IMF: Kinh tế toàn cầu năm 2025 ổn định nhưng gặp nhiều thách thức

08:15, 14/01/2025

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva mới đây cho biết khi công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được cập nhật vào ngày 17/1 tới, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ổn định và lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2025. 

Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Bà Georgieva nhận định kinh tế Mỹ đang diễn biến “khá tốt” so với dự kiến, mặc dù có sự bất ổn lớn xung quanh chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump. Điều này đang làm gia tăng những trở ngại đối với nền kinh tế toàn cầu và đẩy lãi suất dài hạn lên cao.

Bà Georgieva cho biết với việc lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu cho thấy thị trường lao động ổn định, Fed có thể chờ thêm dữ liệu trước khi thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo.

Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF được công bố chỉ vài ngày trước khi ông Trump nhậm chức. Những phát biểu của bà Georgieva là dấu hiệu đầu tiên trong năm 2025 về việc IMF đang thay đổi quan điểm về kinh tế thế giới, nhưng những thay đổi này vẫn chưa được thể hiện rõ qua các con số cụ thể.

Hồi tháng 10/2024, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Mỹ, Brazil (Bra-xin) và Vương quốc Anh, nhưng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, Nhật Bản và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), với lý do rủi ro từ các xung đột thương mại tiềm tàng, xung đột và chính sách tiền tệ thắt chặt.

Cũng hồi tháng 10/2024, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ở mức 3,2% (đã được đưa ra vào tháng 7/2024) và hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 xuống còn 3,1%. Đồng thời IMF cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại còn 3,1% trong vòng 5 năm, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. 

Theo bà Georgieva, việc thế giới quan tâm đến chính sách của chính quyền mới tại Mỹ là điều dễ hiểu, vì Mỹ là một nền kinh tế lớn và có vai trò quan trọng trên toàn cầu. Các chính sách về thuế quan, thuế, bãi bỏ quy định của Chính phủ Mỹ có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu.

Cũng theo bà Georgieva, sự không chắc chắn về chính sách thương mại của chính phủ mới tại Mỹ đang tạo ra những rủi ro lớn cho kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, những quốc gia và khu vực có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nền kinh tế có quy mô trung bình và châu Á là những nơi sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bà Georgieva cũng nhấn mạnh sự bất thường của việc lãi suất dài hạn tăng lên trong khi lãi suất ngắn hạn giảm, điều này cho thấy sự bất ổn và lo lắng của thị trường tài chính về các chính sách kinh tế sắp tới. IMF nhận thấy các xu hướng khác nhau ở những khu vực khác nhau, với tăng trưởng dự kiến sẽ chững lại ở Liên minh châu Âu và giảm tốc “một chút” ở Ấn Độ, trong khi Brazil đang đối mặt với lạm phát cao hơn. Theo IMF, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với hai vấn đề chính là áp lực giảm phát và nhu cầu tiêu dùng trong nước còn yếu. Điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Các nước có thu nhập thấp, mặc dù đã có những nỗ lực cải cách, song vẫn đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương.

Bà Georgieva cho rằng việc tăng lãi suất để chống lạm phát đã không gây ra suy thoái toàn cầu, nhưng sự khác biệt trong diễn biến lạm phát đòi hỏi các ngân hàng Trung ương phải cẩn trọng và theo dõi sát sao dữ liệu kinh tế ở từng địa phương.

Bên cạnh đó, đồng USD mạnh có thể làm tăng chi phí vay nợ cho các nước đang phát triển và đặc biệt là những nước có thu nhập thấp. Các quốc gia cần phải cắt giảm chi tiêu sau đại dịch COVID-19 và thực hiện các cải cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Bà Georgieva cho rằng việc này có thể được thực hiện mà không tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com