Chủ động phòng, chống dịch bệnh hè - thu

08:34, 28/08/2024

Thời tiết khí hậu đang chuyển hè sang thu, cũng là thời điểm học sinh tập trung bước vào năm học mới 2024-2025 sau kỳ nghỉ hè. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan các bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, muỗi và côn trùng truyền bệnh như ho gà, tay chân miệng (TCM), sởi, cúm, tiêu chảy do vi-rút Rota, sốt xuất huyết (SXH)... trong cộng đồng và trường học.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện Nhi tỉnh phát hiện và điều trị 7 trường hợp trẻ em mắc bệnh ho gà.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện Nhi tỉnh phát hiện và điều trị 7 trường hợp trẻ em mắc bệnh ho gà.

Tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), năm 2023 và 7 tháng năm 2024, mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt, tuy nhiên các bệnh dịch lưu hành như SXH, TCM… có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2 ca viêm não Nhật Bản, hơn 1.000 ca mắc TCM, hơn 80 ca SXH. Hiện tại trong tỉnh có 10 ổ dịch đang hoạt động, 52 xã có ca mắc/nghi mắc SXH Dengue trên địa bàn 9 huyện, thành phố.

Thời tiết thay đổi từ hè sang thu là điều kiện thuận lợi để vi-rút, vi khuẩn, trung gian truyền bệnh phát triển, gây bệnh và lây lan thành dịch. Theo Bộ Y tế, có 12 bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa xuân - hè gồm: SXH, TCM, viêm da, sởi, viêm não, cúm, hen suyễn, nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi, quai bị, sốt phát ban, tiêu chảy. Còn theo tổng hợp của Sở Y tế, đáng chú ý là từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh, bệnh ho gà bùng phát mạnh, chỉ tính trong tháng 8/2024, ghi nhận 20 ca mắc bệnh ho gà. Hay bệnh TCM là một bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng đường ruột gây ra, cũng được báo cáo có xu hướng tăng cao, nhất là thời kỳ giao mùa hè - thu; chỉ trong tháng 8/2024, toàn tỉnh có hơn 500 ca mắc TCM. Còn đối với bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm do siêu vi Dengue gây ra. Siêu vi Dengue xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết đốt của muỗi vằn cái mang mầm bệnh. Đây là bệnh nguy hiểm cho trẻ em vì bệnh chưa có vắc-xin phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, sau khi khỏi bệnh, trẻ vẫn có thể bị mắc lại, bệnh có thể gây chảy máu nghiêm trọng, tụt huyết áp đột ngột dẫn đến tử vong và nguy cơ cao bùng dịch

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Khương Thành Vinh, đáng chú ý là năm 2023 và 6 tháng năm 2024, bệnh bạch hầu tại các địa phương trong cả nước diễn biến phức tạp; đã ghi nhận hơn 60 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó 8 trường hợp tử vong. Để phòng bệnh bạch hầu, tháng 7/2024, Sở Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn cập nhật “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu” cho các cơ sở y tế. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ các biện pháp phòng bệnh...

Chủ động phòng ngừa lây nhiễm bệnh dịch nguy hiểm

Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh truyền nhiễm (DBTN) hè - thu, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch và các bệnh truyền nhiễm, tiếp tục có phương án bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Trong đó, triển khai hiệu quả công tác phòng chống DBTN theo Công điện số 840/CĐ-BYT ngày 9/7/2024 của Bộ Y tế; Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 22/3/2024 của UBND tỉnh về phòng, chống DBTN trên địa bàn tỉnh Nam Định năm 2024, Kế hoạch số 682/KH-SYT ngày 11/4/2024 của Sở Y tế về phòng, chống DBTN; đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát như: sởi, cúm, ho gà, bạch hầu, TCM, viêm não, SXH (SXH Dengue), sốt rét…

Thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh. Chú trọng giám sát dịch bệnh thường gặp như viêm đường hô hấp cấp, SXH, tiêu chảy cấp nguy hiểm, TCM, viêm não Nhật Bản B. Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế đã triển khai tiêm chủng thường xuyên các loại vắc-xin: IPV, viêm não Nhật Bản, sởi - rubella, DPT vào các ngày 6 và 7 hàng tháng. Tiêm chủng vắc-xin BCG, DPT-VGB-Hib, bOPV, Sởi cho trẻ em dưới 1 tuổi, vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai vào các ngày 25, 26, 27 hàng tháng tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tiêm vắc-xin VGB tại các bệnh viện, trung tâm y tế có phòng sinh. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 32,3%; tỷ lệ tiêm viêm gan B trước 24h đạt 26,3%; tỷ lệ tiêm sởi - rubella đạt 32,0%; tỷ lệ tiêm vắc-xin DPT mũi 4: đạt 34,0%; tỷ lệ tiêm viêm não Nhật Bản mũi 3 đạt 32,3%; tỷ lệ tiêm uốn ván mũi 2 cho phụ nữ mang thai (UV2+) đạt 29,6%.

Sở đã chỉ đạo CDC tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các công tác phòng, chống dịch bệnh trên người, bệnh lây truyền từ động vật sang người, kiểm dịch y tế quốc tế người và hàng hóa qua Cảng biển Hải Thịnh (Hải Hậu) theo chức năng, nhiệm vụ và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động phối hợp liên ngành. Căn cứ các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách quy định về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng vắc-xin, tập trung vào các dịch bệnh nguy hiểm (cúm A/H5N1, SXH Dengue) và các bệnh mới nổi hoặc bệnh lưu hành có số mắc, tử vong cao. Đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè - thu; tuyên truyền thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống dịch, tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy với thông điệp “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt loăng quăng/bọ gậy” tại hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức phù hợp.

Sở Y tế phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các nhà trường triển khai truyền thông, thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch bệnh mùa hè - thu (đặc biệt các bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa) nhất là tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ; liên hệ cơ sở y tế gần nhất ngay khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Phối hợp ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cùng với chính quyền địa phương các cấp triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dại và các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tham mưu cho UBND huy động các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra trong giai đoạn hè - thu. Trong đó tập trung đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè - thu. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; quan tâm đến các cơ sở giáo dục, nhà trường khi học sinh quay trở lại học tập; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát. Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi. Vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ. Tổ chức tập huấn, đào tạo lại về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm. Thực hiện việc chẩn đoán, thu dung điều trị bệnh nhân, đảm bảo đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị bệnh nhân.

Bài và ảnh: Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com