Mặc dù suy tim là bệnh lý mạn tính nặng, nhưng việc phối hợp các biện pháp điều trị cùng lối sống lành mạnh, tích cực, lạc quan có thể làm giảm triệu chứng, giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ và làm tăng chất lượng cuộc sống.
Suy tim là một bệnh lý mạn tính, tiến triển, trong đó cơ tim không đủ khả năng bơm máu để cung cấp máu đến nuôi các cơ quan trong cơ thể như: thận, não, gan.., đồng thời làm ứ trệ tuần hoàn ở các cơ quan khác như phổi, gan, hệ tĩnh mạch chân.
Bệnh nhân suy tim thường gặp các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, phù chân,… ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Trong những trường hợp nặng bệnh nhân cần phải nhập viện điều trị và nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh nhân suy tim thường gặp các triệu chứng khó thở, mệt mỏi. |
Nguyên nhân suy tim
Suy tim gây ra bởi nhiều nguyên nhân, các bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng và cấu trúc tim… Nếu các bệnh lý này được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm có thể ngăn ngừa và làm chậm quá trình tiến triển đến quá trình suy tim.
Nguyên nhân suy tim thường gặp gồm:
-
Tăng huyết áp: là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất, về lâu dài cơ tim phì đại, thiếu máu nuôi, dẫn đến khả năng khả năng co bóp của tim giảm dần.
-
Bệnh mạch vành: cơ tim được nuôi dưỡng bằng hệ thống động mạch vành. Trong một số tình huống như có mảng xơ vữa to dần làm hẹp trong lòng mạch vành khiến cơ tim không nhận đủ dinh dưỡng và oxy. Bệnh mạch vành cũng có thể dẫn đến thiếu máu cơ tim cấp tính (hay nhồi máu cơ tim) gây hoại tử cơ tim cấp.
-
Bệnh lý cơ tim: bệnh lý cơ tim là những trường hợp cơ tim co bóp hạn chế hoặc giãn nở bất thường mà không do tăng huyết áp hoặc bệnh mạch vành gây ra.
-
Bệnh lý van tim : van tim bị hẹp hoặc hở nếu không được phát hiện sớm có thể gây suy tim.
Lời khuyên dành cho người bị suy tim
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh suy tim cần có những lưu ý sau:
-
Cần chậm không vội vã
Với người bệnh suy tim cần chú ý khi thức dậy, cần dậy từ từ không đường đột ngột dậy khỏi giường ngay. Khi muốn dậy phải nằm thêm nửa phút, khi đã ngồi dậy phải ngồi thêm nửa phút và khi đã bỏ chân xuống giường phải chờ thêm nửa phút nữa mới từ từ đứng dậy đi vệ sinh.
Sáng dậy dành nửa giờ tập thể dục (tùy theo lứa tuổi và sức lực để áp dụng bài tập cho phù hợp), trưa giành nửa giờ để ngủ, tối giành nửa giờ để đi bộ nhẹ nhàng để có giấc ngủ ngon.
Về vận động cũng cần vừa sức, người bệnh nên đi bộ là cách luyện tập tốt nhất làm cho động mạch từ cứng chuyển thành mềm, đồng thời làm giảm lượng mỡ và cặn bã trong máu, các môn thể thao khác có thể gây nguy hiểm nếu quá sức còn đi bộ thì tăng tải từ từ nên dễ khống chế, điều chỉnh.
Vì vậy, đi bộ là môn thể dục luyện tập phù hợp nhất cho người có tuổi, đặc biệt là những ai mắc bệnh tim mạch, huyết áp.
-
Dinh dưỡng cân bằng, phù hợp
Chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim cần phù hợp với giai đoạn điều trị nhằm hạn chế sự tiến triển và biến chứng của suy tim. Dinh dưỡng khoa học giúp giảm các triệu chứng như đau ngực, khó thở, ho, mệt mỏi… Ngoài ra, việc đa dạng và cân bằng các nhóm dưỡng chất thiết yếu sẽ giúp người bệnh kiểm soát được huyết áp, đường huyết và cholesterol. Điều này góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể, hỗ trợ cải thiện tình trạng suy tim.
Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ bởi loại thực phẩm này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn hỗ trợ tiêu hóa, phòng tránh táo bón và các vấn đề về đường ruột khác. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: bông cải xanh, đậu lăng, đậu Hà Lan, dâu tây, quả lê, quả bơ, ngũ cốc… nên có trong khẩu phần ăn của người bệnh.
Cân bằng lượng kali trong khẩu phần ăn để hỗ trợ cân bằng nước và điện giải, tác động tích cực tới hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ tim mạch. Tiêu thụ lượng kali vừa đủ giúp kiểm soát tốt huyết áp, hạn chế các cơn đau tim, giảm tần suất rối loạn nhịp tim…
Hơn nữa, trong quá trình điều trị bệnh lý suy tim, người bệnh thường được kê thuốc lợi tiểu, điều này có thể làm mất cân bằng kali. Do đó, chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim cần bổ sung các thực phẩm giàu kali như thịt heo/ lợn nạc, khoai tây, cà chua, khoai lang, chuối.
Người bệnh suy tim cần hạn chế muối và các thực phẩm giàu natri vì tiêu thụ quá nhiều natri sẽ gây ra tình trạng tích nước, tăng huyết áp và áp lực lên tim, điều này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Do đó, người bị suy tim chỉ nên tiêu thụ lượng muối ăn hoặc các thực phẩm giàu natri ở mức vừa phải.
Người bị suy tim không nên ăn quá 5g muối hoặc không quá 2300mg natri mỗi ngày. Chế độ ăn cho người bệnh suy tim cần hạn chế nhóm thực phẩm giàu natri như muối ăn, phô mai, súp hoặc nước dùng đóng hộp, dưa chua, thịt nguội, đồ nướng…
-
Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia
Thuốc lá và rượu bia đều chứa các chất kích thích có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là đối với người mắc bệnh về tim mạch như suy tim.
Trong thuốc lá có chứa nicotine, kích thích cơ thể tăng tiết epinephrine, làm tăng nhịp tim và huyết áp, dẫn đến tăng gánh nặng cho tim. Điều này làm trầm trọng thêm các triệu chứng suy tim như khó thở và đau ngực.
Lạm dụng rượu bia có thể gây bệnh cơ tim giãn nở do rượu, làm suy yếu cơ tim, giảm khả năng bơm máu và dẫn đến suy tim. Vì vậy, người mắc bệnh suy tim nên tránh hoàn toàn thuốc lá và hạn chế hoặc tốt nhất là không sử dụng rượu bia để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
-
Tránh căng thẳng, cân bằng tâm lý
Các nhà nghiên cứu tim mạch học nhận thấy căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh, hoặc lo lắng kéo dài là những yếu tố thúc đẩy sự tiến triển nặng của các bệnh tim mạch: thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim v.v.
Vậy để góp phần giảm bớt căng thẳng, bảo vệ cơ thể chúng ta cần sống giản dị, tăng thêm nhiều phút vui cười, giảm đi những phút buồn bực. Luôn làm chủ cơ thể, tâm thần và hoàn cảnh. Tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống hàng ngày: đường phố, con người, phong cảnh, những hành động cao đẹp.
Theo suckhoedoisong.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin