Chiều 12/7, Công an tỉnh phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm 2024 triển khai thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đánh giá kết quả 3 tháng xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC)”. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Công an tỉnh và trực tuyến đến Công an các huyện, thành phố Nam Định.
Quang cảnh hội nghị. |
Thời gian qua, việc thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ được Thường trực Tỉnh uỷ, lãnh đạo UBND tỉnh, Tổ công tác Đề án 06 tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt. Công an tỉnh đã phát huy vai trò cơ quan Thường trực tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh bằng nhiều giải pháp phù hợp; chỉ đạo quyết liệt Công an cấp xã rà soát, cập nhật dữ liệu an sinh xã hội vào phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đẩy mạnh việc “làm sạch” dữ liệu thông tin dân cư, tăng cường công tác cấp Căn cước gắn với cấp tài khoản định danh điện tử. Các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đều tích cực vào cuộc, từng bước thực hiện, hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đã đề ra. Qua đó, hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh theo hướng nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch; hình thành hệ sinh thái công dân số và cung cấp nhiều tiện ích cho người dân; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương các cấp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững…
Năm 2024, Nam Định là tỉnh đầu tiên trên cả nước được Bộ Công an chọn triển khai điểm mô hình “Tỉnh an toàn PCCC”. Để xây dựng thành công mô hình, Ban TVTU đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 10/4/2024 về xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn PCCC”; đề ra 5 mục tiêu và 5 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế. Tỉnh phấn đấu xây dựng 10/10 huyện, thành phố; 100% xã, phường, thị trấn; 100% tổ dân phố, thôn, xóm, khu dân cư; khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở và hộ gia đình an toàn PCCC; 100% nhà ở các hộ gia đình được kiểm tra, tự trang bị các thiết bị điện, phương tiện chữa cháy bảo đảm đúng tiêu chuẩn. Làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy trên địa bàn tỉnh với phương châm: Từng nhà an toàn; từng cơ quan, doanh nghiệp an toàn; từng khu phố an toàn; từng xã, phường, thị trấn an toàn; từng huyện, thành phố an toàn; mỗi người dân là một tuyên truyền viên trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ; mỗi gia đình, cơ sở là một “pháo đài” trên mặt trận PCCC.
Cụ thể hóa Chỉ thị của Ban TVTU, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND, ngày 12/4/2024, về xây dựng “Tỉnh an toàn PCCC” với 5 tiêu chí cụ thể liên quan đến công tác an toàn PCCC; phấn đấu hàng năm số vụ cháy xảy ra không vượt quá 0,01% so với tổng số cơ sở, số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; đồng thời hạn chế thấp nhất các vụ cháy, nổ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Sau 3 tháng xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn PCCC” tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực; trong đó công tác tuyên truyền được đẩy mạnh; nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, người dân được nâng lên rõ rệt; công tác PCCC được tăng cường…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được; nhận định rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc khi triển khai, thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ và việc xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn PCCC”. Qua đó, thời gian tới các các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục tìm giải pháp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra giải pháp nhằm sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của Nam Định./.
Tin, ảnh: Xuân Thu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin