Cảnh báo tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc kháng sinh tetracycline

15:55, 04/10/2024

Ủy ban Dược điển Ấn Độ (IPC) vừa đưa ra cảnh báo cho biết, tetracycline - một loại kháng sinh được sử dụng rộng rãi để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp, dịch tả và sốt rét… có thể gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng.

Ủy ban Dược điển Ấn Độ (IPC) đã ban hành cảnh báo về các phản ứng có hại tiềm ẩn của tetracycline.
Ủy ban Dược điển Ấn Độ (IPC) đã ban hành cảnh báo về các phản ứng có hại tiềm ẩn của tetracycline.

Tác dụng phụ nghiêm trọng của tetracycline

Tetracycline là thuốc kê đơn trị sốt phát ban, sốt ve do Rickettsia, nhiễm trùng đường hô hấp… Ủy ban Dược điển Ấn Độ cho biết, phân tích các phản ứng có hại của thuốc (ADR) từ cơ sở dữ liệu PvPI (Chương trình Cảnh giác dược của Ấn Độ) cho thấy, thuốc tetracycline có thể gây ra phản ứng có hại dưới dạng phát ban sắc tố cố định (FDE).

Đây là một loại phản ứng dị ứng da liên quan đến việc sử dụng thuốc. Đặc điểm nổi bật của FDE là sự xuất hiện của một hoặc nhiều vết ban đỏ hoặc tím trên da, có thể phát triển thành các vết loét hoặc sần sùi và thường xuất hiện tại cùng một vị trí mỗi khi cơ thể tiếp xúc lại với thuốc gây ra phản ứng. Sau khi ngừng thuốc, vết ban có thể mờ dần nhưng thường để lại sắc tố tối hơn tại vùng da đó.

Ủy ban Dược điển Ấn Độ khuyến cáo các bác sĩ và bệnh nhân phải cực kỳ cẩn thận khi sử dụng thuốc. Tetracycline có thể gây ra phản ứng da nghiêm trọng, nếu không được điều trị có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe đe dọa tính mạng. Do đó, cần theo dõi chặt chẽ khả năng xảy ra phản ứng có hại nêu trên liên quan đến việc sử dụng tetracycline và báo cáo với cơ quan chức năng nếu ghi nhận bất kỳ phản ứng có hại nào.

Các tác dụng phụ phổ biến khác của tetracycline

 

Tetracycline được dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra bao gồm viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn sự phát triển và lây lan của vi khuẩn. Tuy nhiên, tetracycline có thể gây ra tác dụng phụ.

Hãy cho bác sĩ biết nếu bất kỳ triệu chứng nào sau đây trở nên nghiêm trọng hoặc không biến mất:

  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy

  • Ngứa trực tràng hoặc âm đạo

  • Lưỡi sưng, lưỡi đen hoặc có lông

  • Họng đau hoặc bị kích thích...

Một số tác dụng phụ có thể nghiêm trọng, nếu người dùng gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức:

  • Đau đầu

  • Nhìn mờ, nhìn đôi hoặc mất thị lực

  • Phát ban da, nổi mề đay

  • Sưng mặt, cổ họng, lưỡi, môi và mắt

  • Khó thở hoặc khó nuốt

  • Cứng khớp hoặc sưng khớp

  • Chảy máu hoặc bầm tím bất thường

  • Đau ngực

  • Sốt, đau họng, ớn lạnh hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng khác tái phát

  • Phân lỏng hoặc có máu, đau bụng hoặc sốt trong quá trình điều trị hoặc trong vòng hai tháng hoặc hơn sau khi ngừng điều trị…

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com