Xác định việc xây dựng, giám sát và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng để doanh nghiệp ổn định và phát triển. Những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền, các cơ quan liên quan, chủ doanh nghiệp chú trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Tập thể dục giữa giờ tại Công ty TNHH Việt Thuận, Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định). |
Là đơn vị có 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất giày xuất khẩu, Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam, xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) hiện có khoảng 10 nghìn công nhân lao động. Ngay từ ngày đầu thành lập Công ty, Ban giám đốc cũng quyết định thành lập tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty với 100% người lao động tham gia, đây là điều kiện thuận lợi giúp BCH công đoàn công ty triển khai công việc của tổ chức và chuyên môn đều đạt được sự đồng thuận cao của người lao động. Thực hiện sự chỉ đạo của các tổ chức công đoàn cấp trên, BCH công đoàn công ty đã tham mưu, phối hợp với lãnh đạo Công ty và người lao động chú trọng thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc và quy chế phối hợp hoạt động ở từng cấp. Đối với lãnh đạo Công ty nghiêm túc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuân thủ thỏa ước lao động tập thể đã ký kết với người lao động, chi trả lương, thưởng, phụ cấp đúng quy định... Đối với người lao động, 100% công nhân lao động tuân thủ nội quy, quy chế hoạt động của doanh nghiệp, thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể, nâng cao trách nhiệm trong lao động, sản xuất, thái độ làm việc nghiêm túc, tiết kiệm, hạn chế thấp nhất các lỗi sai hỏng trong quá trình sản xuất. Đối với tổ chức công đoàn Công ty, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện cho người lao động, tham gia đầy đủ các hoạt động, đóng góp ý kiến xây dựng nội quy lao động của công ty. CĐCS cùng Ban giám đốc giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động như: Cấp phát bảo hộ lao động, cải thiện điều kiện làm việc trong nhà xưởng, lắp đặt thêm hệ thống làm mát tại khu vực nhà ăn, duy trì trật tự trong doanh nghiệp, thỏa thuận giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ nghỉ phép năm, hoán đổi giờ làm việc, nghỉ luân phiên vào ngày chủ nhật khi có nhiều đơn hàng, phối hợp với chuyên môn xây dựng, bổ sung nội quy, quy chế lao động, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phối hợp với lãnh đạo Công ty tổ chức chương trình đối thoại định kỳ tại nơi làm việc, nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc gắn kết người lao động với doanh nghiệp. Với đặc thù Công ty có tỉ lệ lao động nữ đông chiếm 98%, do đó khi xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể mới BCH công đoàn và chủ doanh nghiệp còn chú trọng thay đổi nội dung đảm bảo phù hợp với nhu cầu, giới tính, độ tuổi của người lao động và thay đổi nhiều điều khoản có lợi hơn đối với lao động nữ; 100% người lao động trong Công ty được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, BCH công đoàn phối hợp với lãnh đạo Công ty tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân các dịp Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), Tết Nguyên đán, tổ chức các chương trình tết sum vầy, phát động Tháng Công nhân, Tháng An toàn vệ sinh lao động, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở “Mái ấm công đoàn”... với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. Hàng năm, 100% người lao động được tham gia các hội nghị, tọa đàm, hoạt động truyền thông, nói chuyện chuyên đề các nội dung pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự; được khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên sâu, khám bệnh nghề nghiệp; được tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, phương pháp nuôi dạy con. Nhờ tích cực chăm lo nâng cao đời sống cho người lao động, nhiều năm qua Công ty không xảy ra các hiện tượng đình công, lãn công, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước.
Thực hiện Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc và Nghị định 04/2015/NĐ-CP, ngày 09/1/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, các cấp công đoàn đã tích cực chỉ đạo CĐCS phối hợp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc đảm bảo đúng, đủ nội dung và thời gian theo quy định. Trong đó, các đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đạt 99,68%; khối doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động đạt 87,8% và thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc với 310 bản thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết và thực hiện. Thực hiện sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh về tổ chức hội nghị đối thoại tại nơi làm việc, đã có 235 doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ, thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã tăng cường đoàn kết, củng cố mối quan hệ giữa công đoàn, chuyên môn và công nhân, viên chức, lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Toàn tỉnh có 15 doanh nghiệp thực hiện theo Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; 310/369 CĐCS tổ chức thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể. Hàng năm, LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch tập huấn phương pháp xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định trong doanh nghiệp và kỹ năng thương lượng tập thể, ký kết, thực hiện thoả ước lao động tập thể cho cán bộ công đoàn chuyên trách và CĐCS các doanh nghiệp có đông công nhân lao động; triển khai tuyên truyền, cấp phát tài liệu tìm hiểu các quy định thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động năm 2019 về “Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thoả ước lao động tập thể”... Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật cho công nhân lao động tại Văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh và triển khai tư vấn pháp luật lưu động tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có gần 40 lượt công nhân lao động được tư vấn tại Văn phòng tư vấn pháp luật, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 1 hội nghị tư vấn pháp luật lưu động cho hơn 200 công nhân lao động tại Công ty TNHH Giầy Amara thuộc LĐLĐ huyện Trực Ninh.
Nhờ làm tốt công tác phối hợp trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các cấp công đoàn tham mưu với người sử dụng lao động, chuyên môn thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong lao động sản xuất.
Bài và ảnh: Ngọc Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin