Trong điều kiện thời tiết thay đổi liên tục như hiện nay, các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm ngày càng phổ biến. Bên cạnh việc sử dụng thuốc tây y, các vị thuốc đông y cũng được sử dụng chữa cảm cúm do đặc tính tự nhiên và dễ tiếp cận của chúng.
Bạc hà có tác dụng trừ phong nhiệt, chữa cảm cúm. |
1. Các triệu chứng chính của cảm cúm
Cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, chủ yếu lây qua đường hô hấp vào mùa đông xuân. Có hai chủng virus chính gây cảm cúm là virus cúm A và cúm B. Bệnh thường bắt đầu nhanh chóng và có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu.
Triệu chứng của cảm cúm thường bao gồm:
- Sốt cao: Thường xuyên sốt trên 38°C hoặc cao hơn.
- Ớn lạnh và vã mồ hôi: Cảm giác lạnh run và đổ mồ hôi nhiều.
- Viêm họng: Đau họng, khó nuốt và ho khan thường xuyên.
- Đau đầu: Đau đầu cùng với cảm giác mệt mỏi.
- Đau cơ: Đau hoặc mỏi cơ khắp cơ thể.
- Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi nhanh, thiếu sức sống.
2. Các vị thuốc đông y điều trị cảm cúm
2.1.Bạc hà
Bạc hà được biết đến với hương thơm sảng khoái, ngoài việc làm gia tăng hương vị cho các món ăn còn có thể được dùng như một vị thuốc.
Bạc hà có vị cay, mát, không độc, quy vào kinh phế và can, có tác dụng trừ phong nhiệt, làm ra mồ hôi, dùng chữa cảm sốt, cảm cúm, làm giảm đau đầu, giảm ngạt mũi.
Theo nghiên cứu, bạc hà còn điều trị chứng kém ăn, ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài.
Liều lượng: 4 - 8g mỗi ngày, sử dụng lá và toàn cây, ăn sống.
2.2. Bạch chỉ
Bạch chỉ là rễ phơi hay sấy khô của cây bạch chỉ hoặc của cây xuyên bạch chỉ. Đông y coi bạch chỉ là vị thuốc có vị cay, tính ôn, vào ba kinh phế, vị và đại tràng. Bạch chỉ thường được dùng làm thuốc giảm đau, chữa nhức đầu, cảm mạo, hoa mắt, đau răng; làm thuốc cầm máu, đại tiện ra máu, chảy máu cam.
Liều lượng: Ngày dùng 5 - 10g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột, chia làm nhiều lần uống, mỗi lần uống 1 - 2g.
Hành có tác dụng hoạt huyết, chữa các chứng cảm. |
2.3. Hành
Hành có nhiều tên gọi, còn được gọi là hành hoa, đại thông, thông bạch hay tứ quý thông. Hành là một vị thuốc rất thông dụng trong nhân dân. Trong các tài liệu cổ, hành có vị cay, bình mà không độc.
Hành có tác dụng hoạt huyết, dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa đau răng, chữa các chứng sốt, cảm, nhức đầu. Ngoài ra, còn làm an thai, sáng mắt.
Hiện nay người ta còn cho rằng hành có tác dụng kích thích thần kinh, làm tăng sự bài tiết dịch tiêu hóa, có thể dùng để phòng ký sinh trùng đường ruột. Theo nghiên cứu, tinh dầu hành có chứa allicin là một chất dầu không màu có tác dụng diệt khuẩn rất mạnh.
Khi bị cảm mạo đau nhức cơ thể, đau đầu thì có thể dùng hành giã nát, thêm nước sôi vào rồi xông, hoặc cho hành vào cháo nóng mà ăn sẽ chóng khỏi. Mỗi lần có thể dùng với liều 30 - 60g dưới hình thức thuốc sắc hay giã nát ép lấy nước uống.
2.4. Kinh giới
Kinh giới là toàn cây (trừ rễ) kinh giới phơi hay sấy khô, gồm cả cành, hoa và lá. Theo tài liệu cổ, kinh giới có vị cay, tính ôn, quy vào hai kinh phế và can. Kinh giới có tác dụng phát biểu khứ phong, lợi yết hầu, thanh nhiệt.
Kinh giới được dùng trong nhân dân làm thuốc chữa cảm mạo, phát sốt, nhức đầu, cổ họng sưng đau, nôn mửa. Kinh giới sao đen còn chữa chảy máu cam, đi lỵ ra máu, băng huyết.
Liều dùng là 6 đến 12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Những trường hợp biểu hư tự hãn (tự ra mồ hôi) thì không nên dùng kinh giới.
2.5. Phòng phong
Phòng phong theo như tên gọi là một vị thuốc rất hay được dùng để chữa các chứng bệnh do gió gây ra (phong là gió, phòng là phòng bị). Theo đông y, phòng phong có vị cay ngọt, tính ôn, không độc vào các kinh bàng quang, can, phế và vị.
Phòng phong chữa cảm mạo. |
Tác dụng: Khu phong, trừ thấp, là thuốc chữa cảm mạo biểu chứng ra mồ hôi, dùng chữa nhức đầu, choáng váng, mắt mờ, đau các khớp xương.
Ngày dùng 4 -10g dưới dạng thuốc sắc.
2.6. Húng quế
Húng quế là một loại cây thường được dùng làm rau gia vị ở nước ta. Để làm thuốc, người ta chỉ hái lá và ngọn phơi hay sấy khô. Húng quế có thể sắc uống chữa cảm sốt, làm cho ra mồ hôi, chữa đau dạ dày, ăn uống không tiêu, thông tiểu, nấu nước súc miệng, làm thuốc ngậm chữa sâu răng.
Húng quế chữa cảm sốt. |
Mỗi ngày uống từ 10 - 25g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha.
Mẹo sử dụng bài thuốc trị cảm cúm: Lá bạc hà 6g, kinh giới 6g, phòng phong 5g, bạch chỉ 4g, hành hoa 6g. Chuẩn bị trà thảo dược bằng cách đổ nước sôi vào chờ 20 phút, uống khi còn nóng.
3. Các phương pháp điều trị cảm cúm không dùng thuốc khác
Ngoài việc sử dụng thuốc, có một số phương pháp tự nhiên có thể giúp giảm nhẹ và giảm thời gian mắc cảm cúm:
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Nghỉ ngơi là yếu tố quan trọng giúp cơ thể hồi phục và đánh bại virus.
- Uống nhiều nước: Giữ cơ thể luôn được cung cấp đủ nước để giúp loại bỏ độc tố và duy trì sức khỏe tốt.
- Dùng muối sinh lý hoặc xịt muối nước biển: Đây là cách hữu ích để làm sạch mũi và họng, giúp giảm vi khuẩn và virus.
- Súc miệng nước muối: Súc miệng với hỗn hợp nước ấm và muối có thể giúp làm sạch họng và giảm vi khuẩn.
4. Cách phòng ngừa nhiễm cảm cúm
Các biện pháp phòng ngừa là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa cảm cúm:
- Rửa tay thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây để loại bỏ vi khuẩn và virus.
- Tránh tiếp xúc gần với người bị cảm cúm: Tránh tiếp xúc gần với những người bị cảm cúm để tránh lây lan.
- Đảm bảo ăn uống lành mạnh: Ăn uống cân đối, giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch.
- Uống đủ nước và tập thể dục đều đặn: Duy trì cơ thể khỏe mạnh giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn và chống lại virus./.
Theo suckhoedoisong.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin