Mụn rộp Herpes là bệnh ngoài da thường gặp. Ở nhiều người, mụn rộp không có những triệu chứng rõ rệt, nhưng bệnh vẫn âm thầm tiến triển và có thể lây nhiễm sang người khác.
Mụn rộp Herpes có lây không?
Mụn rộp Herpes là bệnh ngoài da rất thường gặp, tác nhân gây bệnh là do virus có ái tính với tế bào da và niêm mạc, thuộc nhóm virus Herpes (Herpes Simplex Virus - HSV). HSV có 2 týp: týp 1 và týp 2 (HSV1 và HSV2).
Nguyên tắc là điều trị mụn rộp Herpes bằng thuốc uống hay đường bôi và làm sạch bề mặt,... |
HSV1 thường gây bệnh ở niêm mạc phần trên cơ thể, HSV2 gây tổn thương ở phần dưới cơ thể, chủ yếu là ở bộ phận sinh dục (90% các trường hợp).
Vì vậy, bệnh này còn được xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phụ nữ có thai bị Herpes sinh dục có nguy cơ lây truyền cho thai nhi, nhất là khi gần lúc sinh đẻ (30 - 50%).
Do tác động của nhiều yếu tố khác nhau, các virus tiềm tàng trỗi dậy và gây bệnh qua đường máu hoặc thần kinh hoặc qua da, virus xâm nhập vào da và gây bệnh ở đó. Vì vậy mụn rộp rất dễ lan sang người khác thông qua các tiếp xúc như hôn môi, ôm, quan hệ tình dục... Chính vì thế, khi phát hiện mụn rộp, cần đi khám ngay để được điều trị dứt điểm cũng như hạn chế lây lan.
Biểu hiện mụn rộp Herpes
Tổn thương da khu trú ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là ở quanh môi, ở mép ở vùng sinh dục và mông. Bệnh có thể gặp ở nam cũng như nữ với mọi lứa tuổi, nhưng tần suất gặp ở nữ nhiều hơn nam.
Trước khi xuất hiện thương tổn ngoài da, bệnh nhân thấy ngứa hoặc rát ở một vùng da. Sau đó xuất hiện một dát đỏ phù thũng, trên dát đỏ có nhiều mụn nước.
Các mụn nước này hình tròn, hình cầu, bằng nhau, kích thước 2-4 mm đường kính, trong suốt có chứa một chất nước vàng chanh, về sau trở nên đục. Có thể chỉ có 3-4 mụn nước hoặc có khi hàng chục mụn, sắp xếp thành chùm.
Các mụn nước có thể liên kết với nhau tạo thành một phỏng nước, bờ gồm nhiều cung nhỏ, một số mụn nước khổng lồ thể hiện bằng những phỏng nước dạng Pemphigus, giống bệnh Duhring-Brocq.
Sau vài ngày mụn nước vỡ ra khô lại, đóng vẩy tiết nhỏ màu vàng hoặc hơi nâu, bám chặt vào thương tổn về sau rụng đi để lại một dát đỏ, sau một thời gian ngắn màu da sẽ trở lại bình thường, không để lại sẹo. Tiến triển chung của đám tổn thương là khoảng 8 - 15 ngày.
Tổn thương của Herpes có thể chỉ một đám đơn độc, nhưng thường thường có nhiều đám khu trú trên một vùng nhất định. Ở trường hợp mụn rộp lan tỏa sẽ thấy nhiều đám thương tổn. Ở nhiều nơi trên một hoặc ở vùng sinh dục. Nếu Herpes tổn thương ở niêm mạc sinh dục sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Herpes sinh dục trên bệnh nhân HIV/AIDS: Biểu hiện bệnh lý sinh dục hoặc quanh hậu môn kéo dài hơn và nặng, tổn thương đau và không điển hình, thường đối xứng qua trục cơ thể.
Có trường hợp bệnh nhân đau dữ đội như trong thể mụn rộp xuất hiện trên đường đi của dây thần kinh. Có trường hợp không có triệu chứng ngoài da, mà biểu hiện bằng triệu chứng thần kinh đơn thuần, cụ thể là triệu chứng ngứa và nóng bỏng.
Chẩn đoán xác định và điều trị mụn rộp Herpes
Ngoài các biểu hiện tổn thương thì các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp xét nghiệm mụn rộp Herpes. Thông thường các xét nghiệm này còn giúp phân biệt với các bệnh như: Bệnh Zona, chốc bọng nước nhỏ…
Về điều trị, hiện tại, chưa có thuốc chữa triệt để, tuy nhiên có nhiều cách chữa bệnh để hỗ trợ người bệnh điều trị, giảm các triệu chứng của bệnh cũng như ngăn ngừa nguy cơ bệnh tái phát nhiều lần.
Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp. Nguyên tắc là điều trị bằng thuốc uống hay đường bôi và làm sạch bề mặt,... (các loại thuốc kháng virus mạnh Acyclovir, Famciclovir,...)
Điều trị bằng phương pháp khác như: Đốt lạnh; Đốt điện; Dùng tia laser; Dùng điện dung sóng ngắn…
Theo suckhoedoisong.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin