Bóng đá trẻ cần một cú hích mới

06:23, 01/09/2023

Theo quy định, các câu lạc bộ (CLB) bóng đá chuyên nghiệp (V-League và hạng nhất) phải có đủ 3 tuyến trẻ U17, U19, U21, nhưng trong số 23 đội đăng ký đá vòng loại giải U21 quốc gia 2022, chỉ có 6 đội đến từ V-League và 3 đội đến từ hạng nhất.

Học viện Juventus là một trong những nơi đào tạo cầu thủ trẻ ở Việt Nam.
Học viện Juventus là một trong những nơi đào tạo cầu thủ trẻ ở Việt Nam.

Nhập nhằng kinh phí vận hành

Theo tính toán, để một CLB có thể “nuôi” cả đội 1 lẫn tối thiểu 3 tuyến trẻ thì ngân sách không dưới 70 tỷ đồng mỗi năm. Và đây là số tiền rất lớn nếu không có sự hỗ trợ từ địa phương, nhiều thì 20 tỷ đồng, ít thì cũng 8-10 tỷ đồng. Vì là ngân sách chung, nên nếu đội 1 “xài” hết thì hết phần cho các tuyến trẻ. Để đối phó với các quy định hiện hành, một số CLB đã từng “mượn” các đội trẻ ở những địa phương không có đội chuyên nghiệp, ký hợp đồng ngắn hạn trong vài tháng để đăng ký tham gia các giải U do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức. Do mức phạt quá thấp (50 triệu đồng) nếu CLB không dự đủ 3 giải U nên về sau, CLB cũng chấp nhận nộp phạt chứ không mượn người đá giải. 

Trong khi đó, ở những địa phương không có CLB đá ở hạng nhất và V-League thì các trung tâm bóng đá địa phương sẽ có ngân sách đủ để tuyển quân, đào tạo và dự các giải U quốc gia. Trường hợp đặc biệt như Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Bóng đá thành phố có nguồn ngân sách riêng đầu tư cho Trung tâm đào tạo Lyon, chương trình bóng đá học đường, sân bãi riêng, tách bạch với chi phí vận hành của CLB Thành phố Hồ Chí Minh. 

Sự nhập nhằng riêng - chung ở nhiều CLB hiện nay khiến cho bóng đá trẻ đã thiếu sân chơi, còn thiếu luôn cả nguồn đầu tư. Kết quả là một loạt trung tâm bóng đá trẻ nổi tiếng như Đồng Tháp, Đà Nẵng, Nam Định… dần đánh mất nội lực.

Con dao 2 lưỡi

Cầu thủ Nguyễn Quang Hải nổi lên từ giải U17 quốc gia năm 2015, khi mới 15 tuổi. Hơn 17 tuổi, Hải đã lên thẳng đội 1 và 19 tuổi trở thành trụ cột tại CLB Hà Nội FC. Đó chính là lợi ích của việc đầu tư cho bóng đá trẻ, nhưng không phải đội nào cũng đủ năng lực thực hiện như Hà Nội FC. Đội bóng này không trực tiếp đào tạo, họ đặt hàng qua Trung tâm của bóng đá Hà Nội hay lò tư nhân VST ở Nghệ An, nhưng bảo đảm được “đầu ra” khi tham gia đủ các giải U. Ngoài đội V-League, họ vẫn tổ chức thêm một đội hạng nhất để tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ.

Ở Việt Nam có một nghịch lý: Cầu thủ được đào tạo chuyên nghiệp có thể sẽ tham gia thi đấu ở Hội khỏe Phù Đổng, hoặc các giải sinh viên, khiến điều lệ của các sự kiện mang tính phong trào này phải đưa vào điều khoản chế tài. Lẽ ra, các sân chơi phong trào đó phải là nguồn cung nhằm sàng lọc cầu thủ cho chuyên nghiệp mới đúng. Đây là hệ quả của việc quá thiếu sân chơi cho lứa trẻ.

Chúng ta không thiếu cơ sở đào tạo, như trường hợp Thái Bình đang có hơn 12 cầu thủ đá ở nhiều CLB V-League dù nơi đây không có CLB chuyên nghiệp. Nhưng 63 tỉnh, thành phố có 63 trung tâm đào tạo bóng đá mà lại không có số lượng CLB hoặc số sân chơi, giải đấu tương ứng thì có đào tạo ra cũng không để làm gì. Vào trung tâm năm 13 tuổi, ra trường năm 18 tuổi, cũng chỉ là học lý thuyết nhưng sau đó không được thi đấu thì cũng chẳng thể phát lộ tài năng. Như đã nói ở trên, ngay cả việc đi “mượn” đội trẻ về đá giải U mà các CLB còn bỏ qua, sẵn sàng chịu phạt, thì làm sao cầu thủ trẻ có cơ hội.

Với các CLB chuyên nghiệp, nếu làm bóng đá trẻ và các đội U theo hình thức đối phó thì kết quả nhận lại, chỉ là sự tốn kém vì không có cầu thủ trẻ tại chỗ để dùng. Hợp đồng đào tạo trẻ ở Việt Nam kéo dài đến năm 23 tuổi, nghĩa là nếu các CLB mà làm giỏi tuyến U, họ sẽ sử dụng tài năng trong ít nhất 5 năm (trong trường hợp của Quang Hải là đến 6 năm) chỉ phải trả lương trước khi cầu thủ tự do ra đi./.

Theo Thể thao SGGP 
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com