Vụ lúa mùa thắng lợi!

09:55, 04/11/2022

Năm nay mặc dù thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát… ảnh hưởng bất lợi cho sinh trưởng, phát triển của lúa mùa, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các địa phương đã tập trung khắc phục khó khăn, chủ động triển khai kế hoạch sản xuất nên vụ mùa tiếp tục giành thắng lợi. 

Nông dân xã Hiển Khánh (Vụ Bản) thu hoạch lúa mùa năm 2022, năng suất ước đạt 52-57 tạ/ha.
Nông dân xã Hiển Khánh (Vụ Bản) thu hoạch lúa mùa năm 2022, năng suất ước đạt 52-57 tạ/ha.

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 72.002ha, giảm 1.119ha so với vụ mùa năm 2021; trong đó tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao và đặc sản chiếm trên 86% tổng diện tích. Toàn tỉnh có 270 máy cấy bằng mạ khay, bảo đảm cơ giới hóa khâu gieo cấy đạt 15% diện tích, cơ giới hóa khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 100% diện tích, cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa đạt 96% diện tích. Có 185 mô hình cánh đồng lớn với diện tích 7.337ha, trong đó 175 cánh đồng trồng lúa với diện tích 7.058ha và 10 cánh đồng trồng cây màu; trong số đó có 1.709ha được các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm. Diện tích sản xuất giống lúa lai F1 đạt 465ha; trong đó, Công ty TNHH Cường Tân 350ha, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định 40ha và Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường 75ha. Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, lúa mùa sớm, mùa trung cho năng suất khá cao: Giống Bắc thơm số 7 ước đạt 50-52 tạ/ha, giống BC 15 ước đạt 58-60 tạ/ha, các giống khác ước đạt 52-57 tạ/ha. 

Do thu hoạch lúa xuân muộn và đầu vụ mưa nhiều nên các địa phương gieo cấy muộn hơn 5-7 ngày so với vụ mùa 2021; thời gian trỗ bông, thu hoạch muộn hơn từ 7-10 ngày. Ngoại trừ đầu vụ mưa nhiều gây ngập lụt một số diện tích song đã khắc phục kịp thời nên vẫn đảm bảo gieo cấy theo lịch chỉ đạo, kịp thời vụ; trong suốt vụ, thời tiết tương đối thuận lợi, mát mẻ, nắng mưa xen kẽ, nhiệt độ giảm so với trung bình nhiều năm, lúa sinh trưởng tốt, giàn lúa đẹp, đồng đều; cuối vụ mưa nhiều, nhiệt độ giảm dẫn đến thời gian lúa chín kéo dài, mẫu mã hạt lúa bị ảnh hưởng nhẹ. Nhìn chung, vụ mùa 2022 giàn lúa đồng đều, to bông, nặng hạt, đạt năng suất cao, tương đương vụ mùa 2021.

Để đạt vụ lúa mùa thắng lợi, các địa phương đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Căn cứ điều kiện cụ thể, các huyện lựa chọn sử dụng 3-4 giống chủ lực, mỗi hộ dân chỉ lựa chọn, sử dụng 1 hoặc 2 giống. Hạn chế tối đa đưa giống Bắc thơm số 7 vào cơ cấu vì đây là giống nhiễm nặng bệnh lùn sọc đen, bạc lá, rầy và chịu úng, chống đổ kém. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt, thực hiện phương châm gieo cấy càng sớm càng tốt, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bệnh lùn sọc đen. Do đó, việc gieo cấy lúa mùa đã bảo đảm cơ bản hoàn thành trong khung thời vụ. Cùng với việc thực hiện nghiêm túc cơ cấu giống theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân cũng tăng cường hợp tác, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa thành phẩm, lúa giống. Tiêu biểu như mô hình liên kết của Công ty TNHH Cường Tân, Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường... thuê gom tích tụ ruộng đất thành các cánh đồng lớn sản xuất lúa giống với quy mô 465ha; lợi nhuận bình quân đạt 30-40 triệu đồng/ha/vụ bảo đảm thu nhập của người nông dân trên mỗi ha đất canh tác cao gấp trên 3 lần so với cách làm cũ. Mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định của Công ty TNHH Toản Xuân với các hộ nông dân có diện tích đất sản xuất lớn, các HTX nông nghiệp trong tỉnh quy mô 500ha, với sản lượng thu mua khoảng 4.000 tấn thóc, thu nhập của người dân trên mỗi ha/vụ tăng khoảng 8-10% so với gieo cấy lúa đại trà...

Nét mới trong sản xuất vụ mùa năm nay là mặc dù nguồn lực còn hạn chế song UBND tỉnh đã tập trung đầu tư hỗ trợ các địa phương 3 tỷ đồng mua 36 máy cấy để khuyến khích xây dựng và mở rộng áp dụng mô hình “mạ khay - máy cấy”, nhất là đối với các mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất quy mô lớn; mô hình dịch vụ của các HTX nông nghiệp, hạn chế tối đa diện tích gieo sạ. Đối với những vùng có khả năng bị úng trũng như: Khu vực cụm 3 - huyện Trực Ninh, cụm 4 - huyện Nam Trực, một số xã của huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng… người dân đã thực hiện gieo mạ dược, mạ dày xúc để cấy, hạn chế tối đa thiệt hại khi xảy ra mưa lớn trong thời điểm gieo cấy; đồng thời tổ chức khảo nghiệm một số giống lúa có khả năng chịu úng như giống lúa SHPT3 của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Hải Dương, gắn với mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bảo đảm mật độ cấy lúa lai, lúa thuần, diện tích gieo sạ sử dụng đúng số lượng giống/sào. Trong khâu làm đất do thời gian chuyển vụ ngắn, trời nắng, nóng nên các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện cày bừa kỹ, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng để hạn chế nguồn sâu, bệnh hại, nhất là bệnh lùn sọc đen; thường xuyên giữ đủ nước trong ruộng để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy xác thực vật. Trong công tác chăm sóc lúa mùa, ngành Nông nghiệp hướng dẫn người nông dân tập trung sử dụng phân hỗn hợp N-P-K với các sản phẩm phân bón của doanh nghiệp uy tín… Tăng cường sử dụng và tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ để bón lót thay thế một phần lượng phân vô cơ, nhất là ở những chân ruộng nhiễm chua, phèn, mặn. Chủ động bón phân cân đối, bón sớm, bón gọn; không lạm dụng phân đạm, không bón phân đạm muộn và tập trung phân đạm cho bón lót, bón thúc lần 1. Điều đáng ghi nhận ở vụ mùa năm nay là các địa phương đã chủ động hơn trong phòng bệnh lùn sọc đen, bạc lá lúa bằng việc lựa chọn, sử dụng giống ít nhiễm rầy, bạc lá; tích cực áp dụng phương thức thâm canh lúa cải tiến (SRI), đó là: mật độ hợp lý, bón phân cân đối, bón lót sâu, bón thúc sớm, quản lý nước chặt chẽ và bổ sung phân hữu cơ để tạo giàn lúa khỏe, phát triển đồng đều, nâng cao khả năng kháng bệnh. Đồng thời tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”; tổ chức phòng trừ hiệu quả các đối tượng dịch hại như: chuột, ốc bươu vàng, các lứa rầy, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm; bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông trên các giống lúa bị nhiễm. 

Sản xuất vụ mùa năm nay giành thắng lợi khép lại một năm thành công đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng, góp phần đảm bảo nguồn thu nhập cho nông dân các địa phương trong tỉnh, động viên bà con phấn khởi bước vào vụ trồng cây màu hàng hóa - cây trồng làm giàu của nhiều nông dân./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com