Khẳng định vị thế số 1 Đông Nam Á nhưng bước ra sân chơi Á vận hội, thể thao Việt Nam (TTVN) đạt thành tích kém hơn Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Dù đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) nhưng còn nhiều tồn tại, bất cập trong chiến lược phát triển thể thao nước nhà.
Xạ thủ Phạm Quang Huy (giữa) trên bục nhận Huy chương Vàng ASIAD 19 môn bắn súng. |
Kết thúc tranh tài ASIAD 19 ngày 8-10, Đoàn TTVN giành tổng cộng 3 Huy chương Vàng (HCV), 5 Huy chương Bạc (HCB) và 19 Huy chương Đồng (HCĐ), xếp thứ 21/45 đoàn tham dự. Dù hoàn thành chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu ban đầu giành từ 2 đến 5 HCV), song thành tích trên quá khiêm tốn so với sự kỳ vọng của giới chuyên môn và người hâm mộ. Trong các đại diện Đông Nam Á tham dự ASIAD 19, Đoàn TTVN chỉ xếp thứ 6. Đáng nói, cách đây 5 tháng, Đoàn TTVN khẳng định sức mạnh vượt trội khi giành ngôi nhất toàn đoàn Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2023 (SEA Games 32).
Thẳng thắn nhìn nhận, 3 tấm HCV mà Đoàn TTVN giành được tại ASIAD 19 đều không mang tính bền vững. Cầu mây ít khi được tổ chức tại Á vận hội, karate không có trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic Paris 2024. Tấm HCV mà Phạm Quang Huy giành được ở môn bắn súng chỉ mang tính nhất thời, bởi trước đó, xạ thủ này chưa thể hiện được nhiều ở sân chơi châu lục. Ngoài ra, chỉ 2/5 HCB mà Đoàn TTVN giành được đến từ môn Olympic (thể dục dụng cụ và bắn súng), song sự chênh lệch với các vận động viên (VĐV) giành HCV khá lớn. Một tờ báo của Indonesia đã bình luận: “TTVN là “người khổng lồ” ở SEA Games nhưng chỉ là “chàng tí hon” tại ASIAD”.
Á vận hội là sân chơi quá khắc nghiệt và các tuyển thủ điền kinh Việt Nam hiểu rõ nhất điều này. Dù đoạt 2 HCV, 3 HCĐ tại ASIAD 18, song điền kinh Việt Nam lại “trắng tay” ở Á vận hội năm nay. Đáng bàn, chưa một tuyển thủ điền kinh nào của Việt Nam đạt chuẩn Olympic Paris 2024. Ngay cả chân chạy Nguyễn Thị Oanh đang thống trị Đông Nam Á với 4 HCV cũng không thể tạo nên bất ngờ tại ASIAD 19.
Tiến sĩ Dương Đức Thủy, người gắn bó nhiều năm với điền kinh Việt Nam cho biết: “Tôi không bất ngờ với thất bại của điền kinh Việt Nam tại ASIAD 19. Sân tập của VĐV điền kinh Việt Nam ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều đã xuống cấp, lạc hậu. Các dụng cụ tập luyện bổ trợ như phòng gym, phòng đa chức năng, bể bơi, hồi phục... kém hoặc không có. Dinh dưỡng cho VĐV chưa được bảo đảm một cách khoa học. Điều kiện tập luyện như vậy thật khó để các VĐV điền kinh Việt Nam vươn tầm ASIAD và Olympic. Đã đến lúc điền kinh Việt Nam cần thay đổi cách thức quản lý, vận hành và phát triển”.
Đánh giá về sự sa sút của TTVN tại ASIAD 19, ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phân tích: TTVN gặp khó trong xây dựng môn trọng điểm, với 3 yếu tố tác động chính gồm kinh tế, hệ thống tuyển chọn - đào tạo và xu thế thể thao thế giới. Kể cả khi xác định được môn thể thao trọng điểm, TTVN cũng chưa xây dựng được kế hoạch phát triển hoàn chỉnh, bài bản.
Một số chuyên gia cho rằng, TTVN cần phải xem lại hướng đầu tư, vì bao năm qua, chúng ta vẫn loay hoay xác định thế mạnh. Việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khiến thành tích của TTVN tại Á vận hội chỉ mang tính chộp giật, chưa bền vững.
Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện đã hoàn thành bản dự thảo lần 3, trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Trong đó, mục tiêu của chiến lược nêu rõ: “Phấn đấu giành từ 6 đến 8 HCV ASIAD năm 2026, 8-10 HCV ASIAD 2030, xếp trong nhóm 10 nước dẫn đầu tại các kỳ ASIAD giai đoạn 2031-2050”. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta hoàn thành được mục tiêu trên của chiến lược thì vẫn chưa bằng thành tích của thể thao Thái Lan ở hiện tại. Trong khi đó, thành tích trồi sụt ở ASIAD 19 khiến nhiều người lo lắng tính khả thi về mục tiêu có huy chương của TTVN tại Olympic Paris 2024./.
Theo Báo QĐND
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin