Viêm là phản ứng có lợi của cơ thể để chống lại tác nhân gây nhiễm trùng và tăng tốc độ chữa lành. Tuy nhiên, tình trạng viêm kéo dài có thể gây bệnh nguy hiểm. Vậy, biện pháp ngăn ngừa viêm mạn tính là gì?
Tình trạng viêm kéo dài có thể gây nhiều bệnh mạn tính. |
1. Hậu quả của tình trạng viêm mạn tính
TS. Pramod Kadam, chuyên gia phẫu thuật tổng hợp tại Ấn Độ cho biết, viêm là một phản ứng tự nhiên của hệ thống miễn dịch của cơ thể để bảo vệ chống lại các kích thích có hại, chẳng hạn như nhiễm trùng, chấn thương và độc tố...
Tuy nhiên, tình trạng viêm mạn tính hoặc quá mức có thể gây ra những tác động bất lợi cho cơ thể. Cụ thể:
- Gây đau và khó chịu: Viêm thường dẫn đến đau, sưng và đỏ ở vùng bị ảnh hưởng. Đây là cách cơ thể báo hiệu có điều gì đó không ổn và bạn cần chú ý.
- Chức năng bị suy giảm, tổn thương mô: Các mô bị viêm có thể không hoạt động bình thường trong trường hợp viêm mạn tính. Ví dụ, các khớp bị viêm có thể dẫn đến giảm khả năng vận động và cứng khớp.
Trong trường hợp viêm mạn tính, các mô và cơ quan khỏe mạnh có thể bị tổn thương theo thời gian, góp phần gây ra nhiều bệnh lý và tổn thương khác nhau.
- Gây bệnh mạn tính: Viêm kéo dài hoặc viêm toàn thân có liên quan đến một loạt bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim mạch, đái tháo đường và rối loạn tự miễn dịch.
- Phản ứng miễn dịch suy yếu, cơ thể mệt mỏi: Trong một số trường hợp, tình trạng viêm mạn tính có thể ức chế khả năng chống lại nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch, khiến người bệnh dễ mắc bệnh hơn.
TS. Kadam cho biết, tình trạng viêm mạn tính thường liên quan đến cảm giác mệt mỏi và khó chịu. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hoạt động hàng ngày nói chung.
2. Nguyên nhân gây viêm mạn tính trong cơ thể?
- Rối loạn tự miễn dịch: Rối loạn tự miễn dịch là tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh, dẫn đến viêm mạn tính. Nhiều bệnh tự miễn dịch có thể gặp như viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ hệ thống…
- Thay đổi nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố trong suốt cuộc đời của người phụ nữ có thể ảnh hưởng đến tình trạng viêm. Chu kỳ kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh là những giai đoạn có sự thay đổi nội tiết tố đáng kể có thể góp phần gây ra các triệu chứng liên quan đến viêm.
- Căng thẳng mạn tính: Căng thẳng tâm lý có thể gây ra tình trạng viêm trong cơ thể. Phụ nữ thường phải đối mặt với những căng thẳng đặc biệt liên quan đến áp lực công việc, gia đình và xã hội, có thể dẫn đến tình trạng viêm mạn tính nếu không được kiểm soát hiệu quả.
- Chế độ ăn uống và dinh dưỡng không hợp lý gây viêm mạn tính: Một chế độ dinh dưỡng nghèo nàn với nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đường và chất béo không lành mạnh có thể dẫn đến tình trạng viêm mạn tính. Đó là lý do tại sao ăn uống lành mạnh là một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất.
Ngoài ra, béo phì, thay đổi nội tiết tố (đặc biệt ở phụ nữ) là một yếu tố quan trọng gây ra các vấn đề sức khỏe liên quan đến viêm mạn tính.
3. Những cách giảm viêm mạn tính trong cơ thể
- Thực hiện chế độ ăn chống viêm: Để giảm viêm, hãy tăng cường ăn acid béo omega 3, có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm như cá béo (cá hồi, cá thu, cá mòi), hạt lanh và quả óc chó.
Ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trái cây và rau quả (quả mọng, rau lá xanh và các sản phẩm nhiều màu sắc)
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều đường tinh luyện, chất béo không lành mạnh và các chất phụ gia như khoai tây chiên, đồ ngọt…
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp giảm viêm bằng cách điều chỉnh hệ thống miễn dịch và cải thiện sức khỏe tổng thể. Bạn nên thực hiện 150 phút/tuần hoạt động thể chất cường độ trung bình hoặc 75 phút/tuần hoạt động thể chất cường độ cao để tăng cường khả năng chống viêm của cơ thể.
- Quản lý căng thẳng và cân nặng: Căng thẳng mạn tính có thể góp phần gây ra chứng viêm, vì vậy bạn cần quản lý tốt tình trạng này để ngăn ngừa viêm nhiễm mạn tính. Bạn có thể thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, tập thở sâu và chánh niệm.
Bên cạnh đó, bạn nên duy trì cân nặng ở mức BMI từ 18-22.9 để ngăn ngừa tích tụ mỡ và giảm viêm mạn tính.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm giúp cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi, từ đó ngăn ngừa tình trạng viêm mạn tính do ngủ kém và ngủ không đủ giấc có nguy cơ cao dẫn đến viêm.
Để ngủ đủ giấc, bạn nên thực hiện vệ sinh giấc ngủ, đi ngủ vào một giờ cố định mỗi tối, tạo không gian ngủ thích hợp như yên tĩnh, ánh sáng tối…
Theo suckhoedoisong.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin