Thời gian gần đây, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 19-11, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 1.472 ca mắc sốt xuất huyết lâm sàng. Qua xét nghiệm khẳng định có 858 ca xét nghiệm dương tính với vi rút sốt xuất huyết; xuất hiện ở cả 10 huyện, thành phố, đã có 3 trường hợp tử vong. Ngành Y tế cùng các địa phương đang tăng cường triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát và lan rộng.
Từ tháng 6 đến nay, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 800 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết với các triệu chứng như đau đầu, đau khớp, cơ, sốt cao… Vào những ngày cao điểm, khoa tiếp nhận từ 20-30 ca nhập viện, trong đó có nhiều ca có triệu chứng nặng mới nhập viện điều trị, gây ra nhiều khó khăn cho các y, bác sĩ. Ông Nguyễn Văn H, ở phường Văn Miếu (thành phố Nam Định) cho biết: Đầu tiên ở nhà tôi thấy đầu đau, choáng váng đầu, bắt đầu gai gai sốt, xong cặp nhiệt độ thấy trên 37 độ C một tí, đến đêm tôi sốt li bì nên vào viện khám. Qua xét nghiệm, bác sĩ bảo, tôi sốt xuất huyết và đã bị giảm tiểu cầu, phải nhập viện theo dõi, điều trị. Không chỉ có tôi, ngày hôm sau gia đình tôi có thêm 3 người nữa cũng bị sốt xuất huyết và nhập viện. Bác sĩ Nguyễn Văn Dương, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Trong tháng 9 và tháng 10, Khoa Truyền nhiễm đón tiếp và điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhiều nhất, trung bình mỗi ngày có khoảng 25 ca nhập viện. Mặc dù số lượng ca mắc sốt xuất huyết hiện nay không cao so với năm 2017 (năm đỉnh dịch gần nhất), tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân chuyển biến nặng tăng cao hơn so với trước, chiếm khoảng 10%, số bệnh nhân nặng phải chuyển tuyến trên chiếm 5-7%.
Phun hóa chất diệt muỗi tại phường Văn Miếu (thành phố Nam Định). |
Trong tổng số 858 ca dương tính với vi rút sốt xuất huyết bệnh viện đã phát hiện qua xét nghiệm, có 113 ca ngoại lai (từ ngoài tỉnh về) và 745 ca nội địa. Thành phố Nam Định là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất tỉnh với 571 ca; huyện Hải Hậu có 63 ca mắc; huyện Ý Yên có 54 ca mắc; huyện Nam Trực 48 ca. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 3 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó có 1 ca tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường); 1 ca tại xã Hải Đông và 1 ca tại xã Hải Đường (Hải Hậu). Đã xuất hiện 360 ổ dịch trên địa bàn tỉnh, sau nhiều nỗ lực ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 113 ổ dịch sốt xuất huyết.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch sốt xuất huyết và dự báo trong thời gian tới số ca mắc có xu hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp: tăng cường việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống, hạn chế đến mức thấp nhất dịch bùng phát trên địa bàn. Chủ động giám sát ca bệnh hàng ngày tại các bệnh viện và cộng đồng; tổ chức giám sát, theo dõi biến động của véc-tơ, vi rút Dengue tại các ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao; phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, đảm bảo phun đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc-tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Các biện pháp xử lý ổ dịch phải được triển khai trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được xác định, đồng thời thực hiện đầy đủ và kịp thời các biện pháp chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng phương án, chủ động ứng phó với mọi tình huống, thành lập các tổ điều trị, đội phản ứng nhanh khẩn trương điều tra véc-tơ, xử lý môi trường khi phát hiện ca bệnh, khoanh vùng ổ dịch. Tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách của Trung tâm y tế các huyện và các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn về kỹ năng giám sát, điều tra dịch tễ và thống kê báo cáo, xử lý số liệu bằng vi tính và truyền tải thông tin bằng internet; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom và phá huỷ ổ bọ gậy; phun hoá chất chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các cơ quan thông tin đại chúng, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông bằng nhiều hình thức cho nhân dân về sự nguy hiểm của dịch bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng bệnh. Các địa phương tổ chức phát động, duy trì chiến dịch vệ sinh môi trường, chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy và dọn bỏ các vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh đẻ trứng, phát triển... để phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu tổ chức tốt việc phân tuyến, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. Rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh trong giai đoạn hiện nay. Bố trí phòng khám các ca bệnh sốt xuất huyết vào những khung giờ phù hợp với tình hình thực tế tại các đơn vị; chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện, vật tư, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh… nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong xảy ra.
Bác sĩ Lại Tuấn Anh, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, hiện nay bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh cơ bản, hiệu quả nhất là tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh là muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Vì vậy, mỗi người dân cần tích cực, tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh như: Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, dọn vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật liệu phế thải gây đọng nước tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng. Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng, bọ gậy. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi có các triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết như sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, nôn… người bệnh phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, đúng cách, không tự ý điều trị tại nhà./
Bài và ảnh: Minh Tân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin