Nhằm kế thừa và phát huy tinh hoa y học cổ truyền dân tộc, đặc biệt là giữ gìn, phát huy các bài thuốc quý, những năm qua, các cấp Hội Đông y trong tỉnh không ngừng củng cố và phát triển tổ chức Hội, hội viên, nâng cao tay nghề, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Lương y Vũ Quốc Tuấn, phòng khám Vạn Xuân (thành phố Nam Định) sử dụng đèn hồng ngoại và máy điện châm chữa bệnh cho bệnh nhân. |
Hội Đông y tỉnh hiện có gần 900 hội viên. Hàng năm cán bộ, hội viên Hội Đông y tỉnh đã khám và điều trị trên 600 nghìn lượt bệnh nhân; tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh chiếm 70%, bệnh nhân giảm bệnh chiếm 20%; trong quá trình điều trị đã không để xảy ra sai sót về chuyên môn nên ngày càng tạo được niềm tin của người bệnh. Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Hội Đông y tỉnh và Hội Đông y các huyện, thành phố thường xuyên quan tâm củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ lương y, đẩy mạnh hoạt động phòng chẩn trị đông y các cấp, đa dạng hóa các mô hình chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các lương y luôn nêu cao tinh thần “lương y như từ mẫu”, gần gũi, giúp đỡ người bệnh, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, người lao động có thu nhập thấp; sử dụng dược liệu sạch, chất lượng cao, an toàn, không để xảy ra tai biến trong điều trị bệnh. Đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh cho nhân dân bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp với các thủ thuật không dùng thuốc để giảm chi phí cho người bệnh nhưng vẫn đạt kết quả cao trong điều trị như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, xông hơi và ngâm thuốc... Bên cạnh đó, nhiều phòng khám còn đầu tư các loại máy móc, trang thiết bị phục vụ quá trình khám, chữa bệnh cho bệnh nhân như: máy điện châm, máy xung điện, dụng cụ giác hơi… Phòng khám, chữa bệnh Vạn Xuân của anh Vũ Quốc Tuấn ở đường Minh Khai (thành phố Nam Định) chuyên khám, chữa các bệnh về thần kinh, xương khớp. Là thế hệ thứ 3 kế nghiệp nghề truyền thống gia đình, anh Tuấn đã tích cực sử dụng máy điện châm, máy xung điện, đèn hồng ngoại để điều trị, nâng cao hiệu quả chữa bệnh cho người bệnh. Hàng ngày, phòng khám tiếp nhận từ 15-20 người bệnh. Bệnh nhân đến điều trị tại cơ sở đều có sự thuyên giảm đáng kể. Ông Trần Văn Bình ở thành phố Nam Định bị đau cổ vai gáy và đau lưng, thường xuyên đến điều trị tại phòng khám Vạn Xuân cho biết: “Tôi năm nay đã hơn 80 tuổi nên hay bị đau nhức xương khớp mỗi khi “trái gió, trở trời”, nhất là phần lưng và cổ vai gáy. Để điều trị, tôi đã đến phòng khám để châm cứu, điện châm và chiếu đèn hồng ngoại. Sau mỗi lần điều trị, cơn đau nhức đã giảm đi đáng kể”. Lương y Nguyễn Trọng Hiên, chủ cơ sở khám, chữa bệnh Hồi Xuân, thị trấn Gôi (Vụ Bản) mỗi ngày tiếp nhận từ 25-30 lượt bệnh nhân. Bà Phạm Thị Tho ở thị trấn Gôi bị đau khớp gối nhiều ngày, khó khăn trong việc đi lại. Sau 1 tuần điều trị bằng thuốc kết hợp bấm huyệt, châm cứu... tình trạng đau khớp của bà đã giảm đáng kể. Bà Tho cho biết: “Tôi thấy chữa trị bằng phương pháp Đông y rất hiệu quả. Bác sĩ nhiệt tình chữa bệnh, niềm nở với bệnh nhân, phục vụ bệnh nhân rất chu đáo”.
Bên cạnh việc khám, chữa bệnh, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đông y còn nhận thái thuốc, nghiền thuốc, sắc thuốc sẵn thành dạng lỏng, hút chân không cho những người bệnh không có điều kiện thời gian để sắc thuốc. Tiêu biểu như phòng chẩn trị y học cổ truyền Hồng Quân ở đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Nam Định) của lương y Vũ Hồng Quân. Nhằm tiếp nối và phát triển nghề gia truyền của cha ông, nhiều năm nay, anh Quân đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh như: máy thái thuốc, máy nghiền thuốc, máy sấy, máy sắc thuốc, máy đóng túi… Mỗi ngày, cơ sở đón tiếp 15-30 lượt bệnh nhân. Người bệnh khi uống thuốc tại cơ sở đều có sự cải thiện về sức khỏe. Chị Nguyễn Thị Minh ở thành phố Nam Định do bận công việc không có điều kiện thời gian để tự sắc thuốc nên đã sử dụng dịch vụ thuốc sắc sẵn đóng túi của phòng khám. Chị Minh cho biết: “Thuốc được đóng gói vệ sinh, hút chân không, chất lượng đảm bảo nên tôi rất yên tâm. Qua thời gian sử dụng thuốc tôi thấy cơ thể có sự cải thiện. Với sự phát triển hiện đại của khoa học kỹ thuật, tôi thấy đây là một giải pháp hữu ích dành cho những người muốn chữa bệnh, uống thuốc đông y mà không có thời gian”.
Thời gian tới, bám sát sự chỉ đạo của ngành Y tế, Hội Đông y tỉnh tiếp tục chỉ đạo Hội Đông y các huyện, thành phố nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nhất là việc sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại kết hợp phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, xông hơi... Duy trì thường xuyên việc sử dụng các chế phẩm y học cổ truyền trong điều trị bệnh. Tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, khám, chữa bệnh, nuôi trồng, chế biến dược liệu… góp phần phát triển nền y học cổ truyền tương xứng với vai trò và tiềm năng sẵn có./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin