Sau khi được công nhận loại trừ bệnh phong trên quy mô cấp tỉnh năm 2005, hoạt động phòng, chống bệnh phong - da liễu của tỉnh tiếp tục được duy trì và đạt được kết quả tốt. Ngành Y tế đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí tiến tới loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh.
Bác sĩ khám sàng lọc bệnh phong cho người bệnh tại Bệnh viện Da liễu tỉnh. |
Bệnh phong là một bệnh nhiễm trùng dai dẳng do nhiễm vi khuẩn phong gây ra những thương tổn chủ yếu đối với da và thần kinh ngoại biên. Đường lây của vi khuẩn phong là qua vết trầy xước trên da, qua niêm mạc do hít phải những giọt nhầy mũi có chứa nhiều vi khuẩn. Bệnh phong có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, đều gây tổn thương da và thần kinh. Dấu hiệu sớm của bệnh là xuất hiện những mảng thay đổi màu sắc da (dát trắng, dát hồng, dát thâm), kèm mất cảm giác đau, nóng lạnh, sờ mó (hay gặp trong thể phong bất định). Các thể muộn hơn xuất hiện trên da các củ có thể sắp xếp thành đám, mảng ranh giới rõ rệt, bờ nổi cao lên mặt da, trung tâm lõm xuống hoặc lên sẹo (thường gặp trong phong củ). Ngoài thương tổn da có thể có viêm dây thần kinh ngoại biên và các biểu hiện do tổn hại chức năng. Viêm dây thần kinh dẫn đến rối loạn chức năng thần kinh như: mất cảm giác, yếu cơ, liệt, giảm tiết mồ hôi, nặng hơn nữa gây ra các khuyết tật ở mắt, tay, chân với nhiều mức độ. Bệnh không gây chết người nhưng nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể để lại những khuyết tật, di chứng trầm trọng. Hiện nay, bệnh phong đã được chữa khỏi và không còn là bệnh nan y, được điều trị miễn phí, điều trị ngoại trú tại nhà (không cần phải cách ly vì bệnh nhân phong sau khi uống thuốc 5 ngày đã không còn khả năng lây bệnh nữa)…
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Da liễu tỉnh, toàn tỉnh hiện đang quản lý 135 bệnh nhân phong, trong đó có 90 bệnh nhân phong bị khuyết tật (cụt rụt ngón tay, ngón chân, chân lết…). Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả Chương trình loại trừ bệnh phong, hàng năm Bệnh viện đều xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động phòng, chống phong - da liễu trên địa bàn toàn tỉnh. Rà soát và giao các chỉ tiêu chuyên môn cho tuyến dưới, đồng thời thường xuyên đôn đốc kiểm tra tuyến dưới thực hiện việc quản lý, giám sát, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân phong tại nhà. Mạng lưới phòng, chống phong - da liễu trên địa bàn tỉnh được duy trì, củng cố từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Bệnh viện Da liễu tỉnh có đội ngũ cán bộ, bác sĩ có bề dày kinh nghiệm chống phong. Mạng lưới chuyên khoa Da liễu được lồng ghép vào mạng lưới y tế đa khoa các cấp. Trạm Y tế của 226 xã, phường, thị trấn đều có cán bộ phụ trách công tác phòng, chống bệnh phong - da liễu. Hàng năm, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên phụ trách công tác phòng, chống bệnh phong - da liễu được tập huấn về chuyên môn. Từ năm 2022 đến nay, Bệnh viện Da liễu tỉnh đã tổ chức 22 lớp tập huấn kiến thức cơ bản trong khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh phong, cách thức tiến hành khám điều tra bệnh phong và các hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế tham gia công tác phòng, chống bệnh phong - da liễu của 10 huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn. Qua đó, đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, khám điều tra nhằm phát hiện chủ động bệnh nhân phong mới ngay từ cơ sở; thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân phong tại nhà. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tuyên truyền, giáo dục về y tế, về phòng, chống bệnh phong cho 800 nghìn lượt người, nâng cao nhận thức của người dân về bệnh phong.
Cùng với công tác tuyên truyền, hàng năm Bệnh viện Da liễu tỉnh phối hợp với các địa phương triển khai khám điều tra nhằm phát hiện chủ động bệnh nhân phong mới. Riêng năm 2022, tổ chức khám điều tra cơ bản cho 196,5 nghìn lượt người, khám tiếp xúc cho 1.680 lượt người; từ đầu năm 2023 đến nay đã khám điều tra cơ bản cho 129 nghìn lượt người, khám tiếp xúc cho 870 lượt người. Tính từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh phát hiện được 3 ca bệnh nhân phong mới. Cả 3 bệnh nhân đều đã hoàn thành đa hóa trị liệu và đang giám sát sau điều trị. 100% bệnh nhân phong được quản lý, giám sát, theo dõi và chăm sóc bệnh nhân phong tại nhà; được khám bệnh và điều trị tại nhà 2 lần/năm. Bệnh nhân phong tàn tật được cung cấp đầy đủ thuốc, giày phòng chống tàn tật theo Chương trình khám điều tra cơ bản, quản lý và chăm sóc bệnh nhân tàn tật do phong.
Từ các hoạt động phòng, chống phong - da liễu, đến nay các chỉ số dịch tễ phát hiện bệnh nhân phong mới và chỉ số lưu hành đã giảm, dưới 1/100.000 dân, thể hiện tính hiệu quả và bền vững của hoạt động phòng, chống bệnh phong. Nhằm chủ động phòng chống, giảm tỷ lệ mắc mới, giảm tỷ lệ tàn tật ở bệnh nhân phong, tiến tới đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh, Bệnh viện Da liễu tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện của tỉnh giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu, 100% các huyện đạt loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện theo thông tư số 17/2013/TT-BYT ngày 6-6-2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế gồm 4 tiêu chí: không có người bệnh phong mới trong 3 năm liên tục tục (Trong 3 năm liên tục tính đến thời điểm kiểm tra có tỷ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,2/10.000 dân); 100% người bệnh phong khuyết tật được chăm sóc khuyết tật và phục hồi chức năng; 100% người bệnh phong được hòa nhập cộng đồng và không có sự phân biệt đối xử, kỳ thị người bệnh phong; 100% người bệnh phong nghèo có khuyết tật đặc biệt nặng hoặc khuyết tật nặng có nhà ở. Phấn đấu trong năm 2023, các huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng và thành phố Nam Định đạt loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện. Để đạt mục tiêu đề ra, công tác loại trừ bệnh phong cần tiếp tục được sự quan tâm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể liên quan tại địa phương. Duy trì, củng cố mạng lưới và đội ngũ làm công tác phong ở cả 3 tuyến (tỉnh, huyện, xã); tăng cường công tác đào tạo mới và đào tạo lại cho cán bộ chuyên trách tuyến huyện, xã kiến thức cơ bản về bệnh phong cũng như các kỹ năng giáo dục truyền thông phòng, chống bệnh phong. Tăng cường công tác khám phát hiện bệnh phong tại cộng đồng; đẩy mạnh phòng, chống tàn tật, phục hồi chức năng... giúp bệnh nhân phong tái hòa nhập cộng đồng./.
Bài và ảnh: Minh Tân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin