Đảm bảo sức khỏe cho người dân sau bão, lũ

09:10, 25/09/2024

Sau bão số 3 và mưa, lũ, cộng thêm ảnh hưởng bão số 4, mưa diện rộng kéo dài nhiều ngày, thời tiết bất thường, gây ô nhiễm môi trường và nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại một số địa phương trong tỉnh. Sở Y tế đã tích cực phối hợp các sở, ngành, các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Trung tâm Y tế thành phố Nam Định cấp 70kg Cloramin B 25% cho các trạm y tế phường, xã để khẩn trương triển khai vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Trung tâm Y tế thành phố Nam Định cấp 70kg Cloramin B 25% cho các trạm y tế phường, xã để khẩn trương triển khai vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm

Sau đợt mưa, lũ kéo dài do ảnh hưởng bão số 3, toàn tỉnh có 11.417 hộ, 13.520 người bị ảnh hưởng; 2.114 ngôi nhà bị ngập nước; 833 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; có 699,5ha nuôi trồng thủy sản, 18.102ha lúa, 3.800ha rau màu bị thiệt hại. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng của bão số 3 và mưa, lũ khiến môi trường tại các xã, phường trên địa bàn thành phố Nam Định và các huyện Ý Yên, Trực Ninh, Nam Trực, Hải Hậu, Giao Thủy… bị ô nhiễm nặng nề bởi nước ngập lâu ngày, các chất thải sinh hoạt và công nghiệp, rác đọng, thực vật thối rữa. Đây là điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển, nguy cơ lây nhiễm và gây bệnh cho người.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay, các bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, các bệnh dịch có nguy cơ bùng phát như tiêu chảy, tay chân miệng, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết (SXH), nhất là các bệnh lây truyền qua nguồn nước hoặc từ động vật sau bão lụt.

Bác sĩ Lại Tuấn Anh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Dịch SXH hiện đã bước vào giai đoạn cao điểm của dịch hàng năm (từ tháng 9 đến tháng 11). Đặc biệt, sau đợt lũ lụt vừa qua, số ca mắc đã có dấu hiệu gia tăng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Nguyên nhân là do sau mưa lũ, điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh, dẫn tới các bệnh rất dễ lây lan và bùng phát dịch trên diện rộng. Chỉ tính từ ngày 14 đến 20/9, toàn tỉnh ghi nhận 15 ca mắc/nghi mắc SXH; tổng số ca mắc/nghi mắc SXH cộng dồn đến 20/9/2024 là 199 ca; 79 xã có ca mắc/nghi mắc SXH trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Nhiều địa phương có ca mắc SXH cao như: Thành phố Nam Định (64 ca), Hải Hậu (45 ca), Trực Ninh, Vụ Bản (23 ca), Giao Thủy (22 ca), Nam Trực (18 ca). Dự báo thời gian tới, số ca mắc SXH tiếp tục gia tăng và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Để tăng cường phòng, chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Tích cực tổ chức triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường (VSMT), diệt loăng quăng (bọ gậy) phòng chống SXH trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân; tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH của Bộ Y tế tại Quyết định số 2760/QĐ-BYT ngày 4/7/2023.

Cùng với các ca mắc SXH, đến ngày 20/9, toàn tỉnh ghi nhận 517 ca mắc tay chân miệng; 21 ca mắc ho gà, các ca đau mắt đỏ, một số bệnh ngoài da... Bác sĩ Đặng Xuân Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh cho biết: Sau mưa, lũ, bệnh đau mắt đỏ dễ mắc và dễ bùng phát thành dịch tại những nơi điều kiện vệ sinh, nguồn nước không bảo đảm. Bên cạnh đó, do ăn uống không đầy đủ, do nhiễm lạnh, thiếu ngủ kéo dài nên nhiều người giảm sức đề kháng. Vì vậy, người dân vùng lũ cần nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa, xử lý rác thải quanh nhà, khẩn trương phòng, chống các bệnh về mắt (đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ…): Không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn; không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn; rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; không dùng chung khăn mặt và chậu chung với người bị đau mắt đỏ; tra thuốc nhỏ mắt (Chloramphenicol 0,4% hoặc Argirol 1%) cho những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn…

Bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu tỉnh thì cảnh báo, mưa lũ, rác thải, nước thải tràn về có chứa các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có vi-rút viêm gan E nhiễm vào nguồn nước sinh hoạt. Đồng thời, một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, nấm móng, ghẻ, viêm da, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm ký sinh gây ra), mẩn ngứa do lội nước ngập. Để phòng, chống bệnh ngoài da, người dân cần lưu ý không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn; không mặc áo quần ẩm ướt; không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập; hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Khi buộc phải tiếp xúc với nguồn nước bẩn, cần trang bị đầy đủ giày, ủng, găng tay... Sau khi tiếp xúc với nước bẩn, nên tắm rửa ngay bằng nước sạch, lau khô người, đặc biệt là những vùng dễ đọng nước như kẽ ngón chân, ngón tay. 

Khám, điều trị bệnh ngoài da cho người dân tại Bệnh viện Da liễu tỉnh Nam Định
Khám, điều trị bệnh ngoài da cho người dân tại Bệnh viện Da liễu tỉnh Nam Định.

Triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống 

Thành phố Nam Định là địa phương chịu thiệt hại lớn sau bão số 3 và mưa, lũ. Đồng chí Nguyễn Thị Nhung, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết: Do ảnh hưởng bão số 3, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm (đau mắt đỏ, SXH, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, bệnh ngoài da…) diễn biến khó lường, nhất là người dân các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp như các phường, xã: Nam Phong, Cửa Nam, Năng Tĩnh, Vị Xuyên, Lộc Hạ, Mỹ Tân. Hiện tại, thôn Vị Lương, phường Nam Phong xuất hiện 3 ca mắc thủy đậu; từ ngày 14 đến 23/9, thành phố có 16 ca mắc SXH, có 5 ổ dịch SXH đang hoạt động. Trung tâm Y tế thành phố chỉ đạo trạm y tế các phường, xã giám sát bệnh nhân, giám sát véc-tơ truyền bệnh; đồng thời, cấp 70kg Cloramin B 25% cho các trạm y tế phường, xã để khẩn trương triển khai vệ sinh khử khuẩn môi trường, diệt loăng quăng (bọ gậy), nhất là tại các trường học, khu dân cư bị ngập nước. Cử cán bộ trực tiếp xuống các hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, VSMT, phòng chống dịch bệnh SXH tại cộng đồng, Ngoài Cloramin B, khuyến khích người dân có thể dùng phèn chua, vôi để xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn. “Đến nay nước đã rút, nhưng mực nước trong ao hồ xung quanh các khu vực dân cư sinh sống vẫn còn cao. Trung tâm Y tế đã chỉ đạo các trạm y tế tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh. Tích cực tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích, đuối nước, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân vùng ngập lụt cũng như giữ gìn VSMT sinh hoạt” - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Nguyễn Thị Nhung chia sẻ.

Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản gửi các cơ sở y tế, UBND các huyện, thành phố về công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo nước sạch, VSMT, quản lý chất thải y tế sau bão số 3. Với phương châm nước rút đến đâu làm VSMT đến đó, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ra văn bản đồng ý chủ trương cung cấp 243kg Cloramin B 25% cho các huyện, thành phố tiến hành khử khuẩn, VSMT, nguồn nước bị ô nhiễm. Bảo đảm nhân lực, phương tiện, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, đặc biệt các vùng bị ngập lụt; tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, SXH, đề phòng các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn... 

Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 22/3/2024 của UBND tỉnh về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh năm 2024, Kế hoạch số 682/KHSYT ngày 11/4/2024 của Sở Y tế về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; đặc biệt đối với các bệnh có nguy cơ bùng phát như: sởi, cúm, ho gà, bạch hầu, tay chân miệng, viêm não, SXH, sốt rét… Tăng cường công tác thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế, đặc biệt là chất thải lây nhiễm, để đảm bảo an toàn, phòng tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Khẩn trương thực hiện VSMT, vệ sinh khuôn viên và khử khuẩn các khoa, phòng. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi. Vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch. Trước mắt, tập trung triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn tỉnh năm 2024 (từ ngày 14 đến 19/10/2024). 

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tham mưu UBND huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và VSMT ứng phó với các tình huống thiên tai, mưa lũ; tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước theo quy định và công tác đảm bảo y tế trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh thường gặp trong mưa lũ và ngập lụt; các biện pháp xử lý môi trường và xử lý nước trong tình trạng khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ và ngập lụt theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com