“Trường học kết nối” hay “Lớp học kết nối” (kết nối lớp học)… là một chương trình giáo dục toàn cầu được xây dựng, phát triển bởi Hội đồng Anh (British Council) cho các trường học trên toàn thế giới. Chương trình nhằm giúp giáo viên nâng cao năng lực giảng dạy, trang bị nhiều kỹ năng, kiến thức cho học sinh, sinh viên để đón đầu các xu hướng trong thế kỷ 21. Trên địa bàn tỉnh, một số trường tiểu học, 100% trường THCS và THPT đã tạo tài khoản cho giáo viên trên “Trường học kết nối”.
Cô và trò Trường Tiểu học Giao Thiện (Giao Thủy) sau tiết học "xuyên biên giới". |
Tiết học “xuyên biên giới” của cô giáo tiểu học
Trung tuần tháng 10-2022, các em học sinh lớp 4B1, Trường Tiểu học Giao Thiện (Giao Thủy) đã có một tiết học tiếng Anh xuyên biên giới, kết nối với học sinh lớp 4 của một trường học ở Đài Loan (Trung Quốc) và một trường học khác ở Ấn Độ thông qua màn hình trực tuyến. Tiết học “xuyên biên giới” về các chủ đề trang phục, ẩm thực, cảnh đẹp quê hương đất nước, lễ hội..., và một số nội dung bài học trong sách giáo khoa; có khách mời là thầy giáo người Mỹ. Cô Phạm Thị Hà, giáo viên tiếng Anh của Trường Tiểu học Giao Thiện tham gia buổi dạy học trên chia sẻ: “Qua các tiết học như vậy, học sinh được rèn luyện nhiều nhất về khả năng nghe - nói tiếng Anh và sự tự tin trong giao tiếp. Qua đó, các em cũng hiểu và tự hào hơn về cảnh đẹp quê hương, đất nước, con người Việt Nam thông qua những bài giới thiệu về quê hương và hiểu hơn về thế giới. Các em còn được phát triển kỹ năng thuyết trình, hợp tác và giải quyết vấn đề”.
Ở Trường Tiểu học Giao Thiện, các em học sinh giờ đây không quá xa lạ với những tiết dạy học xuyên biên giới kết nối với học sinh các trường học các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hình thức tổ chức có thể là 1 lớp học kết nối với 1 lớp học, hoặc 1 lớp học kết nối với nhiều lớp học; hoặc mời các chuyên gia các nước về một lĩnh vực nào đó tham dự tiết học. Ý tưởng cho hình thức học kiểu mới, giúp học sinh được giao lưu với học sinh các nước trên thế giới, tạo cho học sinh có cơ hội được trau dồi khả năng nghe - nói tiếng Anh, giao lưu học hỏi, trao đổi văn hóa với bạn bè năm châu đến từ cô giáo Phạm Thị Hà, giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học Giao Thiện. Cô Hà cho biết: “Trường Tiểu học Giao Thiện là một trường học xa trung tâm, học sinh khó có điều kiện được tiếp xúc với giáo viên nước ngoài. Chính vì vậy, các học sinh ở đây thường rất rụt rè, nhút nhát trong giao tiếp với người lạ hay nói trước đông người. Năm học 2021-2022, tôi được phân công nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển hùng biện tiếng Anh của trường. Trăn trở vì điều này nên tôi đã lên mạng để tìm hiểu và trực tiếp kết nối với các thầy cô giáo nước ngoài, nhằm giúp các em có cơ hội được trò chuyện với họ. Các thầy cô nước ngoài đã rất nhiệt tình giúp đỡ, chỉnh sửa lỗi sai cho các em và chia sẻ nhiều kiến thức quý giá. Qua những buổi học như vậy, các em học sinh dần trở nên tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, nâng cao khả năng nghe nói, phản xạ. Và điều đáng mừng là, trong cuộc thi hùng biện tiếng Anh năm ngoái, trường có 2 học sinh đạt giải Nhất cấp huyện, 1 học sinh đạt giải Nhất cấp tỉnh”. Từ kết quả đó, cô Hà nảy sinh ý tưởng kết nối cho học sinh ở các lớp tham gia để có cơ hội giao lưu, trò chuyện với bạn bè, thầy cô nước ngoài trong việc học ngoại ngữ chứ không chỉ kết nối riêng học sinh ở đội tuyển. Từ đầu năm học 2022-2023, cô đã đề xuất với Ban giám hiệu nhà trường và lần lượt tổ chức các buổi học xuyên biên giới cho học sinh các lớp mà mình phụ trách.
Được nhà trường ủng hộ, cô giáo Hà đã tự mày mò tìm hiểu những thầy cô có kinh nghiệm về mô hình lớp học qua các trang mạng, qua facebook... Cô tích cực tham gia các nhóm trên facebook như Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, nhóm Mystery skype/Skype in the classroom, Mystery skype, Our global classroom, Global learning ethusiatics…; liên hệ với từng giáo viên sẵn lòng hợp tác để thảo luận, xây dựng kế hoạch tiết học... Vượt qua những khó khăn ban đầu như sự khác biệt về múi giờ giữa các nước, đường truyền mạng không ổn định, thiếu trang thiết bị học tập, chất giọng tiếng Anh các nước khác nhau, khả năng tiếng Anh của học sinh tiểu học còn thấp..., cô Hà đã tổ chức được nhiều tiết học xuyên biên giới ở các lớp mà mình phụ trách. Học sinh của cô cũng tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, có niềm yêu thích hơn với môn Tiếng Anh.
Nói về mô hình trên, đồng chí Cao Xuân Hùng, TUV, Giám đốc Sở GD và ĐT cho biết: Những tiết dạy học xuyên biên giới mà cô Hà thực hiện đúng tinh thần, chủ trương của ngành GD và ĐT. Trước xu thế phát triển của thời đại, chúng tôi đang trăn trở làm thế nào để giáo dục Nam Định hội nhập, học sinh của địa phương vươn ra thế giới với tư cách công dân toàn cầu khi các em thiếu hoặc yếu tiếng Anh, Tin học và kỹ năng giao tiếp quốc tế. Chính vì vậy, chủ trương dạy học kết nối, nâng cao chất lượng dạy học, tạo môi trường thuận lợi để dạy và học được kết nối với môi trường quốc tế cho học sinh đang là vấn đề được ngành GD và ĐT rất chú trọng.
Xu thế của giáo dục hiện đại
Mới đây, Sở GD và ĐT ban hành Kế hoạch 1696/KH-SGDĐT ngày 25-10-2022 về tổ chức dạy học kết nối năm học 2022-2023, qua đó khuyến khích các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học kết nối. Thông qua mô hình, học sinh ở các vùng xa trung tâm sẽ được mở rộng tầm nhìn, có bạn bè khắp nơi trong toàn quốc, trên thế giới và có cơ hội được giao lưu, hội nhập. Qua đó, học sinh có thể tự đánh giá năng lực mình so với môi trường quốc tế, tự tin hơn, có động lực học tập và khát vọng vươn lên. Đối tượng tham gia là giáo viên và học sinh thuộc Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, các trường THCS, THPT xây dựng chất lượng cao và khuyến khích các trường khác tham gia. Điều kiện tham gia: Giáo viên có năng lực sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo phần mềm/nền tảng dạy học trực tuyến, đối với dạy học kết nối xuyên biên giới cần có năng lực ngoại ngữ tốt.
Việc tổ chức dạy học kết nối nhằm để giáo viên, học sinh qua trao đổi chuyên môn, giao lưu với các nền văn hóa khác nhau giúp hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh một cách toàn diện, nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho giáo viên và học sinh, tiến tới từng bước xây dựng trường học kết nối. Xây dựng các trường học vệ tinh cho Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và các trường THCS chất lượng cao trong bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, nâng cao chất lượng học sinh tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Kết nối lớp học tại các nhà trường với lớp học của các trường trung học khác trong và ngoài tỉnh hoặc với lớp học của các nước trên thế giới qua các giờ học theo chuyên đề/chủ đề bám sát chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam. Các lớp học này giúp cải thiện, nâng cao các kỹ năng giao tiếp - hợp tác, tự chủ - tự học, giải quyết vấn đề sáng tạo…; kiến thức về văn hóa, xã hội, chính trị; trang bị cho các em những năng lực, phẩm chất cần thiết để trở thành những công dân toàn cầu. Việc tổ chức dạy học kết nối có thể ứng dụng trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài; trong đó khuyến khích các trường tìm kiếm đối tác nước ngoài (nước có nền giáo dục phát triển) xây dựng kế hoạch dạy học kết nối, tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh được giao lưu, chia sẻ. Nội dung, chương trình kết nối phải phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam; đảm bảo các yêu cầu về an ninh mạng.
Hiện tại, 100% trường THCS và THPT của tỉnh đã tạo tài khoản cho giáo viên trên “Trường học kết nối”. Các trường nghiêm túc chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn cụ thể, khoa học. Nhiều tổ, nhóm chuyên môn các nhà trường đã tiến hành triển khai các buổi sinh hoạt trực tuyến, thảo luận chuyên đề trên “Trường học kết nối”. Ngành GD và ĐT sẽ mở rộng, củng cố và nâng cao hiệu quả các chương trình hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng giáo dục; tổ chức các hoạt động giao lưu, học tập, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm theo các hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát huy vai trò của cộng đồng giáo viên sáng tạo tỉnh Nam Định tham gia mạng lưới giáo viên toàn cầu trong triển khai các lớp học xuyên biên giới./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin