Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong ba đường chính lây truyền HIV. Người mẹ có HIV có thể lây truyền vi-rút HIV sang con trong thời kỳ mang thai, khi sinh con và khi cho con bú. Nếu không được điều trị dự phòng, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con tới 30-40%, nhưng nếu được điều trị dự phòng thích hợp thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn dưới 5%. Những năm qua, tại tỉnh đã triển khai hiệu quả Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, giúp phụ nữ có HIV vẫn có thể mang thai và sinh con mạnh khỏe, an toàn, mang lại động lực lớn cho gia đình người nhiễm HIV/AIDS.
Tư vấn xét nghiệm phát hiện sớm nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Một trong những yêu cầu quan trọng là nâng cao nhận thức của cộng đồng để tránh kỳ thị, động viên người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng một cách an toàn, hợp tác hiệu quả trong điều trị. Ngành Y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhất là các cơ quan truyền thông, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức về kiến thức, lợi ích của Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; lợi ích của xét nghiệm HIV sớm, điều trị ARV sớm; triển khai gói dịch vụ can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Giới thiệu địa chỉ các cơ sở cung cấp biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền... như: tổ chức nói chuyện chuyên đề; tổ chức tọa đàm, thảo luận nhóm; phát hành tài liệu truyền thông có nội dung về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Cùng với đó, các cơ sở sản khoa tăng cường cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho các thai phụ. Các cơ sở y tế tập trung thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích tiếp cận sớm các dịch vụ, đặc biệt là tư vấn xét nghiệm phát hiện sớm nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ, các can thiệp dự phòng lây truyền và hiệu quả của các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Ngoài ra, ngành Y tế mở rộng các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế cho tất cả phụ nữ mang thai ngay từ lần đầu khi đến khám thai, tư vấn các can thiệp dự phòng cho các trường hợp nhiễm HIV để ngăn lây truyền từ mẹ sang con. Mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV tại tuyến xã, tư vấn xét nghiệm HIV lưu động, lồng ghép trong các tư vấn chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ. Nhờ đó, phụ nữ mang thai được cung cấp kiến thức về lây truyền HIV, chủ động tham gia xét nghiệm HIV ngày càng tăng. Không chỉ theo dõi chăm sóc trong thai kỳ mà tất cả trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều được tư vấn, chuyển tiếp, theo dõi, quản lý, điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) trong chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh có 11.897 phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm HIV, phát hiện 15 trường hợp dương tính với HIV. Thực hiện Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Bệnh viện Phụ sản tỉnh tiếp nhận, điều trị ARV dự phòng cho 15/15 phụ nữ mang thai có HIV; trong đó có 11 trường hợp chủ động xét nghiệm và điều trị ARV từ trước khi có thai; 2 trường hợp bắt đầu điều trị ARV trong thời kỳ mang thai; 2 trường hợp bắt đầu điều trị ARV trong khi chuyển dạ, đẻ. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 6.152 phụ nữ mang thai được tư vấn, xét nghiệm HIV, phát hiện 3 trường hợp dương tính với HIV và đều được điều trị ARV. Trong đó 2 trường hợp điều trị ARV từ trước khi có thai và 1 trường hợp bắt đầu điều trị ARV trong thời kỳ mang thai. 100% trẻ đẻ ra từ mẹ có HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và được chuyển gửi sang cơ sở điều trị HIV cho trẻ em tại Bệnh viện Nhi tỉnh. Tại đây trẻ được tiếp tục uống thuốc dự phòng lây truyền mẹ con đồng thời được dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ xét nghiệm PCR miễn phí để xác định tình trạng HIV với trẻ dưới 18 tháng tuổi. Kết quả trong 2 năm qua không phát hiện trường hợp trẻ sinh ra từ mẹ có HIV mà dương tính với HIV. Chị P.T.D, 30 tuổi, ở thành phố Nam Định cho biết, cách đây 5 năm chị phát hiện nhiễm HIV khi vào bệnh viện khám bệnh, chị và chồng rất mong có con nhưng chị rất lo con sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mình. Được tư vấn về dịch vụ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chị đã đăng ký và thực hiện điều trị ARV từ trước khi mang thai. Để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm HIV cho con trong quá trình chuyển dạ và sinh con, chị được chỉ định sinh mổ. Sau sinh, em bé được bú sữa ngoài hoàn toàn và uống thuốc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV. Đến nay, con chị P.T.D 3 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh, kết quả xét nghiệm âm tính với HIV.
Bác sĩ Vũ Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con thì việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm ARV là yếu tố có tính chất quyết định. Vì những đứa con khỏe mạnh, không nhiễm HIV, phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần đi làm xét nghiệm trước khi mang thai, hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ để được điều trị ARV càng sớm càng tốt nếu dương tính với HIV. Những phụ nữ có HIV mang thai khi tham gia chương trình được bác sĩ tư vấn các biện pháp bảo vệ sức khỏe, chăm sóc thai nghén, điều trị bằng thuốc kháng ARV, thực hành sản khoa an toàn… Đặc biệt, phụ nữ nhiễm HIV sẽ được hỗ trợ y tế trong suốt quá trình mang thai, sinh con. Cán bộ y tế sẽ luôn theo dõi sức khỏe, cung cấp cho bà mẹ nhiễm HIV những kiến thức cơ bản trong nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.
Điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con giúp giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ, mang lại hy vọng được làm mẹ cho những phụ nữ, hay những cặp vợ chồng nhiễm HIV. Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh truyền thông về lợi ích xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; làm tốt các hoạt động chăm sóc và điều trị cho trẻ sinh ra từ mẹ có HIV, hạn chế tối đa tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, hướng tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030./.
Bài và ảnh: Minh Tân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin