Dù thắng thua khác nhau song hành trình của các câu lạc bộ (CLB) V-League tại đấu trường khu vực lẫn châu lục đều là trải nghiệm bổ ích nhiều mặt.
![]() |
Câu lạc bộ Đông Á Thanh Hóa nỗ lực bất thành trước PSM Makassar (Indonesia). Ảnh: laodong.vn |
Khởi đầu với trận thắng dễ dàng trước Shan United (Myanmar), sau đó lại hòa được đội bóng danh tiếng Pathum United (Thái Lan) trên sân đối thủ là những kết quả khả quan với Đông Á Thanh Hóa trong lần đầu tham dự Giải vô địch các CLB Đông Nam Á. Đồng thời trên mặt trận V-League, thầy trò huấn luyện viên (HLV) Popov đang xếp thứ hai trên bảng xếp hạng. Một mùa bóng đầy hy vọng...
Vậy nhưng ngay trên sân nhà, đội bóng xứ Thanh loay hoay vất vả không làm sao ghi bàn vào lưới Svay Rieng của Campuchia. Người ta cho rằng đó chỉ là không may mắn, chỉ là tai nạn. Thật tiếc trận hòa này không những làm Đông Á Thanh Hóa thất thế đua vòng bảng mà còn bộc lộ hạn chế rõ ràng trong khả năng tìm mảnh lưới đối phương.
Và điều đáng lo nay tiếp tục xuất hiện trong trận đấu với PSM Makassar. Các chân sút ngoại bị kiềm tỏa không thể có được những tình huống ghi bàn thuận lợi, còn tiền đạo trẻ Ngọc Mỹ lại sút ra ngoài trong pha đối mặt thủ môn. Trong khi đó, thủ môn Xuân Hoàng đã mắc sai lầm nghiêm trọng trong bàn thua đầu tiên. Hai tình huống công và thủ lỡ làng thể hiện rõ sự thiếu kinh nghiệm của cầu thủ xứ Thanh trên đấu trường quốc tế.
Mặt khác, độ mỏng về lực lượng là hạn chế căn bản khiến HLV Popov khó bề xoay trở. Đây cũng là lý do có thông tin cho rằng Đông Á Thanh Hóa đã chủ động rời sân chơi khu vực để tập trung cho các giải trong nước.
Nhìn rộng ra đấu trường khu vực cũng là một thách thức thực sự đối với các CLB V-League.
Trong khi nhiều CLB Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines đã thường xuyên góp mặt tại các giải châu lục, thậm chí còn gây ấn tượng thì với V-League chỉ là số ít và rất hiếm khi tiến được xa. Đây là kết quả khiến giải đấu V-League không được xếp hạng cao ngay trong khu vực. Ý thức được sự thua thiệt và khó khăn này gần đây Công an Hà Nội FC và Thép Xanh Nam Định đều đã đầu tư vượt trội về nhân lực nhằm đánh chiếm ngôi vương quốc nội và hiện thực hóa tham vọng vươn lên trong các giải đấu khu vực và châu lục.
Công an Hà Nội FC đã sớm gặt hái được thành công khi toàn thắng 5 trận, giành vé vào bán kết. Thép Xanh Nam Định sau khi Xuân Son gặp chấn thương nặng đã đầu tư bổ sung 2 ngoại binh chất lượng với hy vọng đương đầu khả quan với các CLB mạnh ở cúp C2 châu Á.
Có đầu tư mạnh có hơn, nhưng Thép Xanh Nam Định hiện đã gần như là đội bóng ngoại binh với 8 cầu thủ chưa kể Xuân Son nhập tịch. Sân chơi quốc tế được phép dùng ngoại binh không giới hạn song V-League chỉ được đưa 3 ngoại binh vào trận. Trong bối cảnh khó có thể chuyển nhượng nội binh giỏi họ phải mua tăng cường ngoại binh là vậy. Và đây là chỗ khó đối với HLV Vũ Hồng Việt khi ông phải tìm các phương án nhân lực cho sân chơi trong nước.
Nhìn từ góc độ tuyển quốc gia, đóng góp của Thép Xanh Nam Định cũng nổi bật từ ngoại binh nhập tịch, ngoài Xuân Son thì sắp tới có thể là Hendrio. Về khía cạnh này, Công an Hà Nội FC cùng các CLB hàng đầu V-League có sự cân bằng hơn do chất lượng cầu thủ nội tốt hơn. Thực tế số đông tuyển thủ quốc gia hiện nay đến từ Hà Nội FC, Công an Hà Nội FC, Thể Công - Viettel và Becamex Bình Dương.
“Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi CLB có điều kiện, hoàn cảnh và lựa chọn mục tiêu khác nhau. Điều này tạo nên sự đa dạng cho sự phát triển của cả bóng đá cấp độ CLB và các đội tuyển. Được thi đấu quốc tế ở CLB các cầu thủ sẽ tích lũy được kinh nghiệm và trưởng thành, tăng khả năng đóng góp cho đội tuyển quốc gia. Về mặt xã hội, thành tích tốt của CLB cùng các tuyển thủ của họ giúp CLB thu hút công chúng và nguồn đầu tư. Tác động qua lại giữa CLB và đội tuyển quốc gia là vậy.
Theo QĐND
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin