Giáo dục không chỉ đóng vai trò quan trọng định hình tương lai của trẻ em mà còn là yếu tố then chốt trong xây dựng nguồn nhân lực để phát triển đất nước. Tuy nhiên thời gian qua, nạn bạo lực học đường ngày càng lan rộng trên thế giới đã khiến trường học không còn là môi trường an toàn đối với những học sinh bị bắt nạt.
Một lớp học tại Liban. (Ảnh Reuters) |
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, số học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông là nạn nhân của bạo lực học đường trong năm 2024 tăng năm thứ 4 liên tiếp, lên mức cao nhất trong 11 năm qua là 2,1%. Kết quả cuộc khảo sát được thực hiện đối với hơn 3,9 triệu học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 tại Hàn Quốc chỉ ra rằng, các hình thức bạo lực phổ biến nhất là bắt nạt bằng lời nói, bạo lực thể chất và bạo lực qua mạng. Thống kê mới nhất của Phòng Thống kê và Nghiên cứu tội phạm bang New South Wales của Australia cũng cho thấy sự gia tăng đáng báo động số vụ bạo lực tại các trường công lập ở bang này, tăng 60% chỉ trong vòng một năm.
Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay nhấn mạnh, trường học nên là nơi mọi học sinh đều cảm thấy được tôn trọng và an toàn, để các em có thể học tập và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, không chỉ tại Hàn Quốc và Australia, bạo lực học đường là tệ nạn nhức nhối ở nhiều quốc gia trên thế giới. UNESCO cho biết, khoảng một phần ba số học sinh trên thế giới bị gây tổn hại về thể chất ít nhất một lần trong năm. Ngoài ra, cùng sự phổ biến của công nghệ, nạn bắt nạt trực tuyến cũng ngày càng lan rộng, tác động tiêu cực đối với 10% trẻ em toàn cầu. Đáng chú ý, học sinh nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả.
Bạo lực học đường có thể khiến môi trường giáo dục trở nên tiêu cực và chất lượng dạy học suy giảm rõ rệt. Theo nghiên cứu của UNESCO, trẻ em thường xuyên bị bắt nạt thường có xu hướng sợ hãi, không thể tập trung vào việc học, có khả năng nghỉ học cao gấp đôi và kết quả học tập kém hơn những học sinh khác. Đáng lo ngại, tình trạng bạo lực học đường không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đối với quá trình học tập, mà cả sức khỏe tinh thần, vì các nạn nhân có thể bị tổn thương tâm lý, mất ngủ và có ý định tự tử cao gấp đôi. Ủy viên Ủy ban quốc gia về trẻ em của Australia Anne Hollonds nhấn mạnh, bị bắt nạt ở trường học để lại hậu quả lâu dài, làm tổn thương sự tự tin, lòng tự trọng và tự tôn của học sinh, thậm chí dẫn đến việc bỏ học, phá vỡ cơ hội phát triển của các em.
Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế trên thế giới nhìn nhận đây là một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết, đồng thời triển khai các nỗ lực giảm tình trạng bắt nạt, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Tại Phần Lan, quốc gia có tỷ lệ bạo lực học đường thấp ở châu Âu, chương trình chống bắt nạt KiVa, được phát triển bởi Đại học Turku với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Phần Lan, đã được triển khai rộng rãi ở các trường học trên cả nước. Hoạt động dựa trên ba phương pháp chính là phòng ngừa, can thiệp và giám sát, chương trình KiVa đã giúp giảm tới 40% số vụ bắt nạt học đường tại Phần Lan ngay trong năm đầu tiên thực hiện và sau đó được triển khai ở nhiều nước như Hà Lan, Estonia, Italia, Mexico, Thụy Điển… Trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng, năm 2013, Nhật Bản đã ban hành luật về phòng chống bắt nạt. Hàn Quốc cũng thực hiện chương trình tư vấn cho các nạn nhân bạo lực học đường, đồng thời huấn luyện giáo viên, cha mẹ học sinh về phương pháp xử lý các vụ bắt nạt.
Giới chuyên gia cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội là yếu tố quan trọng hàng đầu trong phòng chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho học sinh. Ngoài ra, UNESCO nhấn mạnh vai trò của các chính sách công trong hạn chế bạo lực tại trường học, nhất là trong bối cảnh hiện chỉ có 32 nước trên thế giới có khuôn khổ pháp lý toàn diện để giải quyết tệ nạn này.
Theo Nhân Dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin