làm tốt và sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng, xử lý các vấn đề còn vướng mắc. Các địa phương phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỉ lại; nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của cả vùng để phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.
Theo Thủ tướng, trong điều kiện hiện nay, liên kết vùng cần tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn. Trong đó, ưu tiên cho tăng trưởng, cụ thể là tập trung cho 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai 3 đột phá chiến lược. Trong đó, thực hiện kết nối hạ tầng chiến lược trong vùng như xây dựng tuyến cao tốc và đường ven biển từ Thanh Hóa - Ninh Bình - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh; kết nối hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, viễn thông; kết nối, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển; thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện thể chế, trong đó xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt cho phát triển vùng.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương tham dự hội nghị. |
Hội đồng cũng tạo liên kết để sử dụng hiệu quả nguồn tài chính Nhà nước, phát huy hiệu quả nguồn tài chính của các địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị; thúc đẩy hợp tác công tư, liên kết để thu hút vốn FDI; phát triển hạ tầng xã hội, văn hóa gắn với du lịch; liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương kiện toàn và triển khai hoạt động của Hội đồng và tổ chức trực thuộc; khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh và vùng, nhất là Hà Nội; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho vùng và Luật Thủ đô; hoàn thiện các thủ tục và công tác chuẩn bị đầu tư các tuyến đường ven biển, các cao tốc trong vùng; nghiên cứu phát hành trái phiếu, tìm kiếm các nguồn vốn, nguồn ODA để phát triển đường sắt cao tốc kết nối Hà Nội – với khu Láng - Hòa Lạc và Hà Nội với Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên...
Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng các dự án bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, gắn với thúc đẩy tăng trưởng xanh của Hà Nội và cả vùng; liên kết các khu công nghiệp, thương mại, tạo sức mạnh chung, tránh lãng phí nguồn lực; kết nối doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khôi phục các chuỗi sản xuất, cung ứng, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm OCOP; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo; xây dựng cơ chế hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng.
Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức các hội thảo khao học tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu; đặc biệt nghiên cứu thành lập hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.
“Đầu quý 4/2023 sẽ tổ chức kiểm điểm và cuối năm 2023 sẽ tổ chức sơ kết việc thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế-xã hội”, Thủ tướng cho biết.
Cho rằng, “tư duy đổi mới mang lại cách làm mới; cách làm mới mang lại động lực mới; động lực mới mang lại kết quả mới”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự quyết tâm, đoàn kết, chung sức đồng lòng và nỗ lực cao của các bộ, ngành, các địa phương trong vùng; sự góp sức, chung tay của các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các đối tác liên quan. Hội đồng điều phối sẽ không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra, phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng nhanh và bền vững; góp phần xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin