Hiện nay, miền Bắc đã bước sang giai đoạn mùa thu - đông, thời tiết giao mùa cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi-rút gây bệnh phát triển, nguy cơ làm dịch bệnh bùng phát, lây lan trong cộng đồng; nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM), đau mắt đỏ (ĐMĐ), sởi, rubella, thủy đậu, bạch hầu, cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi).
Hướng dẫn cách rửa mặt, vệ sinh tay, chân phòng, chống dịch đau mắt đỏ, dịch tay chân miệng cho học sinh tại Trường Mầm non 8-3 (thành phố Nam Định). |
Theo thông tin từ Sở Y tế, từ ngày 25-9 đến 1-10-2023, toàn tỉnh ghi nhận 77 ca mắc/nghi mắc SXH. Tổng số ca mắc/nghi mắc SXH từ đầu năm đến nay là 571 ca, trong đó có 442 ca bệnh xác định (226 ca bệnh ngoại lai, 217 ca nội địa), tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện tại toàn tỉnh có 90 ổ dịch SXH ở tất cả 10 huyện, thành phố; 151 xã, phường, trị trấn có ca mắc/nghi mắc SXH; đông nhất là Hải Hậu 30 ổ dịch, Trực Ninh 12 ổ dịch, Xuân Trường 12 ổ dịch và thành phố Nam Định 15 ổ dịch.
Tại huyện Hải Hậu, dịch SXH đang có nhiều diễn biến phức tạp; lũy kế từ đầu năm đến nay có 119 ca mắc SXH. Trong đó, nhiều ca mắc SXH (nội địa và ngoại lai) tại các địa phương: Hải Anh, Hải Trung, Hải Nam, Hải Triều, Hải Cường, Hải Giang, Hải Phương, Hải Tây, Hải Tân, Hải Thanh, thị trấn Yên Định… Đồng chí Hoàng Văn Chiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu cho biết: Bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh. Dự báo trong tháng 10 và 11, số mắc SXH tiếp tục gia tăng và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bệnh viện chủ động xây dựng các phương án tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân; tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH của Bộ Y tế tại Quyết định số 2760/QĐ-BYT ngày 4-7-2023. Tăng cường theo dõi người bệnh SXH đang nằm điều trị nội trú, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca SXH có diễn biến nặng. Bảo đảm đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Huyện Xuân Trường đang có 12 ổ dịch SXH với 53 ca mắc SXH. Đồng chí Trần Văn Vỵ, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: Để chủ động phòng, chống, quyết tâm không để dịch SXH bùng phát, lan rộng và kéo dài, UBND huyện đã ban hành Công văn số 698, chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng, chống. Trung tâm Y tế huyện, trạm y tế 20 xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch.
Cùng với bệnh SXH, tại Nam Định, chỉ tính riêng trong 7 ngày gần đây, ghi nhận 97 ca mắc TCM; nhiều nhất là thành phố Nam Định (47 ca), Nam Trực (12 ca), Trực Ninh (11 ca), Nghĩa Hưng (10 ca), Vụ Bản (7 ca)… Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 540 ca bệnh TCM. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Bệnh TCM có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. TCM là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính, với các dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da dưới dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Trong đó, chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng, dễ gây các biến chứng và có thể dẫn tới tử vong.
Ngoài ra, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, số ca mắc ĐMĐ cũng tăng lên đột biến. Theo thông tin từ Bệnh viện Mắt Nam Định, số lượng bệnh nhân tới khám mắt tại bệnh viện những ngày qua tăng cao, trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận từ 90-150 người đến khám, trong số đó có 35-50% trường hợp là ĐMĐ. Bác sĩ Đặng Xuân Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Mắt Nam Định cho biết: ĐMĐ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi-rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Dịch ĐMĐ thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân hoặc qua đồ dùng cá nhân, đồ chơi, khăn tay nhiễm nguồn bệnh, nước bị nhiễm khuẩn, nhất là nước ở các hồ bơi, bể bơi... ĐMĐ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, và nếu nguyên nhân do vi-rút thì cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Đồng chí Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện Quyết định số 2760/QĐ-BYT ngày 4-7-2023 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue, cuối tháng 8-2023, Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức lớp tập huấn cập nhật chẩn đoán và điều trị SXH Dengue cho 80 bác sĩ, điều dưỡng trong tỉnh. Sở Y tế đã ban hành Công văn số 1670/SYT-NVY chỉ đạo “Tăng cường công tác phòng, chống, chẩn đoán, điều trị SXH”. Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường. Triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Tổ chức tốt việc giám sát côn trùng, chủ động các tuyến để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ để xử lý kịp thời.
Đối với dịch bệnh ĐMĐ, Sở Y tế có các văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, phương tiện để người dân tiếp cận được thông tin, hiểu biết các biện pháp phòng, chống bệnh ĐMĐ và chủ động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng; đặc biệt là các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nơi tập trung đông người. Trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh ĐMĐ tại địa phương, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch ĐMĐ. Đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn triển khai biện pháp phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường lớp học, cơ quan, công ty và cộng đồng; thực hiện điều trị, chuyển tuyến các trường hợp ĐMĐ theo quy định của Bộ Y tế./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin