Mối quan hệ giữa Armenia và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu đang rơi vào khủng hoảng chưa từng có. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố nước này đã trải qua "điểm không thể quay lại" sau những thất vọng liên tiếp, đặc biệt trong cuộc xung đột Nagorny-Karabakh.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo trang tin Eurasia.net ngày 9/12, mối quan hệ giữa Armenia và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu đang ở điểm căng thẳng nhất sau những tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Tại phiên họp quốc hội diễn ra mới đây, ông Pashinyan đã chính thức khẳng định Armenia thực tế đã tách khỏi CSTO.
Thủ tướng Pashinyan giải thích rằng việc Armenia cắt đứt quan hệ với CSTO đã trải qua “điểm không thể quay lại”.
CSTO - tổ chức ra đời năm 1992 với sáu thành viên là các quốc gia cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan - được hình dung như một đối trọng với NATO. Mục tiêu ban đầu của tổ chức này là đảm bảo an ninh tập thể giữa các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, Armenia cho rằng CSTO hiện nay không thể thực hiện mục tiêu trên.
Điểm then chốt khiến Armenia quyết định "chia tay" CSTO chính là sự thiếu vắng hỗ trợ của các đồng minh trong cuộc xung đột Nagorny-Karabakh. Thủ tướng Pashinyan chỉ trích các thành viên CSTO đã không thực hiện nghĩa vụ theo hiệp ước, dẫn đến việc Azerbaijan tái chiếm toàn bộ vùng lãnh thổ tranh chấp.
"Chúng tôi đã hoàn thành chính xác mọi nghĩa vụ đồng minh của mình, cả về mặt đạo đức, chính trị và pháp lý, nhưng các nghĩa vụ đồng minh đối với chúng tôi vẫn chưa được thực hiện", ông Pashinyan nhấn mạnh.
Việc cắt đứt quan hệ với CSTO không phải là một quyết định đột ngột, mà là phần của một chiến lược lớn hơn của Thủ tướng Pashinyan nhằm đưa Armenia tiến gần hơn với các thể chế phương Tây. Mục tiêu của Yerevan là thoát khỏi sự phụ thuộc về an ninh và kinh tế vào Nga.
Trong khi đó, phản ứng từ Moskva khá bình thường. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc Armenia rời khỏi CSTO, đồng thời nói thêm rằng Armenia vẫn là thành viên được chào đón của tổ chức.
“Chúng tôi nghe những tin đồn rằng Thủ tướng Armenia đã phát biểu và thảo luận nhiều vấn đề về chủ đề này tại quốc hội. Chúng tôi tin rằng việc tận dụng tối đa tư cách thành viên (CSTO) là vì lợi ích an ninh của Armenia. Nga và các thành viên CSTO khác đã không và sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào được coi là đóng cửa với Yerevan”, ông Lavrov nói với các nhà báo.
Trước đó tại hội nghị thượng đỉnh của CSTO ở Kazakhstan vào ngày 28/11 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn tỏ ra tự tin rằng Armenia sẽ không rời đi, cho rằng những tuyên bố của ông Pashinyan chỉ nhằm mục đích nhằm vào các đối tượng trong nước, được thúc đẩy bởi các yếu tố nội bộ liên quan đến thất bại của Armenia trong cuộc xung đột ở Karabakh. Ông Putin nói thêm rằng sẽ không phù hợp nếu CSTO can thiệp vào cuộc xung đột Karabakh.
Thực tế, Thủ tướng Pashinyan đã tuyên bố Armenia đã "trải qua điểm không thể quay lại" trong mối quan hệ với CSTO. Ông ngừng phê chuẩn các tài liệu của tổ chức và trên thực tế đã đình chỉ sự tham gia của quốc gia này.
Cuộc "ly hôn" giữa Armenia và CSTO cho thấy sự thay đổi quan trọng trong chiến lược đối ngoại của quốc gia thuộc khu vực Caucasus này. Giới quan sát quốc tế nhận định quyết định trên của Armenia sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến cán cân địa chính trị khu vực.
Theo baotintuc.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin