Ngày 4-4, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Quang cảnh hội nghị. |
Xác định công tác PCTT-TKCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nên trước mùa mưa bão năm 2023, Sở GTVT đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT, xây dựng kế hoạch PCTT của đơn vị, tập trung thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Bộ GTVT, UBND tỉnh, Cục Đường bộ Việt Nam; chú trọng chuẩn bị "4 tại chỗ" và triển khai công tác đảm bảo giao thông xong trước mùa mưa bão. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN ngành đã thực hiện chế độ trực 24/24 giờ khi có tin báo bão và áp thấp nhiệt đới, theo dõi chặt chẽ diễn biến các cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ. Khẩn trương triển khai công tác PCTT-TKCN, có thông báo chỉ đạo kịp thời khi có tình huống thiên tai xảy ra. Vì vậy, trong năm 2023 công tác đảm bảo giao thông sau bão, công tác khắc phục hậu quả bước 1 được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo giao thông an toàn, liên tục không gián đoạn, thiên tai không gây hậu quả đáng kể đối với ngành GTVT.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong mùa mưa bão năm 2024 Ban Chỉ huy PCTT-TKCN ngành GTVT yêu cầu các đơn vị củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy của đơn vị mình; chủ động kiểm tra, tổ chức bảo dưỡng thường xuyên theo kế hoạch năm 2024 hệ thống đường bộ, đường thủy do đơn vị quản lý; kiểm tra các cầu yếu, các cầu có nguy cơ bị đâm, va do lượng phương tiện thủy nội địa tăng nhanh; rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa để bổ sung kịp thời các biển báo hiệu, đèn tín hiệu, thiết bị chống đâm va; tăng cường công tác tuần đường, tổ chức kiểm tra luồng để xử lý các sự cố, các vụ vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường thủy phục vụ tốt nhiệm vụ PCTT-TKCN. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các nhà thầu thi công trên các tuyến đường vừa thi công vừa khai thác theo phân cấp quản lý phải xây dựng phương án PCTT-TKCN, đảm bảo an toàn vật tư, máy móc trên công trường và đảm bảo giao thông khu vực thi công dở dang...
Khi bão lũ xảy ra, các phương tiện phao, phà tại các điểm vượt sông phải cất giấu không thể hoạt động được, các tuyến đường xác định dự phòng để phân luồng giao thông gồm các tuyến đường tỉnh 487, 488, 489C, 488C, 490C, 486B và các tuyến đường huyện đã được đầu tư đồng bộ trên địa bàn. Về vật tư dự phòng và phương tiện cần huy động, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN ngành GTVT giao Văn phòng Sở, Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định, Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Nam; Trường Trung cấp GTVT Nam Định và một số đơn vị, doanh nghiệp trong ngành chuẩn bị sẵn sàng 10 xe khách (từ 29 chỗ/xe trở lên); 10 xe tải (6 xe loại 2,5 tấn; 4 xe loại 5 tấn); 1 ca nô lai và phà 30 tấn (kèm 1 kíp trực đảm bảo phương tiện hoạt động); 1 phà tự hành 2 lưỡi (kèm 1 kíp trực đảm bảo phương tiện hoạt động); tổ chức kiểm tra số lượng, chất lượng và làm tốt công tác bảo quản,... để khi cần thiết có thể phục vụ được ngay…
Năm 2024, ngành GTVT phấn đấu thực hiện tốt phương châm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, nhân dân khi có thiên tai xảy ra, đảm bảo giữ gìn hệ thống giao thông của tỉnh luôn an toàn, đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh./.
Tin, ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin