Câu hỏi thường gặp liên quan đến sỏi mật

21:42, 18/05/2024

Sỏi mật được hình thành bởi nhiều cơ chế, vị trí xuất hiện cũng khác nhau. Đây là bệnh phổ biến ở nước ta hiện nay, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

1. Đông y có chữa được sỏi mật không?

Theo Đông y, có nhiều phương pháp điều trị bằng thảo dược có tác dụng tán sỏi hiệu quả và hướng đến tác động toàn diện đến toàn hệ thống gan - mật, kể cả nguyên nhân tạo thành sỏi mật.

Với những trường hợp sỏi mật chưa gây biến chứng hoặc chưa xuất hiện triệu chứng quá nghiêm trọng, có thể lựa chọn điều trị bằng Đông y. Về cơ bản, điều trị sỏi mật bằng liệu pháp Đông y mang tới hiệu quả tuy không nhanh chóng bằng Tây y. Trong trường hợp sỏi mật đã gây ra triệu chứng thì cần can thiệp phẫu thuật.

Sỏi mật thường không gây triệu chứng, nhưng đôi khi chúng có thể chặn dòng chảy của mật, gây viêm túi mật
Sỏi mật thường không gây triệu chứng, nhưng đôi khi chúng có thể chặn dòng chảy của mật, gây viêm túi mật.

2. Cách xử trí khi bị sỏi mật

Sỏi mật là các viên sỏi được hình thành ở túi mật hoặc ống mật. Dù là bệnh lành tính nhưng nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời, sỏi có thể làm tắc mật, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh.

Để chẩn đoán bệnh sỏi mật, đầu tiên, người bệnh sẽ được thăm khám sức khỏe. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân tiến hành thực hiện một số chẩn đoán cận lâm sàng cần thiết khi nghi ngờ có sỏi mật.

Đối với tình trạng sỏi mật không triệu chứng, người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn và lối sống phù hợp song song với việc sử dụng các bài thuốc thảo dược để hỗ trợ điều trị.

Tuy nhiên, sỏi gây viêm túi mật và có nhiều sỏi thì nên mổ sớm để tránh tình trạng sỏi rơi xuống ống mật chủ gây tắc mật. Người bệnh cần nội soi dạ dày – tá tràng để loại bỏ bệnh kết hợp, trong trường hợp nếu có thì điều trị song song.

3. Cách chăm sóc bệnh sỏi mật tại nhà

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tại nhà người bệnh sỏi mật nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ.

Chất xơ liên kết với dịch mật trong dạ dày, giúp ngăn ngừa tình trạng viêm dạ dày. Ngoài ra, chất xơ cũng bám dính cholesterol, có thể hỗ trợ chữa sỏi mật tại nhà, phòng bệnh túi mật và tăng cường vận chuyển thức ăn qua ruột, qua đó giảm sản xuất axit mật thứ cấp.

Trong bữa ăn hàng ngày, người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau lá xanh, các loại hạt, cây họ đậu, các loại ngũ cốc…

  • Một số loại thực phẩm, chất dinh dưỡng khác cũng có công dụng hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị sỏi mật khá tốt như giá đỗ, thuốc viên bổ sung enzyme cho tuyến tuỵ, B-complex, vitamin B, cam thảo.

  • Không nên dùng nước trà, cà phê, ca cao, gia vị cay nóng nhiều ớt, hạt tiêu.

  • Giống như những căn bệnh khác, sự căng thẳng đóng vai trò quan trọng đối với bệnh sỏi mật. Vì vậy, nên giảm stress như ngồi thiền hoặc kỹ thuật thở. Ngoài ra, việc thường xuyên tập luyện thể dục, uống đủ nước cũng có tác dụng giúp đẩy mật ra khỏi túi mật để tiêu hoá chất béo dư thừa.

Những thực phẩm cần tránh

  • Hầu hết các viên sỏi mật đều có cholesterol. Do vậy, điều quan trọng nhất là phải hạn chế các nguồn cung cấp cholesterol. Ví dụ các phủ tạng, sữa, thịt, gia cầm…

  • Tránh hoặc giảm bớt những thực phẩm có chứa nhiều chất a-xít như trà, cà phê, những thức ăn được chế biến sẵn hoặc có chứa nhiều chất bảo quản.

  • Không hoặc hạn chế hút thuốc lá.

  • Tránh những thức ăn có quá nhiều chất béo hoặc đồ chiên xào.

Ngoài ra cần uống đủ nước, phải uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể đào thải bớt độc tố, nhất là những bệnh nhân có sỏi túi mật.

4. Bệnh sỏi mật có chữa khỏi được không?

Sỏi túi mật một khi đã hình thành sẽ không tự đào thải ra ngoài hoặc biến mất. Càng để lâu, sỏi sẽ ngày một phát triển và tăng lên cả về kích thước cũng như số lượng. Chỉ khi can thiệp điều trị đúng cách mới có thể loại bỏ được sỏi mật hoàn toàn.

Với các trường hợp sỏi túi mật gây tắc nghẽn, viêm đường mật dẫn tới các triệu chứng nghiêm trọng cùng nguy cơ biến chứng thì cần phải tiến hành cắt túi mật càng sớm càng tốt. Phẫu thuật cắt túi mật cũng đồng nghĩa với việc đã loại bỏ hoàn toàn phần sỏi mật.

5. Những lưu ý quan trọng đối với sỏi mật, nhất là trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nên chủ động phòng ngừa bệnh sỏi mật, điển hình như:

  • Những người thích ăn những thực phẩm giàu chất béo, đồng thời ít ăn rau củ hoặc thức ăn có chứa nhiều chất xơ.

  • Nữ giới: do hàm lượng nội tiết tố Estrogen giàu có ở nữ giới kích thích sản sinh Cholesterol ở gan nên họ thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.

  • Những người béo phì hoặc thừa cân quá nhiều: những đối tượng có chỉ số BMI đạt từ mức 25 trở lên thì khả năng mắc bệnh khá cao.

  • Những đối tượng ở độ tuổi trung niên (từ 40 tuổi trở đi) thường có nhiều nguy cơ mắc bệnh.

  • Bệnh nhân bị viêm ruột (thể mạn tính) hoặc rối loạn hệ tiêu hóa: những đối tượng này thường có khả năng hấp thu hàm lượng muối mật rất kém nên rất dễ sản sinh sỏi.

  • Những đối tượng có người thân từng bị bệnh sỏi mật.

  • Những người giảm cân đột ngột.

  • Đối tượng ít vận động, chẳng hạn như do tính chất công việc buộc phải ngồi nhiều (làm việc văn phòng), ít đi lại hoặc người thực vật.

  • Những ai thường xuyên bị táo bón dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn tồn tại trong đường ruột phát triển mạnh hơn. Theo thời gian, chúng dần tấn công và gây viêm tá tràng kèm theo một số bệnh lý liên quan đến túi mật.

  • Những người mắc một số bệnh lý như tiểu đường, viêm gan, xơ gan, rối loạn chuyển hóa, rối loạn mỡ máu,...

  • Phụ nữ đang mang thai: khi thai nhi ngày một lớn hơn, nội tiết tố của mẹ bầu thường có nhiều thay đổi.

  • Những người thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hoặc sản phẩm có chức năng hạ Cholesterol thường có nguy cơ mắc bệnh khá cao.

6. Chi phí chữa bệnh

Sỏi mật thường không gây triệu chứng, nhưng đôi khi chúng có thể chặn dòng chảy của mật, gây viêm túi mật hoặc tuyến tụy. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất trong hầu hết các trường hợp sỏi mật có triệu chứng.

Chi phí cho một ca phẫu thuật cắt túi mật sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm phương pháp mổ, mức độ hiện đại của máy móc, thiết bị, các loại thuốc được sử dụng và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác.

Thông thường mổ nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) chi phí từ 2.678.000 đến 3.300.000đ/ca. Mổ nội soi lấy ống mật chủ chi phí từ 3.093.000đ đến 4.500.000đ/ ca. Mổ nội soi cắt túi mật chi phí khoảng 5.700.000 đ/ ca.

Người bệnh cần nắm rõ các chi phí cần thanh toán cho cuộc mổ cũng như lựa chọn các đơn vị có áp dụng chi trả bảo hiểm y tế để giảm nỗi lo chi phí./.

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com