Uống nhiều nước tăng lực có thể gây đau tim?

09:49, 17/06/2024

Tiêu thụ nhiều nước tăng lực có thể gây ra các vấn đề về tim mạch, chẳng hạn như tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim. Trong một số trường hợp, tiêu thụ nước tăng lực quá mức có liên quan đến các cơn đau tim.

Theo thông tin đăng tải trên Heathline, nước tăng lực ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt được giới trẻ ưa chuộng. Ước tính có tới 30% thanh thiếu niên Mỹ hiện nay tiêu thụ nước tăng lực một cách thường xuyên. Điều đáng lo ngại là các chiến thuật tiếp thị nước tăng lực đang ngày càng hướng tới giới trẻ. Các ước tính cho thấy doanh số bán đồ uống tăng lực ở Mỹ và trên toàn thế giới đã tăng hơn 240%.

Mặc dù nước tăng lực được quảng bá như một cách để tăng cường hoạt động thể chất hoặc tinh thần, việc tiêu thụ quá nhiều nước tăng lực đã được báo cáo là có liên quan đến các tác dụng phụ về tim mạch, bao gồm tăng huyết áp, bệnh tim và đau tim.

Uống nước tăng lực có nguy cơ quá tải lượng caffeine và nghiện caffeine.
Uống nước tăng lực có nguy cơ quá tải lượng caffeine và nghiện caffeine.

1. Mối liên hệ giữa nước tăng lực và cơn đau tim

Trong những năm gần đây, việc tiêu thụ quá nhiều nước tăng lực đã được liên kết với sự gia tăng các ca cấp cứu và nhiều biến chứng tim mạch đe dọa tính mạng, bao gồm cả các cơn đau tim.

Nước tăng lực chứa lượng caffeine và lượng đường từ vừa phải đến cao, cùng với nhiều thành phần kích thích khác nhau như guarana, taurine, carnitine và nhân sâm. Các chuyên gia đều khẳng định thừa đường và caffeine sẽ dẫn đến các hậu quả như: mất ngủ, các vấn đề về bệnh tim, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì.

Một lon nước tăng lực trung bình chứa khoảng 41g đường. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị, nam giới trưởng thành một ngày không nên tiêu thụ quá 9 muỗng cà phê đường, tương đương với 37,5g đường. Cần lưu ý rằng không phải tất cả các loại nước tăng lực đều có lượng đường cao và một số sử dụng chất thay thế đường.

Dữ liệu cho thấy khuyến nghị tối đa lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày là 100mg mỗi ngày đối với thanh thiếu niên và 400mg mỗi ngày đối với người lớn. Tuy nhiên, một số loại nước tăng lực có chứa hơn 500mg caffeine, uống thường xuyên có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe do quá liều caffeine.

Các thành phần khác như taurine và nhân sâm có tác dụng kích thích trong nước tăng lực cũng dẫn đến các vấn đề sức khỏe khi dùng liều cao và thường xuyên, đặc biệt khi kết hợp với caffeine. Các nghiên cứu đã cho thấy nhiều loại nước tăng lực có chứa quá nhiều thành phần này. Ví dụ, một số nước tăng lực có chứa gấp 10 lần lượng taurine được khuyến nghị hàng ngày.

Một đánh giá năm 2017 phát hiện ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều nước tăng lực có thể dẫn đến nhiều vấn đề về tim mạch, bao gồm rối loạn nhịp tim, ngừng tim và nhồi máu cơ tim. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những trường hợp này liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều nước tăng lực trong thời gian ngắn, thường kết hợp với rượu hoặc các chất kích thích khác.

2. Một số vấn đề liên quan đến tim khi lạm dụng nước tăng lực

Theo nghiên cứu, đồ uống tăng lực đã được chứng minh là làm tăng nhịp tim của bạn lên tới 20 nhịp mỗi phút. Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ quá nhiều nước tăng lực có thể gây hại cho tim theo nhiều cách khác nhau, dẫn đến nhiều vấn đề về tim mạch, ví dụ như:

Rung tâm nhĩ

Rung tâm nhĩ là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất hoặc nhịp tim không điển hình. Nó có thể gây ra nhịp tim nhanh, đập mạnh hoặc khó thở và là nguyên nhân tim mạch hàng đầu dẫn đến đột quỵ.

Tăng huyết áp

Huyết áp cao hay còn gọi là tăng huyết áp bao gồm biến chứng như tổn thương mạch máu, đột quỵ và đau tim. Một nghiên cứu năm 2019 phát hiện ra rằng nước tăng lực làm tăng huyết áp, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ở những người bị tăng huyết áp.

Rối loạn nhịp tim

 

Rối loạn nhịp tim gây ra bởi vấn đề với hệ thống điện của tim, cơ quan điều chỉnh nhịp tim. Điều này có thể dẫn đến tim đập quá chậm hoặc quá nhanh.

Một đánh giá năm 2021 cho thấy việc tiêu thụ nhiều nước tăng lực trong thời gian ngắn có thể làm gián đoạn hệ thống điện của tim theo nhiều cách, dẫn đến tăng nhịp tim khi nghỉ ngơi. Các tác giả lưu ý rằng những thay đổi này có thể liên quan đến những người có các yếu tố rủi ro nhất định, bao gồm cả những người có:

  • Bệnh đái tháo đường.

  • Chỉ số khối cơ thể cao (BMI).

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch.

Suy tim

Trong một báo cáo năm 2021, một nam thanh niên 21 tuổi tiêu thụ trung bình 4 lon nước tăng lực mỗi ngày trong 2 năm được phát hiện mắc cả suy tim và suy thận. Các triệu chứng và chức năng tim của bệnh nhân được cải thiện đáng kể khi điều trị bằng thuốc và sau khi bệnh nhân ngừng uống nước tăng lực.

Một trường hợp khác, nam thanh niên 24 tuổi uống 8-10 lon nước tăng lực mỗi ngày trong 2 tuần có dấu hiệu tổn thương tim, bao gồm giãn tâm thất trái và các vấn đề về khả năng bơm máu của tim.

Tiêu thụ quá nhiều đường

Tiêu thụ quá nhiều đường dễ dẫn đến tăng cân, đái tháo đường type 2 và các tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Một đánh giá có hệ thống năm 2020 cho thấy việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường, bao gồm nước tăng lực, nước ngọt và đồ uống có ga, dẫn đến tăng huyết áp tâm thu và tăng huyết áp ở trẻ em và thanh thiếu niên.

3. Các triệu chứng của cơn đau tim cần lưu ý

Hãy gặp bác sĩ nếu bạn gặp các triệu chứng dưới đây hoặc quan sát thấy chúng ở người thân hoặc người xung quanh. Việc cấp cứu và điều trị càng sớm càng tốt có thể giúp giảm mức độ tổn thương cơ tim.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các triệu chứng chính của cơn đau tim bao gồm:

  • Đau ngực hoặc khó chịu, có thể kéo dài hơn một vài phút và cảm thấy như bị áp lực hoặc ép khó chịu.

  • Loạng choạng hoặc chóng mặt.

  • Đổ mồ hôi lạnh.

  • Đau hoặc khó chịu ở hàm, cổ hoặc lưng.

  • Đau hoặc khó chịu ở một hoặc cả hai cánh tay hoặc vai.

  • Hụt hơi, cảm giác khó thở.

Các triệu chứng khác của cơn đau tim có thể bao gồm mệt mỏi bất thường, buồn nôn hoặc nôn.

4. Lời khuyên của bác sĩ

Uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích khác cùng với nước tăng lực có thể làm tăng nguy cơ đánh trống ngực. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2014 cho thấy, 71% thanh niên (18-29 tuổi) pha đồ uống tăng lực với rượu bia.

Theo BS. Nguyễn Hoài Thu - Chuyên khoa Dinh dưỡng, một trong những vấn đề lớn nhất của nước tăng lực là nhiều người sử dụng pha với rượu bia. Khi pha nước tăng lực với rượu, bia, người uống sẽ cảm giác như mình không bị say và uống nhiều rượu, bia hơn do nước tăng lực làm tăng sự tỉnh táo che giấu các dấu hiệu say rượu bia. Vì vậy, pha nước tăng lực với rượu bia được cho là hành động làm gia tăng tình trạng sử dụng rượu, bia ở thanh niên.

Hiện tại chưa có sự thống nhất về số lượng nước tăng lực có thể gây ra cơn đau tim. Nó có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm thành phần, tuổi tác, các tình trạng bệnh lý và tiền sử sức khỏe của cá nhân.

BS. Nguyễn Hoài Thu khuyến cáo, không nên cho trẻ em và thanh thiếu niên sử dụng nước tăng lực trừ khi có sự giám sát cẩn thận của cha mẹ vì trẻ từ 12-18 tuổi không nên uống vượt quá 100mg caffeine/ngày.

Đối với người lớn khi uống nước tăng lực nên kiểm tra nhãn để biết hàm lượng caffeine có trong từng loại nước tăng lực. Không nên uống nhiều hơn 200mg caffeine mỗi lần uống và tuyệt đối không nên uống nước tăng lực cùng với rượu.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, nước tăng lực không phải là thức uống dành cho vận động viên thể thao và không có tác dụng tăng lực như nhiều người nghĩ. Các vận động viên không nên dùng nước tăng lực trong hoặc sau khi hoạt động thể chất do lượng caffeine dễ gây mất nước. Uống các loại nước tăng lực khi tập thể dục hoặc chơi thể thao không bù được lượng nước tiêu hao và dẫn đến mất nước tăng thêm.

Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc bệnh thận, không nên uống nước tăng lực vì lượng caffeine cao vượt mức khuyến nghị trong thời gian dài có thể có nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com