Iran phản ứng trước những cáo buộc chống Tehran của Tổng thống Pháp

07:56, 08/01/2025

Ông đồng thời kêu gọi nhà lãnh đạo Pháp xem xét lại các cách tiếp cận thiếu xây dựng đối với hòa bình và ổn định tại khu vực Tây Á.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tehran. Ảnh: IRNA/TTXVN
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tehran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Phát biểu này được đưa ra vào tối 7/1, để đáp lại những tuyên bố chống Iran mà Tổng thống Macron đã đưa ra trong buổi họp thường niên với các Đại sứ Pháp nhằm phác thảo các mục tiêu chính sách đối ngoại năm 2025, tổ chức tại Điện Élysée hôm 6/1.

Trong sự kiện này, ông Macron đã đưa ra hàng loạt cáo buộc đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran, từ chính sách khu vực và đối ngoại đến chương trình hạt nhân. Ông gọi Iran là thách thức chiến lược và an ninh chính đối với châu Âu tại Trung Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng chương trình hạt nhân của Tehran đang tiến gần đến “điểm không thể quay đầu”.

Phản hồi những cáo buộc trên, ông Baghaei nhấn mạnh rằng mối đe dọa thực sự đối với hòa bình và ổn định khu vực là Israel. Ông cáo buộc Israel, với sự hậu thuẫn hoàn toàn từ Mỹ và một số quốc gia châu Âu, bao gồm cả Pháp, không chỉ tiếp tục chiếm đóng và thực hiện hành vi diệt chủng mà còn mở rộng các hành động gây hấn sang nhiều quốc gia khác trong khu vực.

"Thật đáng tiếc khi Tổng thống Pháp, thay vì chỉ trích một chế độ diệt chủng và phân biệt chủng tộc mà các lãnh đạo của họ đang bị Tòa án hình sự quốc tế truy nã, lại chỉ tay vào một quốc gia (Iran) luôn là người tiên phong cho hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế", ông Baghaei tuyên bố.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng bác bỏ các tuyên bố của Tổng thống Macron về chương trình hạt nhân của Tehran, khẳng định rằng các hoạt động hạt nhân của Iran mang tính hòa bình, nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và được giám sát chặt chẽ, liên tục bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Ông Baghaei gọi các cáo buộc của Pháp là "sai lệch và lừa dối", đặc biệt khi chính phủ Pháp chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) và đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc giúp một chế độ diệt chủng như Israel sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ông Baghaei cũng bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Macron về sự can thiệp của Iran vào cuộc xung đột ở Ukraine. "Những tuyên bố vô trách nhiệm này bóp méo sự thật và là nỗ lực nhằm che đậy vai trò phá hoại của các tác nhân chính gây ra khủng hoảng trên thế giới", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông bày tỏ sự ngạc nhiên và tiếc nuối trước việc Tổng thống Pháp lo ngại về quan hệ của Iran với các quốc gia châu Phi. Ông Baghaei khẳng định: "Những quốc gia từng có lịch sử thực dân bạo lực tại châu Phi không thể áp đặt số phận của các quốc gia độc lập bằng tư duy cũ kỹ đó".

Quan hệ giữa Cộng hòa Hồi giáo Iran và các quốc gia châu Phi dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và nhằm hướng tới lợi ích chung, ông Baghaei nói thêm.

Liên quan đến chương trình hạt nhân Iran, trước đó, ngày 6/1, ông Baghaei tuyên bố Tehran sẵn sàng đàm phán “dựa trên danh dự và phẩm giá” để giải quyết những lo ngại về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Tại buổi họp báo hàng tuần ở thủ đô Tehran, khi trả lời câu hỏi về khả năng đàm phán với Mỹ, ông Baghaei khẳng định Iran luôn đặt niềm tin vào đối thoại, đồng thời nhắc lại tuyên bố của Ngoại trưởng Seyed Abbas Araghchi về quan điểm mới nhất của nước Cộng hòa Hồi giáo rằng “chúng tôi sẵn sàng cho những cuộc đàm phán dựa trên phẩm giá và danh dự về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và xua tan những lo ngại về bản chất của chương trình hạt nhân Iran”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nêu rõ đây là quan điểm nhất quán của chúng tôi, tuy nhiên, theo ông, hình thức đàm phán nên được quyết định sau khi xem xét tất cả các khía cạnh, bao gồm cả cách tiếp cận và sự thể hiện của các bên khác.

Ông Baghaei lưu ý vòng đàm phán mới giữa Tehran và Nhóm E3, gồm Pháp, Anh và Đức, sẽ được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 13 - 14/1 tới.

Chương trình nghị sự sẽ bao gồm hàng loạt vấn đề như những diễn biến ở khu vực Tây Á, quan hệ song phương với Liên minh châu Âu (EU), chương trình hạt nhân của Iran và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com