Sức sống các môn thể thao truyền thống ở Giao Thủy

08:40, 30/06/2023

Những năm qua, cùng với việc huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, tạo điều kiện để các môn thể thao hiện đại ngày càng phát triển đa dạng, huyện Giao Thủy cũng luôn quan tâm bảo tồn, phát triển các môn thể thao truyền thống mang đặc trưng của vùng biển như: bơi chải, vật, võ thuật cổ truyền. Qua đó gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện.

Đội bơi chải nữ huyện Giao Thủy tranh tài tại Giải Bơi chải tỉnh năm 2022 xuất sắc đoạt giải Nhất.
Đội bơi chải nữ huyện Giao Thủy tranh tài tại Giải Bơi chải tỉnh năm 2022 xuất sắc đoạt giải Nhất.

Các hoạt động thể thao truyền thống ở Giao Thủy thường diễn ra trong lễ hội làng và các ngày lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của địa phương, đất nước. Với hơn 150 di tích lịch sử - văn hóa, bao gồm các di tích xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh và di tích được khoanh vùng bảo vệ, mỗi năm trên địa bàn huyện có hơn 20 lễ hội truyền thống gắn với di tích, chủ yếu vào dịp đầu xuân; tiêu biểu như các lễ hội làng: Diêm Điền, xã Bình Hòa; Thanh Khiết, xã Giao Yến; Hòe Nha, xã Giao Tiến; Kiên Hành, xã Giao Hải… Những sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống được tổ chức trong các lễ hội chủ yếu diễn ra theo 2 hình thức là trình diễn hoặc thi đấu nhưng đều mang ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ các vị thuỷ tổ có công quai đê, lấn biển, dựng làng, lập ấp, ca ngợi tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng dân cư.

Địa bàn huyện Giao Thủy có hệ thống kênh rạch chằng chịt. Trong suốt thời kỳ dài, thuyền bè là phương tiện lưu thông, giao thương quan trọng với người dân nơi đây. Ra đời từ trong cuộc sống lao động của người dân, nên môn bơi chải vừa mang nét khỏe khoắn, khoáng đạt của nghề mưu sinh sông nước, lại vừa thể hiện sự khéo léo, bền bỉ, mang tính tập thể trong lao động thuở sơ khai. Toàn huyện hiện có hơn 20 đội bơi chải nam, nữ tại các xã: Giao Hải, Giao Long, Giao Tiến, Bạch Long, thị trấn Ngô Đồng, thị trấn Quất Lâm… Trong đó, hai xã Giao Hải và Giao Long có phong trào bơi chải phát triển mạnh nhất với nhiều tay chèo thiện nghệ quanh năm gắn bó với sông nước. Môn bơi chải ở xã Giao Hải xuất hiện từ cách đây hơn 100 năm. Trải qua nhiều thăng trầm, đến năm 2003, được sự quan tâm của chính quyền xã và ủng hộ của người dân địa phương, môn bơi chải được phục dựng và ngày càng phát triển mạnh. Hiện nay, cả 4 thôn trong xã đều thành lập các đội bơi chải; mỗi thôn có 2 đội bơi chải nam và nữ; mỗi đội duy trì từ 15-20 thành viên. Vào dịp lễ hội làng Kiên Hành, mồng 5, 6 tháng Giêng hàng năm, xã đều tổ chức các hoạt động thể thao truyền thống như: bơi chải, đấu vật, cờ tướng, tổ tôm điếm... Sôi nổi nhất là hội thi bơi chải với sự tham gia của 4 đội bơi chải ở các thôn: Tân Hùng, Bắc Cường, Tiền Lang, Lâm Thành. Khi hội thi bơi chải mở, người dân nô nức đi xem, đứng chật kín hai bên bờ sông. Lúc các đội chải vào cuộc đua khán giả hò reo cổ vũ tạo nên không khí ngày hội vô cùng sôi động. Ở xã Giao Long, cứ mỗi dịp “Tết đến, xuân về”, địa phương lại tổ chức hội thi bơi chải truyền thống, quy tụ các đội bơi chải đến từ 4 thôn: Trung Long, Long Hành, Nam Long, Kiên Long; mỗi thôn gồm 1 đội chải nam và 1 đội chải nữ. Những tay chải nam đều là những người thường xuyên đi biển đánh bắt hải sản, còn những tay chải nữ là các cô gái quanh năm buôn bán thủy hải sản ven sông, biển, độ tuổi từ 25-35 tuổi. Vào ngày hội, dưới sông, hình ảnh mái chèo khua sóng, những chiếc thuyền đua như những mũi tên xé nước lao nhanh, tiến về phía trước; trên bờ, hàng vạn người xem cổ vũ hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng tưng bừng, náo nhiệt tạo nên bức tranh sống động, đậm đà sắc màu truyền thống.

Hội thi bơi chải ở Giao Thủy không chỉ diễn ra trong không gian các ngày hội làng truyền thống, lễ hội mùa xuân, Tết Nguyên đán mà còn được tổ chức trong các sự kiện văn hóa, thể thao tại địa phương chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước như: Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh (2-9), kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam (30-4) và Quốc tế Lao động (1-5), Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) huyện… với sự tham gia của hơn 10 đội bơi chải mạnh cả nam và nữ đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Thông qua các cuộc thi, huyện tuyển chọn lực lượng vận động viên (VĐV) mạnh nhất để tham dự giải cấp tỉnh. Tại Giải Bơi chải tỉnh năm 2022, huyện Giao Thủy có 2 đội bơi chải nam và nữ với hơn 40 VĐV nòng cốt là ở 2 xã Giao Hải, Giao Long tham dự và đã xuất sắc giành giải Nhì nội dung bơi chải nam và giải Nhất nội dung bơi chải nữ. 

Vật là môn thể thao mang đậm tinh thần thượng võ của dân tộc. Ở huyện Giao Thủy, môn vật cổ truyền được hình thành từ hơn 100 năm trước gắn với lịch sử mở đất của các thế hệ cha ông. Trước kia, huyện có nhiều đô vật nổi tiếng trong làng vật cả nước. Đội tuyển vật của huyện từng đại diện cho tỉnh tham gia thi đấu và giành nhiều thành tích tại Giải Vật quốc gia. Ngày nay, môn vật cổ truyền ở Giao Thủy vẫn được duy trì và ngày càng phát triển với nhiều VĐV mạnh ở các xã: Giao Hải, Giao Long, Giao Xuân, Giao Thanh, Giao An. Để gìn giữ, phát triển môn vật, một số địa phương trong huyện đã đưa việc gìn giữ, phát triển môn thể thao này vào hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở các xã, thị trấn thường xuyên chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và đưa môn vật vào phong trào TDTT ở địa phương. Từ năm 2019, huyện Giao Thủy đã quan tâm, đầu tư khoảng 5 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, người dân tự nguyện hiến đất xây dựng sới vật huyện rộng hơn 1.600m2 tại khu di tích lịch sử - văn hóa Đình - Đền Kiên Hành, xã Giao Hải. Sới vật có đầy đủ các trang thiết bị như: đèn điện chiếu sáng, thảm vật chuyên dụng, các trang thiết bị phục vụ tổ chức thi đấu và các dãy ghế ngồi cho khán giả. Sới vật trở thành địa điểm thu hút các đô vật địa phương tập luyện thường xuyên, càng khuấy động phát triển phong trào, là nơi tổ chức các giải vật của xã vào dịp lễ hội truyền thống làng Kiên Hành và các giải vật do huyện tổ chức nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Quốc khánh (2-9), kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam (30-4) và Quốc tế Lao động (1-5). Nội dung thi đấu của các giải đấu bao gồm: vật cổ điển, vật tự do, vật dân tộc có sự góp mặt của nhiều đô vật là những VĐV chuyên nghiệp và phong trào của huyện, của tỉnh và các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội… Dự kiến trong tháng 8-2023, tại sới vật xã Giao Hải sẽ diễn ra Giải vô địch trẻ Vật cổ điển, Vật tự do toàn quốc với sự tham gia của hơn 30 đoàn thể thao, hơn 100 VĐV tham dự.

Trong tâm thức của người dân Giao Thủy, đặc biệt là con em xa quê hương, các môn thể thao truyền thống vật, bơi chải là niềm tự hào, là những di sản quý báu mà các thế hệ cha ông để lại. Vào mỗi dịp lễ, tết, hội làng, được đắm mình trong không khí lễ hội tưng bừng, tham gia các hoạt động thể thao dân gian đặc sắc là những kỷ niệm khó quên, giúp những người con quê hương thêm tự hào về nét đẹp văn hóa, thể thao truyền thống vùng đất này./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com