Phình mạch máu não phát hiện bằng cách nào?

16:03, 09/03/2024

Phình mạch máu não là một căn bệnh nguy hiểm, tiến triển thầm lặng. Đây là tình trạng phình ra hay phồng lên ở một đoạn mạch máu não, thường xảy ra khi thành mạch máu bị yếu. Khi vỡ, gây nên chảy máu dưới nhện là một dạng tai biến mạch máu não rất nặng nề và tỷ lệ tử vong rất cao.

Nguyên nhân phình mạch máu não

Phình động mạch não là hiện tượng phồng lồi mạch máu trong não. Vì thành mạch quá mỏng, nên bất cứ thời điểm nào cũng có thể bị vỡ và máu sẽ tràn vào khoang ở xung quanh não dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.

Bệnh do một đoạn động mạch trên não bị phình tạo thành túi. Túi phình ngày càng to, thành túi mỏng dần và rất dễ vỡ. Khi chưa vỡ hầu như chúng không có biểu hiện gì và rất khó chẩn đoán vỡ có thể xảy ra khi nào.

Nguyên nhân của phình mạch não có thể do các bất thường bẩm sinh ở mạch máu não. Tình trạng này cũng có thể xuất hiện phổ biến hơn ở những người vận động quá sức, tác động trực tiếp đến cấu trúc và hoạt động của mạch máu não. Ngoài ra lạm dụng các thức uống có chất kích thích như rượu, bia, thường xuyên hút thuốc lá liên tục… có thể làm gia tăng nguy cơ bị phình mạch máu não.

Túi phình mạch não hình thành còn do tổn thương vi mô thành động mạch (xơ vữa động mạch) hay gặp ở những người bị tăng huyết áp, nghiện ma túy đặc biệt cocain, người bị thiếu hụt estrogen, phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh,…

Hình ảnh phình mạch máu não.
Hình ảnh phình mạch máu não.

Dấu hiệu phình mạch máu não

Thông thường đa số túi phình mạch não nhỏ thường không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt, tuy nhiên một số trường hợp có thể đè ép vào các mô não và thần kinh gây đau ở trên và phía sau mắt, thay đổi thị lực, tê yếu hoặc liệt mặt một bên, sụp mi.

Ở một số trường hợp, túi phình không vỡ nhưng bị rò rỉ một lượng máu nhất định ra ngoài, gây nên triệu chứng đau đầu. Nếu các túi phình bị vỡ, người bệnh sẽ cảm thấy đau đầu đột ngột và cực kỳ nghiêm trọng, kèm theo một số triệu chứng như:

  • Hoa mắt

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa

  • Cứng cổ

  • Nhạy cảm với ánh sáng

  • Co giật

  • Mất ý thức

  • Thậm chí tim ngừng đập…

Nếu sống sót, người bệnh có thể bị di chứng nặng nề như liệt, rối loạn ý thức, sống thực vật,… phải sống lệ thuộc vào sự chăm sóc của người khác, mất khả năng lao động và nhất là kiệt quệ về kinh tế do phải điều trị kéo dài.

Như vậy, nếu thấy có các biểu hiện: 

  • Đau phía trên và sau mắt; 

  • Thị lực bị thay đổi; 

  • Liệt một bên mặt; 

  • Đồng tử giãn; 

  • Sụp mi… hãy nghĩ đến rất có thể bị phình mạch máu não và cần đi khám ngay lập tức.

Để chẩn đoán phình mạch máu não ngoài việc khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định chụp mạch máu não sẽ phát hiện túi phình, vị trí khích thước và hình dạng của túi phình. Các phương phát chẩn đoán hình ảnh hay được sử dụng hiện nay là:

  • Chụp cắt lớp vi tính mạch máu não (CTA)

  • Cộng hưởng từ MRA

  • Chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA là tiêu chuẩn vàng)

Điều trị phình mạch máu não

Theo thống kê, túi phình mạch máu não vỡ có tỉ lệ tử vong trước khi đến bệnh viện là 10-15%. Túi phình mạch não đã vỡ không xử trí trong 24 giờ đầu tử vong là 25%, trong 30 ngày đầu là 50%. Túi phình mạch não vỡ tái phát tỉ lệ tử vong tàn tật lên đến 60% – 80%. Vì vậy, đây là bệnh lý cần phải cấp cứu, can thiệp ngay nhằm phòng vỡ tái phát.

Mục tiêu trong điều trị cho bệnh nhân phình mạch máu não chưa vỡ là ngăn chặn vỡ túi phình. Với những túi phình đã vỡ gây xuất huyết não thì điều trị túi phình nhằm ngăn chặn xuất huyết não lần 2. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp như: phẫu thuật kẹp túi phình, can thiệp nút coil mạch máu não,… để đem lại kết quả cao cho người bệnh./.

Theo suckhoedoisong.vn


Từ khóa:

Phình mạch máu não

phát hiện


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com