Thấm nhuần quan điểm của Đảng ta: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới”, những năm qua, tỉnh Nam Định đã vận dụng sáng tạo, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp, nguồn lực nội sinh để thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Trong đó việc phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, thể chất con người, phục vụ đắc lực cho mục tiêu “dân cường, nước thịnh”, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Giải bơi chải tỉnh trên hồ Vị Xuyên (thành phố Nam Định). |
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động để quán triệt, triển khai hiệu quả; gắn việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các mục tiêu chiến lược phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh theo từng giai đoạn.
Để phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) có cơ chế ưu tiên cho các vận động viên (VĐV) đã thành danh tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để trở thành huấn luyện viên (HLV) đảm nhận công tác đào tạo, huấn luyện VĐV trẻ; phối hợp với Cục TDTT (Bộ VH, TT và DL) mời các HLV, chuyên gia thể thao của các đội tuyển quốc gia về tỉnh giảng dạy; tạo điều kiện cho các VĐV trọng điểm đi tập huấn nước ngoài để cọ xát, nâng cao trình độ. Nhiều công trình TDTT thuộc các đơn vị sự nghiệp thể thao công lập quản lý đã mạnh dạn đổi mới phương thức quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động; cơ sở vật chất kỹ thuật thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng chống xuống cấp, gắn việc tổ chức các hoạt động TDTT với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, góp phần phát huy công năng sử dụng của các công trình; đồng thời mang lại nguồn thu đáng kể, giảm nguồn chi từ ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển sự nghiệp TDTT trong thời kỳ mới.
Nhìn lại quá trình phát triển thể thao Nam Định, ở thế kỷ trước, bóng đá Nam Định đã 2 lần tạo tiếng vang trong khu vực. Đội bóng Nam Định mang tên Cotonkin từng vô địch Đông Dương vào các năm 1943, 1945. Đến những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thể thao Nam Định tự hào là “cái nôi” của phong trào bơi lội miền Bắc với nhiều gương mặt VĐV tài năng, thi đấu giành nhiều vinh quang trên các đấu trường thể thao khu vực và quốc tế. Nổi bật là nữ kiện tướng Vũ Thị Sen - người đầu tiên mang về cho thể thao Việt Nam tấm Huy chương Vàng quốc tế ở nội dung 200m bơi ếch tại Đại hội Thể thao GANEFO châu Á năm 1966 và vinh dự được Bác Hồ gặp gỡ, biểu dương. Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, những năm qua, trong xu thế hội nhập và phát triển, thể thao thành tích cao tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo; qua đó ngày càng phát triển và gặt hái được những thành công vang dội ở các môn truyền thống, có thế mạnh như: bơi, lặn, võ cổ truyền, vovinam, vật, điền kinh… Cùng với đó, một số môn thể khác cũng đang được các đơn vị huấn luyện, thi đấu thể thao tỉnh đưa vào tập luyện, huấn luyện, thi đấu và giành được nhiều thành tích cao như: Boxing, Kick boxing, Wushu, Jujitsu, Sambo… Từ năm 2010 đến nay, thể thao thành tích cao Nam Định đã giành được hơn 1.300 huy chương các loại tại các giải quốc gia, khu vực, châu lục và quốc tế; một số VĐV tiêu biểu của tỉnh từng góp mặt tham dự ASIAD, Olympic, góp phần định vị và nâng cao vị thế Nam Định trên “bản đồ” thể thao toàn quốc, đóng góp vào thành tích chung của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Cùng với các môn thể thao thành tích cao được đầu tư trọng tâm, trọng điểm, môn bóng đá - tình yêu, niềm tự hào của mảnh đất Thành Nam cũng được tỉnh quan tâm, có sự đồng hành của nhiều nhà tài trợ để ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp và gặt hái được thành công khi giành 2/3 cúp vô địch danh giá nhất trong hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Trong đó có danh hiệu vô địch V-League và danh hiệu vô địch Siêu cúp bóng đá quốc gia, Huy chương Đồng tại Giải bóng đá Cúp quốc gia mùa giải 2023-2024. Chức vô địch V-League mùa giải vừa qua là lần thứ 2 trong lịch sử bóng đá Nam Định giành được sau 39 năm chờ đợi. Trước đó bóng đá Nam Định, tiền thân là đội bóng Công nghiệp Hà Nam Ninh đã giành cúp vô địch hạng A1 (tiền thân của giải V-League) vào năm 1985.
Thành công của thể thao chuyên nghiệp và thể thao thành tích cao Nam Định là động lực thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển sâu rộng. Với quan điểm “Thể thao quần chúng là nền tảng, là cơ sở, còn thể thao thành tích cao là vị thế, là chỉ tiêu của một nền thể thao phát triển”, ngành VH, TT và DL cùng các địa phương trong tỉnh đã huy động các nguồn lực xã hội hóa, chung tay đóng góp, ủng hộ xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở và tổ chức các giải thi đấu TDTT. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao như: trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, sân vận động, nhà thi đấu, nhà đa năng, sân thể thao, bể bơi, khu vui chơi, giải trí được quan tâm đầu tư xây dựng, đã phát huy hiệu quả hoạt động. Nhiều điểm, nhóm luyện tập TDTT ngoài trời, sinh hoạt văn hóa cộng đồng thiết thực với người dân ở cơ sở được hình thành. Bên cạnh các môn thể thao hiện đại như: bóng đá, bóng chuyền, bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn, quần vợt, xe đạp…, các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian: vật, bơi chải, cờ tướng, cờ bỏi, kéo co... cũng được khôi phục tổ chức vào mỗi dịp lễ, tết, ngày hội văn hóa - thể thao, lễ hội truyền thống tại các địa phương, góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. So với năm 2010, đến nay, số lượng các câu lạc bộ (CLB), điểm, nhóm tập luyện TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, các chỉ tiêu phát triển TDTT quần chúng đạt thành tích ấn tượng. Năm 2023, số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 39,1%, tăng 19,1% so với năm 2010; số gia đình thể thao đạt 20,2%, tăng 2,2% so với năm 2010; số cộng tác viên TDTT là 1.267 người, tăng 159% so với năm 2010; số CLB thể thao là 1.801 CLB, tăng 139% so với năm 2010. Phong trào TDTT học đường từng bước phát triển; số trường thực hiện giáo dục TDTT nội, ngoại khóa đạt 100%; 100% số giáo viên đảm nhiệm công tác giáo dục thể chất đạt chuẩn.
Phong trào TDTT trong lực lượng vũ trang được quan tâm, chú trọng. Các đơn vị thường xuyên đẩy mạnh phong trào tập luyện TDTT trong cán bộ, chiến sĩ với tỷ lệ trung bình số quân nhân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 94%; số cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo quy định đạt 100% so với quân số biên chế. Các liên đoàn, CLB TDTT trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện, thi đấu nhiều môn thể thao quần chúng như: võ cổ truyền, vovinam, karatedo, taekwondo, cầu lông, bóng bàn, quần vợt, bóng đá, đi bộ, việt dã, thể dục thẩm mỹ - fitness... Nhờ đó, phong trào TDTT quần chúng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển đa dạng cả về số lượng và chất lượng.
Hướng tới mục tiêu cao phát triển sự nghiệp TDTT bền vững và hội nhập, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người toàn diện, thời gian tới, ngành VH, TT và DL tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT, cơ sở kinh doanh dịch vụ TDTT đồng bộ, hiện đại. Chú trọng phát hiện, tuyển chọn và đào tạo VĐV năng khiếu, tiềm năng, đóng góp cho thể thao chuyên nghiệp và thể thao thành tích cao của tỉnh. Tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao sẵn có. Đa dạng, phát triển các môn thể thao mới theo xu thế TDTT hiện đại, phù hợp với nhu cầu sở thích, điều kiện tập luyện của người dân; vận động mỗi người dân lựa chọn 1 môn thể thao để tập luyện nâng cao sức khoẻ, phát triển con người toàn diện cả về thể chất và trí tuệ để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin