Tỉnh Nam Định có bờ biển dài 72km cùng hệ thống sông ngòi, kênh mương, ao hồ dày đặc nên bước vào mùa nóng lại nơm nớp nỗi lo tai nạn đuối nước, nhất là thời điểm học sinh nghỉ hè. Thực tế đã nhiều năm ngay đầu mùa hè, trên địa bàn tỉnh cũng như trên cả nước đều xảy ra đuối nước trẻ em. Để giảm thiểu tai nạn đuối nước, những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát động phong trào dạy và học, tập luyện môn bơi trong trường học và khu dân cư.
Hướng dẫn thực hành sơ cứu người bị tai nạn đuối nước tại Bể bơi Cung Thể thao tỉnh (thành phố Nam Định). |
Toàn tỉnh có trên 481.500 trẻ em, chiếm 26% dân số. Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, giảm thiểu, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, nhất là tử vong do đuối nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có phòng chống đuối nước (PCĐN) trẻ em.
Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) đều tổ chức lễ phát động “Toàn dân tập luyện môn bơi, PCĐN”. Tại lễ phát động đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng PCĐN cho học sinh; một số tình huống dễ gây đuối nước; thực hành các kỹ năng sơ cứu, cấp cứu khi có người bị tai nạn đuối nước; chương trình bơi đồng hành, biểu diễn các kỹ thuật bơi - lặn. Nhằm lan tỏa ý nghĩa lễ phát động, Sở VH, TT và DL hướng dẫn, đề nghị các địa phương chăng treo băng rôn, khẩu hiệu, tranh ảnh về kỹ thuật PCĐN với các nội dung như: “Toàn dân tham gia PCĐN trẻ em”, “Toàn dân tích cực học bơi, PCĐN”, “Học bơi để nâng cao sức khỏe và phát triển thể lực, tầm vóc”...
Sở LĐ-TB và XH phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; triển khai chương trình bơi an toàn, PCĐN trẻ em tỉnh giai đoạn 2022-2030 và nhiều văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em. Các ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, gia đình và cho chính trẻ em về nguy cơ, tình huống có thể xảy ra tai nạn đuối nước và PCĐN; tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, chủ động đưa trẻ đi học bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Cung cấp thông tin kịp thời, cảnh báo những địa điểm, khu vực gần biển, sông, ao, hồ, kênh, rạch có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn đuối nước; phổ biến cho người dân và trẻ em các kiến thức cơ bản về đuối nước, các nguy cơ gây đuối nước trẻ em, phòng tránh và sơ cứu đúng cách khi xảy ra tai nạn đuối nước.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường học đưa môn bơi vào chương trình giáo dục thể chất cho học sinh. Các địa phương, các nhà trường tùy theo điều kiện cụ thể đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mở các lớp dạy bơi cho học sinh, giúp các em có kỹ năng xử lý tốt khi ở dưới nước, từng bước hạn chế tai nạn đuối nước. Hàng năm, Trung tâm Thể thao thành tích cao tỉnh và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh (Sở VH, TT và DL) phối hợp với các trường học triển khai hiệu quả chương trình phổ cập môn bơi và PCĐN cho học sinh, trẻ em. Vào dịp hè, các đơn vị tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh ở các khối lớp từ bậc tiểu học đến THPT. Các lớp dạy bơi tại Bể bơi Cung Thể thao tỉnh và Bể bơi Trần Khánh Dư (thành phố Nam Định) đều có đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên đạt chuẩn, giúp các em các kỹ thuật vận động cơ bản như: động tác đạp chân, thở dưới nước, thả nổi người trên mặt nước cho đến các kiểu bơi nâng cao như: bơi bướm, bơi ngửa, bơi ếch, bơi trườn sấp (bơi tự do, bơi sải), bơi lượn sóng… Tại các lớp học bơi, các em còn được trang bị kỹ năng PCĐN, xử lý tình huống khi ở dưới nước.
Nam Định được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác dạy bơi, PCĐN cho học sinh. Mỗi năm, toàn tỉnh có từ 10-15 nghìn học sinh được học bơi và trang bị kiến thức cơ bản về cấp cứu, phòng ngừa đuối nước. Các huyện, thành phố Nam Định đã vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi cố định, lắp đặt bể bơi di động tại các xã, phường, thị trấn; có chế độ ưu tiên, miễn giảm tiền học phí, giá vé cho trẻ em học và tập luyện môn bơi. Toàn tỉnh có hơn 30 bể bơi cố định trang bị hệ thống xử lý nước đạt chuẩn thi đấu và luyện tập; hơn 50 bể bơi di động có diện tích từ 100-300m2. Với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, nhiều địa phương trong tỉnh như thành phố Nam Định và các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Ý Yên, Trực Ninh... đã triển khai những mô hình hay, cách làm sáng tạo để động viên, thu hút đông đảo các em học sinh tham gia tập bơi cũng như học các kỹ năng để vừa PCĐN, vừa rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực, tầm vóc. Tại các cơ sở đã đẩy mạnh phong trào tập luyện môn bơi, thành lập nhiều CLB bơi lội từ nguồn kinh phí xã hội hóa cùng sự đóng góp, hỗ trợ của phụ huynh học sinh để mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt CLB. Nhờ vậy, phong trào bơi lội trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Với mô hình xã hội hóa, các CLB còn hỗ trợ kinh phí để các em đam mê, yêu thích môn bơi nhưng khó khăn về tài chính vẫn có thể tham gia học bơi. Cũng thông qua các CLB, nhiều hạt nhân năng khiếu bơi lội xuất sắc đã được phát hiện, tuyển chọn đào tạo tham gia các giải bơi lặn cấp tỉnh và toàn quốc.
Tại thành phố Nam Định, cứ vào dịp hè, Ban chỉ đạo hoạt động hè thành phố giao nhiệm vụ cho Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố tổ chức các hoạt động phổ cập bơi cho học sinh, mở các lớp dạy bơi cho các em tại Bể bơi Nhà Văn hóa thiếu nhi, giúp trang bị cho các em kiến thức PCĐN. Trung tâm xây dựng kế hoạch tổ chức từ 18-20 lớp dạy năng khiếu/năm; trong đó riêng môn bơi có tỷ lệ học sinh đăng ký học cao. Hè năm 2024, Trung tâm tổ chức hơn 10 lớp dạy bơi dành cho các em lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, gồm các lớp bơi đại trà, phổ cập bơi và bơi tự chọn. Mục tiêu đặt ra tại mỗi lớp dạy bơi là 100% người học phải biết bơi. Trong thời gian giảng dạy, ngoài truyền đạt, hướng dẫn thực hành kỹ thuật bơi, học sinh còn được trang bị các kiến thức, kỹ năng về PCĐN, một số tình huống dễ gây đuối nước cụ thể, các hoạt động sơ, cấp cứu khi có người bị đuối nước…
Trong dịp nghỉ hè và những tháng cuối năm 2024, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục tăng cường tổ chức các hoạt động cải tạo môi trường, loại trừ các nguy cơ gây tai nạn thương tích và PCĐN trẻ em tại mỗi gia đình, cộng đồng như: cắm biển cảnh báo vùng nước nguy hiểm; làm rào quanh ao, hố nước, rãnh nước xung quanh nhà hoặc nơi công cộng; làm các hàng rào, cửa chắn, cổng ngăn cách khu vực trẻ em chơi ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước. Sở VH, TT và DL, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy bơi cho các huấn luyện viên, giáo viên thể chất. Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố Nam Định tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lễ khai mạc hè, ngày Olympic trẻ em, phát động toàn dân tập luyện môn bơi, PCĐN và các hoạt động TDTT cho thanh, thiếu niên, nhi đồng. Hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, trường học tổ chức tập huấn, xây dựng đội ngũ huấn luyện viên, giáo viên, nhân viên chuyên môn hướng dẫn và phát triển phong trào trẻ em tập luyện môn bơi và các môn TDTT bổ ích. Tổ chức thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng PCĐN; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình, nhà trường và các cấp Đoàn, Đội quan tâm tạo điều kiện cho trẻ em và cộng đồng tập luyện TDTT, tập luyện môn bơi, các kỹ năng tự vệ, kỹ năng bơi an toàn, PCĐN.
Tổ chức kiểm tra điều kiện hoạt động tại các bể bơi, đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, tập luyện, thi đấu môn bơi và các quy định pháp luật lĩnh vực TDTT. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố Nam Định đẩy mạnh tổ chức đa dạng các hoạt động TDTT, chú trọng tổ chức các chương trình dạy bơi, phổ cập bơi, các kỹ năng cơ bản trong cứu đuối, các lớp năng khiếu TDTT sôi nổi, đa dạng cho thanh, thiếu niên, nhi đồng./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin