Olympic Paris 2024 cũng là lần thứ 2 liên tiếp "trắng" huy chương, là cột mốc đáng suy ngẫm cho thể thao Việt Nam. Đã tới lúc giới chức chuyên môn cần nhìn nhận rõ vấn đề và phải có hành động thay đổi ngay trước khi đánh mất lòng tin của giới mộ điệu thể thao nước nhà.
Bộ môn bắn súng cần được tập trung đầu tư hơn nữa để vươn tầm thành tích thế giới. Ảnh: BSVN |
Xét về tiềm lực, Việt Nam đương nhiên không thể bỏ qua SEA Games, nơi nhiều tuyển thủ trẻ được trao cơ hội thể hiện. Thông qua thành tích ở SEA Games, ngành thể thao sẽ có được những đánh giá bước đầu về thực lực của các vận động viên (VĐV), đặc biệt với nhóm các môn ở Asiad và Olympic. Từ đó, tiến hành sàng lọc và có chiến lược đầu tư phù hợp nhằm phát triển thành tích trong tương lai.
Nhưng tại sao các nước Đông Nam Á cũng chú trọng SEA Games, nhưng họ vẫn có thể gặt hái thành quả ở Olympic, là điều chúng ta phải xem lại. Có lẽ giới mộ điệu thể thao Việt Nam sẽ "tạm" chấp nhận việc đến Olympic rồi ra về tay trắng, nếu như các đại diện cũng đến từ Đông Nam Á "không bỗng dưng" đạt thành tích như: Philippines lại được 2 HCV, 2 HCĐ; Indonesia có 2 HCV, 1 HCĐ; Thái Lan được 1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ; Malaysia được 2 HCĐ (tính đến hết ngày 8-8, thời điểm Việt Nam tay trắng về nước). Từ đây rất nhiều so sánh được đưa ra giữa thể thao Việt Nam với các nước bạn.
Khi nhìn sang các nước cùng khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và cả Philippines thời gian qua dẫu luôn đua tranh để nằm trong tốp đầu trên bảng tổng sắp huy chương đại hội khu vực SEA Games, song họ vẫn không quên đầu tư các môn thế mạnh cho những đấu trường lớn Olympic, "đầu tư thật, thành tích thật" nhằm cạnh tranh sòng phẳng với các cường quốc thể thao khác. Tại Olympic, họ dám tự tin đặt mục tiêu huy chương, thậm chí HCV.
"Xét ở thể thao Việt Nam, chúng ta có những thế hệ VĐV đẳng cấp ở khu vực Đông Nam Á, nhưng để các VĐV đạt đến đẳng cấp châu Á và thế giới vẫn cần rất nhiều thời gian, quan trọng hơn là sự đầu tư mạnh mẽ về khoa học công nghệ, huấn luyện. Dù vậy, việc đầu tư trọng điểm và việc áp dụng khoa học công nghệ vào công tác chuyên môn huấn luyện thể thao thì chúng ta vẫn còn hạn chế", Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt nhận xét.
Trường hợp ở môn bắn súng, việc các VĐV tập "chay" vì thiếu đạn không phải mới diễn ra ngày một ngày hai mà đã kéo dài từ năm này qua năm khác, từ địa phương này đến địa phương khác. Ở cấp địa phương đã phải "xin" đạn thi đấu thì ở cấp đội tuyển quốc gia gần đến sát ngày lên đường mới có đạn tập luyện cũng không có gì lạ. Như vậy để phát triển thành tích cao, có khả năng tranh chấp huy chương tại Olympic, bắn súng cần nguồn kinh phí rất lớn.
Không có thành tích, nhà quản lý và giới chức chuyên môn sẽ đứng trước những thách thức lớn và cả áp lực trước người hâm mộ. Đó là lý do vì sao, ngành thể thao cần gấp rút xây dựng Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Asiad, Olympic tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.
Cuối năm 2023, Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao với chủ đề “Nâng tầm Asiad - Khát vọng Olympic” đã được tổ chức, nhằm tìm ra các giải pháp để thể thao Việt Nam dần tiếp cận và có thành tích tốt tại 2 đấu trường lớn Asiad và Olympic. Ngoài ra, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 70-KL/TW ngày 31-1-2024 về phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới sẽ có nhiều tác động đến thể thao Việt Nam. Như thế về chủ trương, về định hướng, chúng ta đều đã có và khi nào những kế hoạch, phương pháp trên mặt giấy thành hành động rõ ràng?
Theo Thể thao Báo Sài gòn Giải phóng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin