Phát triển đồng bộ hạ tầng, mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao: Đáp ứng yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

08:20, 27/12/2024

Thiết chế văn hóa, thể thao là hệ thống những công trình thuộc kết cấu hạ tầng xã hội, một chỉnh thể các yếu tố: cơ sở vật chất - kỹ thuật, tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính và nội dung hoạt động. Thiết chế văn hóa, thể thao các cấp có vai trò, vị trí quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là “cầu nối” trực tiếp giữa cấp ủy, chính quyền với các tầng lớp nhân dân. Việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp ngày càng được hoàn thiện góp phần quan trọng tạo dựng môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh trong cộng đồng, nâng cao sức khỏe và đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ dưỡng sinh người cao tuổi xã Trung Nghĩa (Ý Yên).
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ dưỡng sinh người cao tuổi xã Trung Nghĩa (Ý Yên).

Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, giải pháp về văn hóa nêu rõ: Tiếp tục đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh theo hướng hiện đại; đặc biệt là các dự án về văn hoá, giáo dục… Từ nhu cầu thực tiễn đời sống văn hóa, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của nhân dân. Theo đó, trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện, nhà văn hoá (NVH) xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố (TDP) được xây dựng, trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) phong phú phục vụ nhân dân các dịp lễ, tết, kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện lịch sử văn hóa, chính trị lớn của đất nước, địa phương; là nơi tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân thông qua hội họp tổ chức, đoàn thể;... Qua đó, góp phần gắn kết cộng đồng dân cư, tăng tình đoàn kết xóm làng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố quy hoạch, ưu tiên quỹ đất và đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng thiết chế văn hoá, thể thao, không gian vui chơi, giải trí phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM). Kinh phí xây dựng trung bình từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/NVH cấp xã; từ 450-800 triệu đồng/NVH cấp xóm. Nhiều địa phương có cơ chế khuyến khích xây dựng NVH thôn, xóm, TDP với mức hỗ trợ từ 50-150 triệu đồng/NVH. Nguồn lực còn lại để đầu tư trang thiết bị NVH chủ yếu từ nguồn xã hội hoá.

Giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu từ năm 2021 đến nay, các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá, thể thao; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, các công trình phụ trợ… Đến nay, cả 8 huyện, thành phố có trung tâm văn hóa, NVH; 100% xã, phường, thị trấn có NVH, hội trường đa năng; 100% thôn, xóm, TDP có NVH, địa điểm sinh hoạt cộng đồng; trên 80% khu dân cư có sân, khu thể thao trung tâm. Đối với các thiết chế bảo tàng, thư viện cơ sở, toàn tỉnh hiện có 4 nhà trưng bày truyền thống cấp huyện (Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên); 45 nhà truyền thống, phòng truyền thống, nhà lưu niệm các xã và 1 bảo tàng ngoài công lập (Bảo tàng Đồng quê ở xã Giao Thịnh, huyện Giao Thuỷ). Hệ thống nhà trưng bày truyền thống cấp huyện đã phát huy hiệu quả vai trò trong đời sống xã hội. Trong đó, Nhà trưng bày truyền thống huyện Hải Hậu gồm 5 phòng trưng bày với gần 4.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh; Nhà trưng bày truyền thống huyện Trực Ninh hiện lưu giữ trên 200 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị; các nhà trưng bày truyền thống huyện Ý Yên và huyện Nam Trực thường xuyên chú trọng công tác huy động các xã, thị trấn, các tổ chức, cá nhân hiến tặng các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, cách mạng.

Toàn tỉnh có 9 thư viện cấp huyện, 4 thư viện cấp xã và 1.341 thư viện, tủ sách cơ sở (hơn 200 tủ sách pháp luật), 198 điểm bưu điện văn hóa xã, hơn 900 tủ sách thôn, xóm, TDP, 5 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Hàng năm, hệ thống thư viện đã xây dựng mạng lưới thư viện liên kết, luân chuyển các nguồn tư liệu sách, báo với trên 100 lượt từ Thư viện tỉnh đến hệ thống thư viện cấp huyện, tủ sách cơ sở, thư viện trường học và các điểm bưu điện văn hóa xã. Việc luân chuyển tài liệu thường xuyên đã khắc phục tình trạng thiếu nguồn sách, báo phục vụ nhu cầu đọc của người dân ở cơ sở, cung cấp nhiều tài liệu hướng dẫn, kinh nghiệm, tiến bộ khoa học - kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế…

Những năm gần đây, hạ tầng, mạng lưới thiết chế TDTT ở tỉnh ta được bao phủ hầu hết các huyện, thành phố, tới từng địa bàn cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi tổ chức các giải thi đấu thể thao phong trào. Ngoài các công trình thể thao cơ bản được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, có nhiều sân bóng đá mini, sân cỏ nhân tạo, sân bóng chuyền, cầu lông, nhà tập thể thao đơn giản, sân tennis, pickleball, bể bơi di động của các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, trường học được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa do các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp đóng góp với mục đích đẩy mạnh phát triển dịch vụ TDTT. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có khoảng 1.800 CLB thể thao cơ sở, thu hút số người tham gia tập luyện thường xuyên chiếm gần 40% tổng dân số. Mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức từ 1.000-1.200 giải thể thao cơ sở, khoảng 100 giải thể thao cấp huyện, hơn 20 giải thể thao cấp tỉnh. Các sự kiện, giải đấu TDTT các cấp gắn với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, địa phương và các dịp lễ hội, trở thành ngày hội văn hoá - thể thao truyền thống tại địa phương. Qua đây còn phát hiện và đào tạo được nhiều vận động viên chuyên nghiệp, thành tích cao đạt giải quốc gia, khu vực, châu lục và quốc tế; các tài năng văn hóa văn nghệ quần chúng...

Các địa phương đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phụ trách, hướng dẫn, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; ưu tiên tuyển dụng cán bộ có năng lực chuyên môn, yêu nghề, trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị, năng động, biết khai thác khả năng sáng tạo văn hóa, thể thao quần chúng trong nhân dân. Ở cấp huyện, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng, có kinh nghiệm công tác trong ngành ngày càng cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, điều hành hệ thống thiết văn hóa, thể thao cơ sở về cơ bản đã phát huy tốt năng lực, sử dụng kiến thức được đào tạo, kinh nghiệm tích lũy trong quá trình công tác để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và hướng dẫn nghiệp vụ NVH, CLB; xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT. Nội dung các chương trình biểu diễn, liên hoan văn hóa, nghệ thuật, các giải TDTT ngày càng được đổi mới, đa dạng, phong phú và linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng tham gia, bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của xã hội.

Phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất thiết chế văn hóa, thể thao theo hướng đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương nâng cấp, bổ sung và hoàn chỉnh mạng lưới NVH các cấp theo tiêu chuẩn quốc gia, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu cụ thể. Thúc đẩy hoạt động liên kết trong việc sử dụng cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư. Tăng cường xã hội hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các thiết chế: bảo tàng, nhà truyền thống, phòng truyền thống, nhà lưu niệm, thư viện, phòng đọc, sân thể thao, công viên sẵn có; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện chuyên dùng, thay thế những trang thiết bị cũ, lạc hậu, duy tu, sửa chữa công trình định kỳ. Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng được 2 khu liên hợp thể thao cấp huyện ở 2 cực phát triển của tỉnh (Rạng Đông và Giao Thủy). Phát triển thiết chế văn hóa thể thao theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Có đủ 4 loại hình thiết chế văn hóa cấp huyện gồm: trung tâm văn hóa, thể thao; thư viện; trung tâm văn hóa thiếu nhi; trung tâm văn hóa lao động; nhà truyền thống. Ở cấp xã, có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa gồm: NVH; trung tâm thể thao; trạm bưu điện, thư viện văn hóa. Cấp thôn có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa gồm: NVH, sân thể thao, trạm bưu điện, thư viện văn hóa. Xây dựng kế hoạch, giải pháp đầu tư xây dựng công trình văn hóa, thể thao hiện đại ở các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa. Xây dựng mạng lưới thiết chế văn hoá, thể thao tại các khu, cụm công nghiệp, các cơ quan, đơn vị, trường học. Chú trọng các loại hình hoạt động TDTT cộng đồng, các môn thể thao từ truyền thống đến hiện đại; liên kết với các tổ chức ngoài công lập, trường học, CLB để phục vụ đa dạng các tổ chức, cá nhân đến tập luyện, thi đấu tại các công trình TDTT.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com