Hậu phương vững chắc của những người lính đảo

08:25, 08/03/2023

Nơi tuyến đầu Tổ quốc, dù phải đối mặt với biết bao hiểm nguy, khó khăn, song những người lính Hải quân vẫn ngày đêm bám trụ, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió. Với họ, gia đình luôn là hậu phương vững chắc, là động lực để vượt qua mọi thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cô giáo Nguyễn Thị Ca trong một tiết dạy tại Trường THCS thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Cô giáo Nguyễn Thị Ca trong một tiết dạy tại Trường THCS thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Chúng tôi về Trường THCS thị trấn Thịnh Long gặp gỡ giáo viên Nguyễn Thị Ca (48 tuổi), vợ của Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa. Suốt 23 năm công tác tại các đảo Cô Lin, Song Tử, Sơn Ca… rồi Trường Sa, anh Nhương luôn yên tâm công tác bởi có hậu phương là người vợ tảo tần thay anh gánh vác mọi việc gia đình. Sau 3 năm tìm hiểu, năm 1998 anh chị kết hôn. Sau ngày cưới, không có tuần trăng mật, anh Nhương nhận lệnh vào Cam Ranh công tác; năm 2000 được điều về công tác ở đảo Trường Sa… Ngần ấy năm chồng công tác xa nhà, cũng là khoảng thời gian chị Ca nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, vun vén hạnh phúc gia đình. Chị Nguyễn Thị Ca cho biết: “Khi mới lấy nhau, mỗi lần Tết đến, tôi lại thấp thỏm, hi vọng chồng về đúng dịp. Nhận được tin anh không về do công việc, tôi vừa tủi, vừa thương anh ăn Tết xa nhà. Sau này, khi đã hiểu đặc thù công việc của chồng, tôi mạnh mẽ hơn và luôn động viên anh vững tâm công tác”. Miệng nói quen, nhưng đôi mắt chị Ca lại rưng rưng khi nhớ về những ngày tháng mang nặng, đẻ đau. Do cơ địa yếu, cả 2 lần mang thai (2001 và 2005), chị Ca đều bị dọa sảy và phải xin tạm nghỉ làm đến khi “mẹ tròn con vuông”. Những chuyến công tác ngoài đảo xa khiến anh Nhương không kịp về đón con chào đời. Mãi đến khi con biết đi thì mới biết mặt bố. May mắn, chị Ca được sự hỗ trợ từ hai bên gia đình, cùng với nỗ lực của bản thân nên mọi khó khăn đều vượt qua. Một trong những biến cố của chị Ca phải đối mặt khi vắng chống đó là việc con gái lớn mắc bệnh, phải đi điều trị khắp các bệnh viện trong và ngoài tỉnh; năm 2018 phải tạm bảo lưu việc học để tập trung chữa bệnh. Bằng nghị lực phi thường của bản thân và sự chăm sóc của mẹ, những lời động viên của bố ngoài đảo xa, cùng sự tận tình của các bác sĩ, con gái của anh chị đã khỏe mạnh bình thường, thi đỗ vào Trường Đại học Lao động và Xã hội. Với chị Ca, kỷ niệm đáng nhớ là tháng 7-2017 cùng đoàn công tác tới thăm đảo Sơn Ca. Sau bao năm xa cách, đúng ngày chị đặt chân lên đảo anh Nhương lại mổ cấp cứu viêm ruột thừa cấp. May mắn có lực lượng quân y cùng các đồng đội và hơn hết là chị bên cạnh động viên chăm sóc, anh đã nhanh chóng phục hồi. Khi chị Ca trở về đất liền, chỉ 2 tháng sau, con gái út của vợ chồng anh chị cũng phải mổ cấp cứu do viêm ruột thừa. Để anh Nhương yên tâm công tác, chị Ca đã giấu thông tin, đến khi con gái xuất viện chị mới kể lại cho chồng. Cháu Phạm Khánh Hà, con gái út của anh Nhương - chị Ca luôn tự hào về cha của mình: “Thấy được sự vất vả của mẹ và sự cố gắng của cha, 2 chị em cháu luôn nỗ lực học giỏi, giúp đỡ cha mẹ những việc nhỏ vừa với sức của mình để cha mẹ yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc, nhân dân giao phó, đồng đội tín nhiệm”. Trong công tác giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Ca luôn được đồng nghiệp đánh giá cao về sự hòa đồng và vững chuyên môn. Thầy giáo Trần Văn Hậu, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thịnh Long cho biết: Cô giáo Nguyễn Thị Ca là tấm gương sáng của người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà. Qua trải nghiệm thực tiễn là người vợ lính đảo, trong các tiết giảng dạy môn Địa lý, Giáo dục công dân, cô luôn lồng ghép và có dẫn chứng sinh động cụ thể giúp bài giảng gây ấn tượng với học sinh. Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, cô đã được Bộ GD và ĐT tặng Kỷ niệm chương 20 năm Vì sự nghiệp giáo dục; nhiều danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở của nhà trường và Giấy khen của Phòng GD và ĐT huyện…

Trung úy chuyên nghiệp Đinh Văn Huy (30 tuổi), quê ở xã Yên Tiến (Ý Yên) nhận công tác tại đảo Trường Sa Đông từ tháng 8-2022. Nguyện làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm công tác nơi đầu sóng ngọn gió, chị Hoàng Thị Phương (26 tuổi) chia sẻ: “Hai lần “vượt cạn” đều không có chồng ở bên cạnh động viên. Mỗi khi con cái, bố mẹ ốm đau, anh cũng không được ở nhà, một mình tôi lo toan, gánh vác… Mỗi lần anh về nghỉ phép, bố con lạ mặt, vừa mới “quen hơi bén tiếng” thì anh lại phải lên đường làm nhiệm vụ. Những lúc như thế, tôi tự nhủ đã là vợ lính đảo thì cần vui vẻ chấp nhận hy sinh nhiều thứ, kể cả niềm hạnh phúc riêng và những cái Tết đoàn viên bên gia đình”. Nỗi nhớ chồng được chia sẻ qua mỗi cuộc điện thoại và câu cuối trước mỗi lần ngắt máy chị Phương đều dặn chồng: “Anh cứ yên tâm, ở nhà mọi việc đều ổn anh nhé!”.

Cùng tâm trạng của những người vợ lính đảo, những gia đình có con làm nhiệm vụ nơi biển đảo đều tự hào, sẵn sàng là hậu phương vững chắc để các anh yên tâm “chắc tay súng, vững chí bền”. Gia đình chị Nguyễn Thị Loan (47 tuổi), xóm Địch Giáo Đông, xã Giao Tân (Giao Thủy) có con là chiến sĩ Trần Đức Thái (21 tuổi) đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đảo Trường Sa. Chị Loan cho biết: “Ước mơ lớn nhất của cháu Thái là được phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 2020, cháu thi Trường Sĩ quan Lục quân nhưng thiếu 0,3 điểm. Trước khi lên đường nhập ngũ, cháu Thái chia sẻ với gia đình nguyện vọng khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự ở đảo Trường Sa sẽ tiếp tục thi tuyển vào một trường quân đội”. Đặc biệt, trong mỗi cuộc điện thoại, vợ chồng chị Loan chưa bao giờ thấy con trai than thở về những nỗi vất vả. Trái lại, biển đảo trong mỗi câu chuyện của Thái kể với gia đình luôn lấp lánh, cuộc sống vất vả nơi đầu sóng ngọn gió được Thái coi là những trải nghiệm quý giá mà chẳng dễ gì có được. Gắn bó với biển, đảo, Thái càng thêm quyết tâm vượt mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ, góp sức cùng đồng đội canh giữ sự bình yên cho biển, đảo quê hương. Còn gia đình chị Vũ Thị Lưu (41 tuổi), xóm An Nhân, xã Thành Lợi (Vụ Bản) có con trai là chiến sĩ Hoàng Minh Phương thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đảo Trường Sa tâm sự: “Trước Tết Nguyên đán năm nay, trái ngược với suy nghĩ của chúng tôi, cháu đã thực sự trưởng thành khi gọi điện về gia đình với tâm lý thoải mái vui vẻ. Sự quan tâm của đồng chí, đồng đội đã giúp cháu vượt qua nỗi nhớ nhà và nhanh chóng hòa nhập với môi trường quân đội. Chúng tôi thấy ấm lòng và luôn tự hào về con trai mình”. Để hậu phương và những chiến sĩ tiền tuyến luôn vững tâm trong cuộc sống và công tác, những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như thăm hỏi, động viên các gia đình có sĩ quan, chiến sĩ đang công tác, thực hiện nghĩa vụ quân sự tại các đảo vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12)… 

Tạm biệt những người vợ, người mẹ lính đảo, chúng tôi ra về mang theo trong lòng hình ảnh của những người phụ nữ trung hậu, đảm đang với tình yêu thương mãnh liệt. Họ đã và đang lặng lẽ góp sức cùng chồng, con mình quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com