Thu hút đầu tư - Giải pháp trọng tâm để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh

19:05, 05/03/2024

Huy động, thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, nhất là thu hút nhiều nhà doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án phát triển trọng điểm, có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), có tính lan tỏa lớn, là một trong 7 nhóm giải pháp trọng tâm được tỉnh xác định nhằm hiện thực hoá Quy hoạch tỉnh (QHT) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước, có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, từng bước hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển của vùng, quốc gia, khu vực và quốc tế. Từ đó tạo nền tảng vững chắc để thực hiện tầm nhìn đến năm 2050 “Nam Định trở thành trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng, cả nước và khu vực”.

Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) mở rộng thu hút thêm các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) mở rộng thu hút thêm các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Chủ động chỉ đạo, triển khai sớm việc xây dựng quy hoạch tỉnh

 

 Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025, đảm bảo sự đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác lập QHT với khung định hình rõ nét về không gian và các định hướng phát triển, thu hút đầu tư (THĐT) trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thúc đẩy THĐT, để phát triển bền vững. Định hướng của QHT giúp các ngành, các địa phương có căn cứ để cơ cấu vốn đầu tư, xác định các dự án, đối tác ưu tiên thu hút, bảo đảm tính đồng bộ của cả giai đoạn và tính khả thi trong thu hút, bố trí vốn cũng như triển khai đầu tư. Năm 2023, với một loạt dự án, công trình trọng điểm được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt “cả tỉnh như đại công trường” tạo động lực phát triển KT-XH. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh đang ngày càng hoàn thiện và hiện đại; đặc biệt là hệ thống giao thông đối ngoại kết nối Nam Định với các địa phương lân cận trong vùng và cả nước. Đây chính là những yếu tố động lực mới có tính cạnh tranh trong vùng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại, dịch vụ vận tải, logistics, du lịch và các ngành công nghiệp khác.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Với những định hướng đúng, trúng trong công tác THĐT, tiếp theo nhóm dự án “quả đấm thép” trị giá gần 100 nghìn tỷ đồng của Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư vào vùng ven biển huyện Nghĩa Hưng, năm 2023 kết quả THĐT của tỉnh đạt kết quả rất tích cực với sự đột phá cả về số lượng, quy mô vốn và chất lượng dự án; cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đang ngày càng gia tăng sức hấp dẫn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó có không ít doanh nghiệp lớn, vị thế toàn cầu đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển hoặc đã triển khai đầu tư, xây dựng các dự án lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có ý nghĩa lan tỏa, tác động quan trọng tới uy tín, môi trường đầu tư của tỉnh và sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh ở những năm tiếp theo. Có thể kể đến như: Tập đoàn Quanta, Tập đoàn JiaWei (Đài Loan, Trung Quốc); Công ty Xingyu Safety Technology, Tập đoàn Material Sunrise (Singapore); Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore (VSIP); Tập đoàn AEON... Kết quả này cho thấy, cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các ngành của tỉnh, đặc biệt là người đứng đầu, đã phát huy vai trò, thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm chủ động chỉ đạo triển khai tham gia xây dựng QHT theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm sự thống nhất.

 

Quy hoạch tỉnh mở ra nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư

 

QHT xác định tổ chức các hoạt động KT-XH tỉnh Nam Định theo mô hình tổ chức không gian “3 vùng động lực, bốn cực tăng trưởng, năm hành lang kinh tế”. Trong đó, 3 vùng kinh tế động lực gồm: Vùng đô thị thành phố (TP) Nam Định mở rộng; vùng nông nghiệp - nông thôn (các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh); vùng kinh tế biển (các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường). 4 trung tâm đô thị động lực gồm: Đô thị trung tâm với TP Nam Định mở rộng; trung tâm đô thị Thịnh Long - Rạng Đông; trung tâm đô thị Cao Bồ; trung tâm đô thị Giao Thủy.

5 hành lang kinh tế gồm: Hành lang Quốc lộ 10; hành lang Cao tốc Bắc Nam nối dài; hành lang kinh tế ven biển; hành lang Quốc lộ 21 và tuyến đường từ TP Nam Định - Xuân Trường - Giao Thủy đi từ huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) - TP Nam Định - thị trấn Cổ Lễ - thị trấn Xuân Trường - thị trấn Quất Lâm; hành lang tuyến cao tốc CT.08 (Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng).

Tầm nhìn mới của QHT đã mở ra không gian phát triển kinh tế, dịch chuyển dân cư mới cho tỉnh trong thời gian tới. Để kiến tạo thành công không gian mới theo đúng lộ trình quy hoạch và tiếp tục đầu tư nâng cấp không gian hiện hữu, tỉnh phải tăng nhanh tốc độ và hiệu quả cao hơn trong đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH mới. Phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế QHT đã dự báo tổng nhu cầu vốn của các dự án ưu tiên của tỉnh sẽ cần khoảng 774 nghìn tỷ đồng cho thời kỳ quy hoạch 2021-2030.

Theo đồng chí Mai Văn Quyết, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: QHT mở ra không gian mới, gia tăng nhu cầu kiến thiết, đầu tư, xây dựng cũng là yếu tố tăng thêm sức hút đầu tư của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch bên cạnh những tiềm năng, lợi thế hiện hữu của tỉnh. Đó là lợi thế về vị trí địa kinh tế nằm ở vị trí trung tâm của vùng Nam ĐBSH, có vị trí quan trọng trong tam giác phát triển kinh tế Bắc Bộ; có các tuyến giao thông quốc gia như các Quốc lộ 10, 21, 38B, 21B, cao tốc Bắc Nam, đường sắt Bắc - Nam đi qua. Có 72km bờ biển và hệ thống các cửa sông lớn (Hồng, Đáy, Ninh Cơ) tạo nên vùng ven biển rộng, thoáng, nông, bãi thoải đều với tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản; vận tải thủy và hàng hải; du lịch sinh thái biển; đô thị biển và nhiều mặt khác (bao gồm việc lấn biển tạo thêm quỹ đất cho phát triển KT-XH). Nam Định còn là cửa ngõ giao thông đường thuỷ của miền Bắc, là trạm quan trọng trên tuyến đường thuỷ ven biển quốc gia, nơi có cảng biển và điều kiện thuận lợi cho phát triển khu kinh tế ven biển. Nam Định có bề dày phát triển một số lĩnh vực công nghiệp; trong đó, công nghiệp dệt, chế biến, chế tạo (cơ khí, thực phẩm, hóa dược…) giữ vai trò chủ đạo, xương sống; riêng ngành dệt may của tỉnh chiếm 8-10% giá trị sản xuất cả nước, giữ vai trò trung tâm khu vực Nam ĐBSH.

Sản xuất tại Công ty Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (Khu công nghiệp Bảo Minh).
Ảnh: Thanh Thúy

Sản xuất tại Công ty Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (Khu công nghiệp Bảo Minh).

Ảnh: Thanh Thúy

Nam Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nhiều di sản văn hóa lịch sử nổi tiếng cả nước như: Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần, Phủ Dầy và di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” rất thuận lợi cho hợp tác phát triển trong lĩnh vực du lịch với một số tỉnh ĐBSH, tiêu biểu nhất là các loại hình du lịch văn hóa - tâm linh phía Bắc theo hệ thống: Bái Đính, Tràng An (Ninh Bình) - Đền Trần, Phủ Dầy (Nam Định) - Tam Chúc (Hà Nam) - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) - Yên Tử (Quảng Ninh). Được mệnh danh là quê hương “đất học” với 5 vị Trạng nguyên, trong đó Trạng nguyên Nguyễn Hiền của huyện Nam Trực trở thành Trạng nguyên từ khi mới 13 tuổi hay những làng khoa bảng như làng Hành Thiện của xã Xuân Hồng (Xuân Trường)…, ngành Giáo dục và Đào tạo Nam Định thời hiện đại đã giữ vững truyền thống gần 3 thập kỷ đứng trong tốp đầu trên cả nước về chất lượng giáo dục và đào tạo phổ thông, dạy nghề; được Bộ Chính trị định hướng phát triển chức năng trung tâm giáo dục và đào tạo của vùng Nam ĐBSH. Vì vậy tỉnh có lợi thế rất lớn về chất lượng nguồn nhân lực so với nhiều địa phương khác cả về lao động thủ công và lao động chất xám, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay.

 

Gia tăng các giải pháp đồng bộ để thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư trong thời kỳ quy hoạch

 

Để đạt kết quả cao trong huy động nguồn vốn đầu tư thúc đẩy thực thi, biến QHT thành hiện thực, hiện nay, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã bám sát QHT, gia tăng các giải pháp thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư. Trong đó, tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất để sẵn sàng đón nhà đầu tư; đảm bảo việc thu hút và triển khai đầu tư trong thời gian tới không còn bị vướng mắc, ảnh hưởng bởi vấn đề mâu thuẫn, chồng lấn giữa các quy hoạch, chưa thống nhất với QHT... Tích cực bố trí nguồn ngân sách Nhà nước kết hợp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp đồng bộ về kết cấu hạ tầng theo hướng liên hoàn, kết nối, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, điện lực, viễn thông... Hiện đại hóa và thị trường hóa giáo dục và đào tạo, gồm cả đào tạo nghề, chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, kỹ năng công nghệ số, kỷ luật, văn hóa và nâng cao nhận thức cho lực lượng lao động, đặc biệt trong những ngành ưu tiên THĐT, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu sử dụng lao động, nhất là các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Quyết liệt xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tối đa; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đầu tư, xây dựng.

Xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm; quan tâm THĐT theo định hướng phát triển 3 vùng kinh tế của tỉnh; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ với các dự án hợp tác cụ thể để triển khai thành công; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại các địa bàn trọng điểm như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Liên minh châu Âu. Đẩy mạnh truyền thông bằng đa dạng phương tiện, hình thức về các dự án, lĩnh vực tỉnh ưu tiên THĐT trong thời kỳ quy hoạch.

Tỉnh chú trọng THĐT phát triển sản xuất thuộc các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh; nông nghiệp và thủy sản. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu…; ưu tiên các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa thân thiện với môi trường; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà tỉnh có lợi thế.

Về đối tác ưu tiên THĐT, tỉnh chủ trương, đối với dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tỉnh khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và THĐT sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Đối với đầu tư trong nước, tỉnh ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, các doanh nghiệp thuộc tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) đầu tư vào các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ.

Các dự án, đối tác ưu tiên THĐT của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch: chú trọng thu hút các dự án đầu tư hạ tầng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh như hạ tầng khu kinh tế, KCN, CCN; hạ tầng điện phục vụ các khu, CCN, các khu vực sản xuất công nghiệp trọng điểm của tỉnh, Khu Kinh tế Ninh Cơ, các công trình trạm, truyền tải điện từ các nhà máy sản xuất điện (nhiệt điện, điện gió, điện khí...); các dự án thúc đẩy phát triển kinh tế biển; cảng, bến cảng, logistics;…

Các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư tập trung, xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố Nam Định; trung tâm thương mại, siêu thị lớn; các dự án phát triển các khu du lịch biển Quất Lâm, Thịnh Long, Rạng Đông, khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf tại khu vực ven biển, khu bảo tồn chứng tích biến đổi khí hậu và du lịch sinh thái khu vực nhà thờ đổ Hải Lý; đầu tư khai thác tuyến đường thuỷ nội địa phục vụ du lịch; các dự án phát triển các tuyến, điểm du lịch…

Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com