Giữ nét thanh xuân bằng cách chăm sóc da từ trong ra ngoài

09:45, 17/01/2024

Để có một làn da đẹp, trẻ trung cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý từ bên trong và chăm sóc da từ bên ngoài. Vậy cách chăm sóc da như thế nào là đúng?

Muốn giữ nét thanh xuân lâu dài, mỗi ngày cần chăm sóc da đầy đủ.
Muốn giữ nét thanh xuân lâu dài, mỗi ngày cần chăm sóc da đầy đủ.

1.Chăm sóc da qua chế độ ăn

Để có làn da khỏe và đẹp thì chăm sóc da qua chế độ dinh dưỡng rất quan trọng. Da khô xỉn, bong tróc, lão hóa sớm... không chỉ là do yếu tố tuổi tác và môi trường, mà một nguyên nhân cực kỳ quan trọng đó là thiếu dinh dưỡng.

Theo đó, các thành phần dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe và vẻ đẹp của làn da bao gồm:

- Vitamin C: Chúng ta nói nhiều về vitamin C, serum vitamin C thoa ngoài da để chống lão hóa, giảm nếp nhăn, giúp da mềm mại... Nhưng khi cơ thể được bổ sung vitamin C đầy đủ qua thực phẩm còn giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật.

Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin C sẽ khiến da khô, sần sùi, tăng sừng hóa ở nang lông. Đặc biệt làm cho da bị lão hóa sớm, xỉn màu, nám da, tàn nhang… Vì vậy hằng ngày nên bổ sung vitamin C qua chế độ ăn. Các loại quả giàu vitamin C như cam, bưởi, quýt, chanh, ổi, chuối, táo…

- Vitamin A: Có tính chất làm bong sừng nhẹ, giúp tăng cường quá trình đào thải các sắc tố có sẵn trên da nhanh hơn. Hơn nữa, vitamin A còn ức chế enzym tyrosinase - một enzym thúc đẩy sự sản sinh melanin. Khi tyrosinase bị ức chế sẽ giúp các mảng nám, tàn nhang, đốm đồi mồi mờ đi. Vitamin A còn được biết có tác dụng ngăn chặn quá trình lão hóa da sớm.

Các thực phẩm giàu vitamin A như trứng, gan, sữa, cà rốt, đu đủ, bí ngô, xoài, gấc, khoai tây, khoai lang, súp lơ xanh, cải bó xôi...​​​​​​

Vitamin E: Có tác dụng chống oxy hóa, chống lại các gốc tự do liên quan đến một loạt tình trạng sức khỏe như lão hóa sớm, ung thư. Chế độ ăn giàu vitamin E giúp tăng cường sức khỏe và có làn da đẹp hơn. Các thực phẩm giàu vitamin E như quả bơ, giá đỗ, dầu thực vật, cải bó xôi, cá béo...

- Chất sắt: Thiếu máu do thiếu sắt khiến da trở nên nhợt nhạt, xanh xao, kém sáng, dễ bị tổn thương. Vì thế, chế độ ăn giàu chất sắt sẽ phòng ngừa thiếu máu, cải thiện sắc tố để da hồng hào và tươi sáng hơn. Thực phẩm giàu sắt gồm lòng đỏ trứng, các loại hạt, động vật có vỏ, rau lá xanh đậm...

- Uống đủ nước: Các tế bào da cũng có thành phần cấu tạo là nước. Khi thiếu nước da sẽ bị nhăn nheo, khô, nứt nẻ, xỉn màu... Uống đủ nước sẽ ngăn chặn được các nếp nhăn trên da, hạn chế mụn, giúp da mềm mại tươi sáng…

Mỗi ngày nên uống 2-2,5 lít nước, chia thành 8 cốc/ngày. Không nên uống một lúc quá nhiều nước, không nên để khi cơ thể cảm thấy khát mới uống nước. Thói quen này sẽ giúp da được cung cấp đủ nước từ bên trong, cải thiện tình trạng da khô và đẩy lùi các nguy cơ mắc chứng bệnh ngoài da hiệu quả. Không uống nước ngọt đóng chai chứa nhiều đường, gas...

- Ngủ đủ giấc: Ngủ khoảng 7-8 tiếng/ngày rất tốt cho sức khỏe của làn da. Thời gian từ 23 giờ đến 1 giờ sáng là thời điểm mà tế bào da tái tạo nhanh nhất, do đó nên đi ngủ trước 23 giờ và tỉnh dậy trước 7 giờ là tốt nhất.

2. Chăm sóc da từ bên ngoài

- Làm sạch da: Đây là bước cực kỳ quan trọng. Không chỉ da mặt mà da đầu, da tay, mà da toàn thân đều cần được làm sạch hằng ngày để loại bỏ bụi bẩn, tế bào da chết, chất bã nhờn và lớp trang điểm... giúp lỗ chân lông thoáng đãng, hạn chế mụn, da khô, lỗ chân lông to, da nhanh lão hóa.

Đối với da mặt, nên dùng kem tẩy trang, sữa rửa mặt phù hợp với type da. Không nên dùng khăn rửa mặt mà nên dùng tay sạch nhẹ nhàng massage đều theo chiều từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài. Sau khi làm sạch da mặt xong thì nhẹ nhàng thấm khô bằng khăn bông sạch, mềm, thấm hút tốt.

Đối với da toàn thân, dùng sữa/gel tắm (không nên dùng xà phòng thơm) dịu nhẹ, ít mùi thơm, không chất bảo quản, phù hợp với type da.

Chăm sóc da mặt: Sau bước làm sạch thì dùng toner hoặc nước hoa hồng để cân bằng da. Khi da còn ẩm, thoa serum, kem dưỡng ẩm dùng cho ban đêm. Khi thoa kem bạn nên dùng đầu ngón tay vỗ vỗ nhẹ trên da. Sau đó chà xát 2 bàn tay với nhau để tạo đô ẩm rồi áp nhẹ lên má (khoảng 10 lần) để giúp các dưỡng chất thẩm thấu tốt hơn vào da.

- Đắp mặt nạ: Mỗi tuần chỉ đắp mặt nạ 2-3 lần. Có thể sử dụng mặt nạ giấy, mặt na từ các nguyên liệu tự nhiên... Đắp mặt nạ giúp phục hồi, tái tạo tế bào da, giúp da thư giãn.

Ngoài chăm sóc da mặt, nên chú ý chăm sóc phần da cổ, da ngực, da tay. Những vùng da này cũng rất dễ bị lão hóa do tiếp xúc với môi trường nhiều và dễ "tố cáo" tuổi của bạn nếu không chú ý chăm sóc. Vùng da cổ, da ngực có thể chăm sóc bằng các loại kem dưỡng như khi dưỡng da mặt.

- Chăm sóc da tay: Với đôi tay thường xuyên phải làm việc, tiếp xúc với hóa chất (xà phòng, dầu gội, nước rửa bát, nước tẩy rửa vệ sinh...) sẽ khiến da tay dễ bị khô và lão hóa nhất. Khi phải làm việc với hóa chất, cần đeo găng tay cao su bảo hộ.

Nên chọn xà phòng rửa tay phù hợp dành cho da nhạy cảm với tinh chất dưỡng ẩm cao được chiết xuất từ thiên nhiên để rửa tay hàng ngày. Chỉ rửa tay với nước ấm vừa phải, khoảng 20 độ C để da không bị lạnh hoặc nóng - là điều kiện khiến da tay khô nẻ. Dùng khăn bông mềm để thấm khô da tay, tuyệt đối không nên chà xát mạnh.

Sau đó dùng kem dưỡng ẩm dùng cho da tay. Mỗi ngày có thể thoa kem dưỡng da tay 3-4 lần, hoặc ngay sau khi rửa sạch tay. Kết hợp massage da tay trước khi đi ngủ để máu lưu thông và các dưỡng chất thẩm thấu vào da được tốt hơn.

Cuối cùng, đừng quên dùng kem chống nắng cho da vào ban ngày, bao gồm tất cả các vùng da hở, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, môi trường...

Theo suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com