6 dấu hiệu cảnh báo chức năng gan suy yếu

09:02, 19/08/2024

Chức năng gan suy yếu là giai đoạn gan bị tổn thương, không làm tròn chức năng của mình sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhiệm rất nhiều chức năng quan trọng, trong đó nổi bật là chức năng chuyển hóa thức ăn, bài tiết mật, dự trữ vitamin, khoáng chất, chống độc... giúp cân bằng và duy trì sự sống.

Chức năng gan bị suy giảm còn kèm theo các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, chảy máu chân răng, mất ngủ, da dễ bầm tím. Người có những triệu chứng này thường xuyên nên đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, phòng ngừa bệnh tiến triển nặng thành bệnh gan mạn tính, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

Nên thăm khám gan định kỳ và tiêm vaccine để phòng ngừa và hạn chế mắc các bệnh về gan.
Nên thăm khám gan định kỳ và tiêm vaccine để phòng ngừa và hạn chế mắc các bệnh về gan.

Các dấu hiệu cảnh báo chức năng gan suy yếu

Một số dấu hiệu cho thấy chức năng gan suy yếu, không thể bỏ qua:

  • Da nổi mẩn ngứa

Một trong những chức năng quan trọng của gan là thải độc, giúp cơ thể chống lại các yếu tố độc hại như rượu bia, thực phẩm nhiễm độc, thuốc uống... bằng cách chuyển hóa, làm giảm độc tính, biến các chất độc thành chất không độc hoặc ít độc hơn rồi thải ra ngoài qua phân và nước tiểu.

Do vậy, một khi chức năng gan bị suy giảm, khả năng này cũng giảm theo, làm chất độc tích tụ lại và đào thải qua da. Các triệu chứng bộc phát như nổi mẩn ngứa, mụn nhọt, phát ban từng mảng. Triệu chứng này dễ gây lầm tưởng với dị ứng da thông thường.

  • Vàng da

Đây là dấu hiệu khá đặc trưng khi chức năng gan suy giảm. Vàng da là triệu chứng nặng cho thấy có tổn thương tắc mật trong hoặc ngoài gan. Bilirubin do gan sản xuất bình thường được dự trữ ở túi mật sau đó đổ vào tá tràng giúp tiêu hóa thức ăn. 

Tuy nhiên, nếu có tình trạng tổn thương gan và đường mật, bilirubin thay vì đổ vào tá tràng sẽ được ứ đọng và hấp thu vào máu gây vàng da, vàng mắt. Những bộ phận có thể thấy rõ màu vàng là kết mạc của mắt, lòng bàn tay, bàn chân và niêm mạc lưỡi.

  • Hơi thở có mùi

Gan bị tổn thương sẽ không đào thải hết các chất độc như nitơ, urê, ammonia... Những chất độc này đi tới các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả phổi, làm cho hơi thở có mùi khó chịu.

  • Phân và nước tiểu đổi màu

Thay đổi màu sắc phân và nước tiểu là một dấu hiệu của bệnh gan ở giai đoạn nặng. Tổn thương nhu mô gan gây tắc mật trong gan dẫn đến hấp thu nhiều bilirubin vào máu, sau đó thải ra nước tiểu nhiều hơn bình thường, lượng bilirubin khiến nước tiểu có màu vàng sậm.

Tương tự, bình thường trong ruột, vi khuẩn chuyển hóa bilirubin thành urobilinogen, sau đó phần lớn được chuyển hóa thành stercobilin làm cho phân màu vàng. Tuy nhiên, khi tổn thương tắc mật hoàn toàn lượng stercobilin trong phân rất ít nên phân người bệnh có màu xám nhạt hoặc bạc màu.

  • Mắt có quầng thâm

Biểu hiện này thường gặp ở người bị bệnh gan mạn tính, khiến gan suy yếu trong một thời gian dài. Những bệnh nhân bị phù do gan biểu hiện đôi mắt thâm đen lại càng rõ ràng hơn.

  • Báng bụng (cổ trướng)

Đây là dấu hiệu của tình trạng xơ gan mất bù, một biến chứng nặng của bệnh gan mạn tính. Lúc này, sức khỏe của người bệnh giảm sút. Bụng người bệnh bắt đầu to do sự tích tụ dịch cổ trướng ở khoang bụng, khiến bụng to dần theo thời gian, căng nhẵn, có những mạch nổi lên ở phần bụng dưới, gây đau tức, khó thở và nặng nề cho bệnh nhân.

Nguyên nhân của biểu hiện trên là do gan bị suy giảm trầm trọng nên chức năng tổng hợp protein, lọc máu của gan cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Áp lực thủy tĩnh lên mao mạch tăng, làm nước và các chất bị đẩy ra ngoài khỏi lòng mạch. Trong khi đó, áp lực keo cũng giảm (do albumin huyết tương giảm) nên không giữ được nước và các chất trong lòng mạch, làm chúng thoát ra khoang màng bụng, hình thành cổ trướng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra sự tổn thương nặng nề ở gan như viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.

Cách phòng ngừa và hạn chế mắc các bệnh về gan

Thăm khám gan định kỳ và tiêm vaccine phòng bệnh. Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa, loại bỏ nguy cơ gây bệnh và xử lý mầm bệnh. Đặc biệt, xét nghiệm viêm gan B, C và chích phòng ngừa viêm gan B nếu chưa nhiễm bệnh là một cách phòng ngừa ung thư gan hữu hiệu, cần được thực hiện trước tiên.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý trong sinh hoạt hàng ngày. Không ăn thức ăn bị mốc, hạn chế thực phẩm chứa lượng muối cao, đồ ăn giàu protein, hạn chế đường…

Duy trì lối sống lành mạnh, chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Rượu bia và thuốc lá là yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư gan, điều này nguy hiểm hơn nếu thói quen đó có ở những người bị viêm gan B, C. Mặt khác, cũng không nên sử dụng những loại thức uống có ga, không hút thuốc lá hoặc các chất kích thích khác.

Cân bằng cảm xúc, luôn giữ tinh thần lạc quan. Bạn có thể học hỏi những cách đơn giản để kiểm soát cảm xúc của mình, luôn giữ tinh thần lạc quan.

Cải thiện chức năng gan kịp thời. Nếu bạn kiểm tra sức khỏe thấy chỉ số bất thường về men gan và bilirubin, nghĩa là các tế bào gan đã bị tổn thương tương đối nghiêm trọng. Hãy bổ sung các loại thực phẩm và thuốc chứa vitamin C, vitamin B và các loại thuốc khác có tác dụng tốt cho gan.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com