Quan tâm đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên

07:57, 19/12/2022

Từ đầu tháng 12 đến nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã phối hợp với các trường THPT: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) và Trần Văn Lan (Mỹ Lộc) tổ chức sinh hoạt chuyên đề về giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên cho hơn 2.100 học sinh. Trong buổi sinh hoạt chuyên đề, các em được chia sẻ, trao đổi về các chủ đề liên quan đến SKSS vị thành niên: Tuổi dậy thì; Tình bạn và tình yêu đôi lứa; Tình dục an toàn và đồng thuận; Mang thai, tránh thai; Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; Tảo hôn và hôn nhân cận huyết; Xâm hại tình dục trẻ em; Một số khái niệm về giới tính và giới; Những kiến thức, kỹ năng cơ bản về chăm sóc SKSS vị thành niên. Tại buổi sinh hoạt, các em học sinh mạnh dạn đặt câu hỏi với các cô chú cán bộ dân số các thắc mắc liên quan đến chăm sóc SKSS của vị thành niên cũng như tự tin chia sẻ với bạn bè những kiến thức của mình về SKSS vị thành niên. 

Sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định).
Sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định).

Lứa tuổi vị thành niên từ 10-18 tuổi là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em thành người trưởng thành. Ở giai đoạn này các em có đặc điểm tâm sinh lý đặc thù như thích thử nghiệm, thích khám phá năng lực bản thân, mở rộng mối quan hệ mới. Nhiều nghiên cứu xã hội chỉ ra rằng vị thành niên Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề về SKSS, sức khỏe tình dục (SKTD) như quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, lạm dụng các chất gây nghiện... Việc tuyên truyền chăm sóc SKSS cho trẻ vị thành niên có vai trò quan trọng, giúp các em được trang bị những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết, góp phần hình thành các hành vi phù hợp trước các vấn đề SKSS vị thành niên, chuẩn bị cho giai đoạn trưởng thành sau này. 

Nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi trong việc chăm sóc SKSS và giải quyết các vấn đề liên quan đến SKSS vị thành niên, những năm qua, tỉnh ta đã triển khai các chương trình, đề án tăng cường truyền thông, giáo dục, tư vấn, chăm sóc SKSS cho vị thành niên. Trong chương trình hoạt động hàng năm, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh đều phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động truyền thông nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về chăm sóc SKSS, chăm sóc SKTD, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn cho người dân nói chung, trong đó có lứa tuổi vị thành niên. Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, chăm sóc SKSS vào giờ ngoại khóa và tổ chức các câu lạc bộ chăm sóc SKSS cho học sinh. Các nội dung về dân số - SKSS, dân số và phát triển, giới và giới tính được đưa vào các chương trình giảng dạy chính thức trong nhà trường tích hợp trong các môn: Văn, Sinh vật, Giáo dục công dân đã bổ sung kiến thức phù hợp với nhu cầu tâm, sinh lý lứa tuổi và thuần phong mỹ tục ở các cấp học. Tiêu biểu như các trường THPT: Lê Hồng Phong, Nguyễn Huệ, Nguyễn Khuyến, Ngô Quyền, Lương Thế Vinh, Trực Ninh B, Hải Hậu A… Tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa với các mô hình hoạt động có hiệu quả như: Diễn đàn “Khi tôi 18”, “Thì thầm tuổi ô mai”, “Hãy hành động vì bé gái”, “Tình bạn - Tình yêu và giữ gìn nhân cách tuổi học trò”, phát tờ rơi về giáo dục giới tính, SKSS vị thành niên, các em học sinh thường xuyên được cung cấp các kiến thức về giáo dục giới tính, SKTD, chăm sóc SKSS. Qua đó, giúp các em học sinh nâng cao nhận thức, chuyển đổi các hành vi có lợi về SKSS, có kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm, sinh lý lứa tuổi, góp phần hoàn thiện thể chất, tinh thần, trí tuệ và nhân cách. Tỉnh Đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã tập trung tuyên truyền cho vị thành niên, thanh niên, đặc biệt thanh niên công nhân, các nội dung kỹ năng sống, sức khỏe của vị thành niên, cách để phòng tránh bị lạm dụng tình dục, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, tránh mang thai ngoài ý muốn… Các xã, thị trấn triển khai “Đề án tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”, thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia. Hội LHPN tỉnh thực hiện dự án “Tạo sự gắn kết”, thành lập các câu lạc bộ “Mẹ có con tuổi vị thành niên” và “Em gái tuổi vị thành niên” tại xã Nghĩa Hồng và thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng), góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về các vấn đề: giới, tình dục an toàn, SKSS của nữ giới tuổi vị thành niên. Việc tăng cường truyền thông trong trường học, tại cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của là học sinh THCS, THPT và người dân về chăm sóc SKSS vị thành niên; độ bao phủ của các dịch vụ chăm sóc SKSS được mở rộng, việc chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên từng bước được cải thiện. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên ở tỉnh ta thời gian qua gặp nhiều khó khăn như: Do phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc để phòng dịch COVID-19 nên việc triển khai các hoạt động   truyền thông về SKSS còn hạn chế. Việc giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe  cho lứa tuổi này ở một số địa phương, gia đình chưa được quan tâm đúng mức. Kiến thức, kỹ năng cơ bản về bảo vệ, chăm sóc SKSS của vị thành niên còn nhiều hạn chế; các em vẫn gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS. Cán bộ y tế tại cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn chưa đồng đều nên việc tư vấn cũng như cung cấp dịch vụ cho thanh, thiếu niên, nhất là các dịch vụ hữu ích và thân thiện, còn hạn chế. 

Để nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới, nhất là công tác chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong việc tăng cường giáo dục giới tính cho lứa tuổi vị thành niên. Tiếp tục chú trọng công tác truyền thông trực tiếp, đặc biệt là tổ chức hoạt động truyền thông ngoại khóa cho học sinh tại các trường THCS, THPT. Đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể và huy động được đông đảo các lực lượng xã hội tham gia tuyên truyền, vận động về chăm sóc SKSS dưới nhiều hình thức; đổi mới cách tiếp cận, nội dung, thông điệp, hình thức truyền thông phù hợp đối tượng. Xây dựng các thông điệp, sản xuất các sản phẩm truyền thông đơn giản, dễ hiểu, dễ làm theo và phù hợp với đặc điểm về phong tục tập quán, văn hóa… Lựa chọn các kênh truyền thông đại chúng thích hợp với giới trẻ như mạng xã hội; tăng cường các loại hình truyền thông trực tiếp, tư vấn, hướng dẫn các kỹ năng thực hiện hành vi có lợi phù hợp với đối tượng. Đặc biệt là phụ huynh cần gần gũi, quan tâm giáo dục giúp con biết cách tự bảo vệ, giữ gìn, chăm sóc bản thân ở mọi hoàn cảnh, phát triển toàn diện về tâm sinh lý./.

Bài và ảnh: Minh Tân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com