Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

08:40, 03/12/2024

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” diễn ra từ ngày 10/11/2024 đến ngày 10/12/2024. Mục tiêu của Tháng hành động nhằm tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

9 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 13.761 phụ nữ mang thai được xét nghiệm tầm soát, sàng lọc HIV.
9 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 13.761 phụ nữ mang thai được xét nghiệm tầm soát, sàng lọc HIV.

Từ khi dịch HIV xuất hiện vào đầu năm 1990 thế kỷ trước, đến nay, toàn tỉnh có 5.952 người nhiễm HIV, 3.883 bệnh nhân AIDS, 1.973 người nhiễm HIV đã tử vong. Thời gian qua, Nam Định là địa phương tiêu biểu của cả nước thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; Chiến lược quốc gia phòng, chống dịch bệnh AIDS vào năm 2030, ngày 14/8/2020, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tập trung tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, giai đoạn 2015 đến nay, dịch HIV/AIDS tại các địa phương có xu hướng giảm so với giai đoạn 2005-2010 và 2010-2015 nhờ các biện pháp can thiệp đồng bộ và hiệu quả. Dịch HIV/AIDS ở Nam Định vẫn đang trong giai đoạn tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao là người chích ma túy và người hoạt động mại dâm, đường lây truyền chủ yếu vẫn là đường máu và đường tình dục, người nhiễm HIV chủ yếu vẫn là nam giới, tập trung trong nhóm tuổi từ 20-49. Hiện nay, số người nhiễm HIV/AIDS mới phát hiện qua các năm đều giảm (từ 460 trường hợp năm 2005 xuống 316 trường hợp năm 2010, đến năm 2015 giảm xuống 194 trường hợp; 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 27 trường hợp). Đặc biệt, hiệu quả của chương trình chăm sóc điều trị đã giúp người nhiễm HIV kéo dài cuộc sống và số bệnh nhân tử vong do AIDS đã giảm rõ rệt. Dịch HIV/AIDS đã kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV ở mức 0,2% (mục tiêu chung của toàn quốc là dưới 0,3%).

Về công tác xét nghiệm và giám sát dịch HIV/AIDS, toàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện tại Trung tâm Y tế các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên, Xuân Trường và các cơ sở xét nghiệm sàng lọc tại các bệnh viện tuyến tỉnh; xét nghiệm HIV tại cộng đồng. 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 1.378 người có hành vi nguy cơ cao được xét nghiệm HIV, 139 người được cấp sinh phẩm để tự xét nghiệm HIV, có 1.621 bệnh nhân đang điều trị ARV (1.592 người lớn và 29 trẻ em), 13.761 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, trong đó 11 trường hợp nhiễm HIV (11 trường hợp đã điều trị trước khi có thai). 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 319 người tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP); 2.064 người tham gia điều trị Methadone.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS được đa dạng hóa và đẩy mạnh trong xã hội. Các hình thức truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, thực hiện lồng ghép tuyên truyền đến nhân dân, đặc biệt nhóm người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các tình nguyện viên của nhóm đồng đẳng các câu lạc bộ (CLB), đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã thường xuyên tổ chức các hoạt động cho các nhóm người có nguy cơ cao về các thông tin, kiến thức phòng, chống tệ nạn xã hội, HIV/AIDS. Đặc biệt, trong các đợt: Tháng cao điểm phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy (26/6); Tháng phòng, chống HIV/AIDS và Ngày toàn dân phòng, chống HIV/AIDS, các hoạt động tuyên truyền được tổ chức sôi động, phong phú, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đồng thời tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm, người có nguy cơ cao thấy rõ trách nhiệm, tích cực tham gia hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng. Chương trình thông tin giáo dục truyền thông triển khai với nội dung và hình thức phong phú, hướng tới các đối tượng nguy cơ cao và cộng đồng dân cư. Tổ chức bộ máy phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được củng cố, hoàn thiện và hoạt động ngày càng hiệu quả từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở. Các CLB cho người nhiễm HIV/AIDS, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người có hành vi nguy cơ cao cũng được triển khai tại những địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS như CLB “Vì ngày mai tươi sáng” tại huyện Nam Trực, Giao Thủy; CLB “Hy vọng vì ngày mai” tại huyện Hải Hậu; CLB “Đồng cảm” tại thành phố Nam Định. Các CLB là nơi để người nhiễm HIV/AIDS, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được giao lưu, chia sẻ, giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau trong cuộc sống.

Bên cạnh kết quả nêu trên, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh còn không ít khó khăn, thách thức. Từ năm 2015 đến nay, dịch HIV có sự chuyển dịch dần hình thái nguy cơ lây nhiễm từ đường máu sang đường tình dục, tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ ngày càng nhiều hơn. Phần lớn người nhiễm HIV được phát hiện từ hệ thống bệnh viện hoặc các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện ở những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Thực tiễn, trong cộng đồng còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao, do đó rất khó để phát hiện sớm, ẩn chứa những nguy cơ tiềm tàng làm lan truyền dịch HIV/AIDS. Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2024-2026 có nhiều thay đổi về cơ chế tài chính, được phê duyệt muộn dẫn tới một số hoạt động triển khai muộn như: xét nghiệm CD4, điều trị viêm gan C, xét nghiệm phát hiện sớm nhiễm HIV ở trẻ dưới 18 tháng tuổi. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chưa thực hiện xong các thủ tục về kế hoạch và đấu thầu nên trong 9 tháng năm 2024, tỉnh Nam Định chưa triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại cho nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới do Quỹ toàn cầu tài trợ. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đúng và sâu sắc về công tác phòng, chống HIV/AIDS, do đó việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS còn mang tính hình thức, thiếu sự đầu tư về kinh phí, thiếu việc kiểm tra đôn đốc. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến huyện, thành phố và tuyến xã, phường, thị trấn còn thiếu về số lượng, năng lực hạn chế lại hay thay đổi dẫn đến khó khăn khi triển khai chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương. Công tác quản lý, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng gặp khó khăn do người nhiễm HIV/AIDS còn bí mật, giấu tên, khai sai tên, địa chỉ.

Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch số 2381, ngày 6/11/2024 triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Thông qua Tháng hành động, tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Trong tháng hành động, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS: dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/AIDS và đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Tổ chức mít tinh, diễu hành... hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS vào ngày 1/12/2024. Tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như (Facebook, Zalo, TikTok, Youtube, Viber, Lotus…); tin nhắn điện thoại; các loại hình truyền thông trên nền tảng internet; thông qua các hình thức truyền tải thông điệp có hiệu quả cao như: Infographic, video clip, audio clip. Tổ chức các sự kiện truyền thông về HIV/AIDS và các nội dung có liên quan tại các trường học, khu công nghiệp... nhằm thu hút sự quan tâm của lực lượng thanh niên trẻ. Lồng ghép và đẩy mạnh truyền thông, tư vấn qua cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, nhất là các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Xây dựng các cụm pa-nô, khẩu hiệu, treo băng rôn tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại như các trục đường giao thông chính, các bến xe, công viên; cửa ngõ thành phố, xã, phường, thôn, xóm và cổng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện; phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống HIV/AIDS khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng về phòng, chống HIV/AIDS...

Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị. 

Trong thời gian tới, HIV/AIDS vẫn là thách thức lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp quan tâm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS; tiến tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS nhằm tác động hiệu quả tới mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh, thiếu niên và nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com