Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1

15:23, 17/06/2023

Sáng 17/6, tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Lễ khởi công do Bộ Giao thông vận tải phối hợp các tỉnh, thành phố An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Cùng dự có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ (dự tại điểm cầu Sóc Trăng); Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước (dự tại điểm cầu An Giang); đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương trong vùng...

Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 còn nhằm giải quyết các vấn đề lưu thông hàng hóa, tiết kiệm được thời gian di chuyển cho các loại phương tiện, giảm chi phí logistics...

Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án được áp dụng các cơ chế đặc thù, cơ chế khai thác mỏ khoáng sản, chỉ định thầu…; các tỉnh, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn, khắc phục mọi khó khăn để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư còn 1 năm (thông thường là 2 năm). Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan của Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc lập dự án bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hôm nay, tại tỉnh An Giang vùng đất tươi đẹp, trù phú, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Thủ tướng bày tỏ rất vui mừng cùng các đại biểu và bà con Nhân dân tham dự và chứng kiến Lễ khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Việc thực hiện đầu tư Dự án này là bước cụ thể hóa Nghị quyết đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chủ trương đột phá chiến lược để phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông” để thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc”.

Để thực hiện 3 đột phá chiến lược, từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, chúng ta đã hoàn thành, đưa vào khai thác 566 km đường bộ cao tốc, nâng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng là 1.729 km; trong tháng 6 này chúng ta đồng loạt khởi công nhiều dự án cao tốc kết nối nội vùng và các vùng với nhau; xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành một vùng kinh tế trọng điểm phát triển của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững, theo Nghị quyết Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khắc phục các tồn tại hạn chế trong việc đầu tư phát triển hạ tầng vừa qua (chưa bảo đảm tính đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc còn chậm, chưa hợp lý, phân bổ chưa hài hòa giữa các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực và vùng khó khăn). Do đó, chúng ta phải quyết tâm làm, đã làm phải hiệu quả, "cân, đong, đo, đếm" được.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu bấm nút khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Dự án tuyến đường bộ cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực; phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng; từng bước hình thành trục kết nối, giao thương giữa trục ngang và trục dọc, trục bắc-nam và đông-tây.

Thủ tướng nêu rõ, để có kết quả hôm nay, đủ các điều kiện để khởi công dự án, các cấp các ngành, nhất là Bộ Giao thông vận tải và 4 địa phương có dự án đi qua đã phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn:

Công tác lập dự án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (các bộ ngành, địa phương đã rất khẩn trương trong công tác lập, thẩm định và trình duyệt, chọn nhà thầu...). Các bộ, ngành, địa phương nhất là các chủ đầu tư (Ban quản lý dự án) đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, tư vấn giám sát, giải phóng mặt bằng để đến hôm nay tại An Giang và 3 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng đồng loạt khởi công 4 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Trong thời gian rất ngắn khoảng 1 năm so với mức trung bình 2 năm so với cách triển khai thông thường, tỉnh An Giang và 3 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng cùng các bộ, ngành, các đơn vị liên quan đã nỗ lực để khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần với mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ toàn tuyến cao tốc trong năm 2026. Các dự án này cũng được phân cấp, phân quyền cho các địa phương và càng làm, các địa phương càng vững tin, bản lĩnh hơn và làm tốt hơn.

Với kết quả đó, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền các tỉnh thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bộ Giao thông vận tải, các ban, bộ, ngành liên quan, các Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn; đặc biệt là các tỉnh, thành phố đã phối hợp triển khai công việc; biểu dương chính quyền, cả hệ thống chính trị và nhân dân 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã nỗ lực vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai Dự án.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng hoan nghênh và biểu dương, đánh giá cao tinh thần của người dân nơi có dự án đi qua đã hăng hái, nhiệt tình nhường đất ở, sinh kế cho xây dựng công trình.

Thủ tướng nêu rõ, kết quả đạt được hôm nay rất đáng ghi nhận, tuy nhiên công việc phía trước còn rất lớn với nhiều khó khăn, thách thức: tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại trong đó có nhiều vị trí tập trung đông dân cư, dễ phát sinh các khiếu nại, khiếu kiện; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong cấp phép khai thác, sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần kịp thời hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án; thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết, do đó phải “vượt nắng, thắng mưa”. Các tỉnh phải hỗ trợ lẫn nhau trong việc điều phối nguồn nguyên vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng với tinh thần tất cả vì công việc chung, tránh tình trạng cơ chế xin - cho.

Do vậy, để công trình được hoàn thành bảo đảm an toàn, chất lượng, đáp ứng tiến độ và hiệu quả đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Ủy ban nhân dân tỉnh các tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng cần tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công, tiến độ một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng thi công và tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan thi công, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, bảo vệ an toàn cho nhân dân, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước.

Thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm của người quyết định đầu tư theo các quy định hiện hành trong tổ chức thực hiện dự án thành phần được phân cấp, bảo đảm chất lượng, tiến độ để hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân 4 tỉnh, thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự, an toàn để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công Dự án bảo đảm tiến độ, hiệu quả, không thất thoát. Các bộ, ngành cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát.

Tỉnh An Giang và các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho Dự án. Ủy ban nhân dân các tỉnh khẩn trương hoàn thiện thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật; không để phải qua khâu trung gian, đồng thời các chủ đầu tư, nhà thầu phải có trách nhiệm hoàn nguyên các mỏ vật liệu.

Ủy ban nhân dân 4 tỉnh, thành phố có dự án đi qua khẩn trương đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại để đáp ứng mặt bằng thi công công trình dự án; hoàn thành bàn giao chậm nhất trước ngày 31/12/2023.

Quan tâm nhiều hơn nữa công tác bồi thường, tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới tối thiểu phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ; đề nghị bà con nhân dân hết sức ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước để chung tay xây dựng các tuyến cao tốc nói chung và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nói riêng; khẩn trương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, các khu đô thị, dân cư, dịch vụ… với đường cao tốc, khai thác hiệu quả sử dụng đất hai bên đường cao tốc để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp Hội đồng kiểm tra công tác nghiệm thu tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các chủ đầu tư, bảo đảm tuân thủ quy chuẩn xây dựng, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu; phối hợp với các địa phương hướng dẫn quy trình triển khai dự án nhằm bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất; hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các vấn đề kỹ thuật chuyên môn (quy chuẩn, tiêu chuẩn, giải pháp kỹ thuật...).

Các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia dự án cần phát huy tối đa ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành và cao hơn nữa với nhân dân với Tổ quốc; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các dự án thành phần đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, không đội vốn. Các nhà thầu, tư vấn thiết kế đã hứa thì phải thực hiện đúng cam kết, bảo đảm chỉ đạo, "cân, đong, đo, đếm" được, thi công “3 ca 4 kíp” với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”.

Việc hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc trong 2 năm tới quan trọng hơn nữa, do đó Thủ tướng đề nghị chúng ta chung sức, chung lòng, các địa phương cùng với chủ đầu tư, các nhà thầu, tư vấn đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, quyết liệt rồi thì quyết liệt hơn nữa để hoàn thành tuyến cao tốc đúng tiến độ, nâng cao chất lượng, không để đội vốn; bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; bảo đảm cho nhân dân có sinh kế ít nhất bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ; tháo gỡ mọi khó khăn, thách thức.

Chính phủ sẽ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành Dự án này cũng như những Dự án đầu tư phát triển hạ tầng khác đúng tiến độ, chất lượng, không đội vốn, lãng phí, tiêu cực; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Trên tinh thần nhiệt liệt hưởng ứng 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, hưởng ứng phong trào đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chống lãng phí, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng tuyên bố khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

* Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến thăm, tặng quà ông Huỳnh Quang Bẳng (Mười Vinh), Thương binh 3/4, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc./.

Theo Nhân Dân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com